Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ACMECS8.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các Hội nghị. Tham gia Đoàn, có lãnh đạo và đại diện các Bộ: Ngoại giao; Công thương; Giao thông vận tải; Kế hoạch và Đầu tư; Giáo dục và Đào tạo; Tài chính; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Chính phủ và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam.
* Với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ACMECS kết nối và hội nhập”, Hội nghị cấp cao ACMECS 8 tập trung thảo luận về các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng tính cạnh tranh cho các nền kinh tế thành viên và đề ra các định hướng hợp tác vì phát triển bao trùm và bền vững của khu vực Mê Công. Các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Băng-cốc và Kế hoạch tổng thể ACMECS giai đoạn 2019 - 2023 với mục tiêu đưa khu vực ACMECS trở thành một trung tâm kinh tế kết nối thông suốt và hội nhập mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng và giá trị khu vực và toàn cầu. Theo đó, các nước ACMECS sẽ tập trung hợp tác vào ba trụ cột chính là: kết nối thông suốt về hạ tầng cứng; kết nối hạ tầng mềm; phát triển thông minh và bền vững.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận việc thành lập Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác ACMECS nhằm hỗ trợ triển khai các dự án ưu tiên trước mắt của các nước thành viên. Lần đầu Diễn đàn lãnh đạo doanh nghiệp ACMECS và đối thoại giữa các nhà lãnh đạo và các giám đốc điều hành (CEO) hàng đầu trong khu vực được tổ chức. Các nhà lãnh đạo ACMECS hoan nghênh việc Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) từ ngày 11 đến 13-9 tới, tại Hà Nội; cho đây là cơ hội tốt để quảng bá về khu vực Mê Công như một động lực kinh tế năng động mới của ASEAN, thúc đẩy tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp ACMECS. Các nước nhất trí Cam-pu-chia sẽ chủ trì Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 10 năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có phát biểu, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác ACMECS, cụ thể là: Hợp tác ACMECS cần thúc đẩy phối hợp quan điểm trong hợp tác với các đối tác phát triển, đồng thời xây dựng tiếng nói chung về các vấn đề cần giải quyết, các ưu tiên hợp tác của tiểu vùng; Cải tiến cơ chế hoạt động của ACMECS và chú trọng hơn việc huy động nguồn lực tài chính cho hợp tác ACMECS thông qua các sáng kiến như Quỹ ACMECS, Quỹ tín thác và cơ sở hạ tầng ACMECS; Cần nghiên cứu cách thức cải tiến cơ cấu hoạt động của ACMECS theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tính cả phương án kết hợp tổ chức hội nghị các cấp của ACMECS cùng dịp với các sự kiện của ASEAN và các cơ chế Mê Công khác; Hợp tác ACMECS cần đóng góp trực tiếp hơn và trở thành một phần không thể thiếu trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua gắn kết việc triển khai Kế hoạch Tổng thể ACMECS với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN và các chương trình hợp tác khác của ASEAN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề xuất nhiều nội dung hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực kết nối giao thông, thương mại và đầu tư, nông nghiệp, du lịch, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và phát triển nguồn nhân lực.
* Ngay sau Hội nghị cấp cao ACMECS 8, đã diễn ra Hội nghị cấp cao CLMV 9, với chủ đề “Vì sự hội nhập và kết nối sâu sắc hơn”. Hội nghị đã rà soát tình hình hợp tác kể từ Hội nghị cấp cao CLMV 8 năm 2016; thảo luận phương hướng và biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác thời gian tới. Các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhằm phát huy tiềm năng kinh tế của các nước thành viên, đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN, bảo đảm phát triển bền vững và bao trùm tại khu vực. Các nhà lãnh đạo tin tưởng rằng, việc hợp tác và phối hợp chặt chẽ giúp các nước CLMV vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội phát triển mới. Các nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy kết nối nhiều mặt giữa bốn nền kinh tế nhằm thực hiện các mục tiêu của CLMV về giao thông, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư và hợp tác công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, năng lượng, công nghệ thông tin và viễn thông. Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao CLMV 9 và nhất trí Lào sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 10.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN có tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia CLMV và sự ổn định, thịnh vượng của ASEAN. Thủ tướng nêu ba điểm lớn mà hợp tác CLMV cần chú trọng để đạt hiệu quả hoạt động cao nhất. Thứ nhất, hợp tác CLMV cần tập trung vào các lĩnh vực hợp tác phù hợp với thế mạnh của cơ chế hợp tác và có tính khả thi cao. Thứ hai, sáng tạo trong cách thức huy động nguồn lực và xây dựng các dự án chung liên quốc gia. Thứ ba, xây dựng chiến lược hợp tác trung, dài hạn làm cơ sở để triển khai các hoạt động. Thủ tướng cũng đưa ra những đề xuất cụ thể, thể hiện sự chủ động đóng góp của Việt Nam, như việc sẵn sàng hỗ trợ các nước tham dự các hội chợ lớn tại Việt Nam; xây dựng Chính phủ điện tử; nâng cao năng lực và kỹ năng số; tiếp tục triển khai chương trình học bổng CLMV, mở rộng quy mô học viên cho cả ba nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma tới học tại Trung tâm đào tạo nghề tại tỉnh Kon Tum.
* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các Trưởng đoàn các nước ACMECS có buổi ăn trưa, làm việc với một số Giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp trong ACMECS. Đại diện doanh nghiệp Việt Nam tham gia có các lãnh đạo BRG, T&T, FPT, VietJet, Hợp Lực.
* Bên lề các Hội nghị cấp cao ACMECS 8 và CLMV 9 tại Băng-cốc, ngày 16-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc ăn sáng, làm việc với Thủ tướng Lào Thoong-lun Xi-xu-lít và Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen. Các nhà lãnh đạo trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa ba nước, trong đó chú trọng các dự án kết nối hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Lào và Cam-pu-chia hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước khác trong ASEAN và xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2025.
* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có cuộc gặp Tổng thống Mi-an-ma Uyn Min. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, việc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - Mi-an-ma mở ra trang hợp tác mới giữa hai nước; nhất trí tiếp tục triển khai các thỏa thuận cấp cao; phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng, trong đó có ACMECS. Thủ tướng đề nghị Mi-an-ma tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời mời Tổng thống Uyn Min tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) tại Hà Nội tháng 9 tới và sớm thăm chính thức Việt Nam.
* Trong cuộc gặp Tổng Thư ký ASEAN Lim Giốc Hoi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của Ban Thư ký ASEAN trong việc hỗ trợ hợp tác nhóm nước CLMV nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN; đề nghị đưa CLMV tham gia các cơ chế hợp tác chung của ASEAN với các đối tác và các tổ chức quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Tổng Thư ký ASEAN dự Hội nghị WEF ASEAN tại Hà Nội; Tổng Thư ký Lim Giốc Hoi đã nhận lời.
* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Thái-lan đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, như ThaiBev và SCG. Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp Thái-lan hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; khẳng định Chính phủ Việt Nam ủng hộ và khuyến khích doanh nghiệp Thái-lan cùng đối tác Việt Nam làm ăn tích cực và hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước.
* Chiều 16-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Việt Nam rời thủ đô Băng-cốc về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự các Hội nghị cấp cao ACMECS 8 và CLMV 9.
Nguồn nhandan.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 358 Trong tuần: 31312 Trong tháng 283069 Tất cả: 16432391