Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD. Qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD. Về cơ bản, các mục tiêu đề ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đều đạt được. Tăng trưởng xuất khẩu vượt mức kế hoạch đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị |
Đáng chú ý, năm 2020, Bộ Công thương đã tham gia đóng góp tích cực trong việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm nhiệm kỳ 2020 - 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là CPTPP và EVFTA, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu, toàn ngành công thương phải lo phục vụ tết cho nhân dân, không để thiếu hàng hóa, nhất là vùng xa, các trung tâm lớn. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2020 được coi là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua. Động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế được duy trì tốt. Lương thực, điện lực, ngoại hối được đảm bảo. Thành công đó có sự đóng góp quan trọng của ngành công thương, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hội nhập, thương mại và xuất khẩu. Tóm tắt một số thành công lớn của ngành công thương,
Thủ tướng cho rằng công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng thể chế, cải cách hành chính được thực hiện tốt, đạt hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu, bình ổn thị trường; tham mưu cho Chính phủ trong điều hành và tổ chức thực hiện tốt việc giảm giá điện cho người dân và doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19.
Công tác cải cải hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương không ngừng đổi mới, đi vào chiều sâu hơn. Các tập đoàn dệt may, xăng dầu, dầu khí đã vượt qua được khó khăn để giữ được việc làm cho người lao động.
Toàn cảnh hội nghị |
Về vấn đề thương mại với Hoa Kỳ, Thủ tướng nêu rõ thông điệp: “Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt trong việc triển khai các hành động cụ thể để giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Quyết tâm cùng với Hoa Kỳ thực hiện kế hoạch hành động chung hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững. Chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo thế cạnh tranh trong thương mại”.
Bên cạnh việc đạt được, Thủ tướng cũng cho rằng, hiện nhập siêu của khối DN trong nước vẫn lớn. Nhiều ngành nghề vẫn chưa có giá trị gia tăng cao. Hàng gian, hàng giả vẫn phức tạp. Công tác quản lý thị trường vẫn còn nhiều bất cập. Giá nhiều mặt hàng chiến lược vẫn còn bị kiểm soát, chưa tạo sự phát triển.
Nhiều quốc sản của Việt Nam vẫn chưa hiện diện trên bản đồ thế giới. Hiện chưa có một chiến lược quốc gia đưa hàng từ nông thôn lên thành thị. Công nghiệp ít có sự lan tỏa đến thu nhập, sức cầu của nền kinh tế. Hàng Việt Nam trong các siêu thị vẫn còn lép vế so với hàng có nguồn gốc nhập khẩu. Đặc biệt nhiều dự án lớn chưa được khởi công.
Thủ tướng đề nghị ngành công thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách với tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu, toàn ngành công thương phải lo phục vụ tết cho nhân dân, không để thiếu hàng hóa, nhất là vùng xa, các trung tâm lớn. Cùng với đó, toàn ngành phải lo phòng chống COVID-19 thật tốt và trong toàn ngành công thương không có ai bị mắc COVID-19.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 9210 Trong tuần: 33196 Trong tháng 284688 Tất cả: 17378251