Theo đó, Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trên cơ sở hợp nhất 2 cơ quan hiện hành, gồm cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương) và Hội đồng cạnh tranh. Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương. Chính phủ quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan này.
Không để “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay, hiện có hai loại ý kiến xung quanh vấn đề hình thành cơ quan cạnh tranh. Loại ý kiến thứ nhất tán thành Tờ trình của Chính phủ, đề nghị quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất Cục cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh nhưng phải bảo đảm tính độc lập tương đối, hoạt động tuân theo pháp luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia độc lập thuộc Chính phủ hoặc thuộc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh. Độc lập là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, hiệu lực của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) |
Bộ Công Thương hiện nay vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh vừa thực hiện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nếu đặt Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương khó đảm bảo được tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh. Mặt khác, Cơ quan cạnh tranh Quốc gia vừa là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa có chức năng điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, vì vậy việc đảm bảo tính độc lập là nhu cầu khách quan. Theo Ủy ban Kinh tế, để bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật về cạnh tranh phải xây dựng cơ quan cạnh tranh chuyên nghiệp, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ năng lực và thẩm quyền trong việc xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị không giao Chính phủ quy định mà quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Cơ quan cạnh tranh, đề cao vai trò, tăng cường trách nhiệm và bảo đảm hiệu quả hoạt động của Cơ quan cạnh tranh, bảo đảm cơ quan này có đủ thẩm quyền để thực thi pháp luật về cạnh tranh, thực hiện nhiệm vụ điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, tính minh bạch của các quy định về tố tụng cạnh tranh, bảo đảm quyền và lợi ích của các bên tham gia tố tụng cạnh tranh.
Bất lực trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh?
Phát biểu về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đặt vấn đề: Việt Nam hội nhập, mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài để làm gì? Câu trả lời phải là tăng cường nội lực nền kinh tế, củng cố tăng cường chủ quyền Việt Nam trước hết về kinh tế, khai thác nguồn lực và thị trường nước ngoài để đẩy mạnh phát triển, để Việt Nam đuổi kịp thế giới. “Chúng ta không kỳ thị các doanh nghiệp nước ngoài và sẵn sàng đối xử tốt với họ miễn là tuân thủ luật pháp quốc gia, các hàng rào kỹ thuật. Nhưng vấn đề là hàng trăm tỷ USD xuất khẩu mỗi năm, hàng trăm tỷ USD đầu tư FDI, hàng trăm tỷ USD đầu tư gián tiếp 20 năm qua đã đem lại gì cho nội lực nền kinh tế Việt Nam?”, ĐB lo lắng.
Theo ĐB Nghĩa, nhiều nghiên cứu của các chuyên gia và các cơ quan quản lý nhà nước đã chỉ rõ, Việt Nam đã mất rất nhiều tài nguyên, mất rất nhiều lao động giá rẻ, mất rất nhiều ưu đãi về thuế, đất cát cho các doanh nghiệp nước ngoài nhưng kết quả đem lại chưa tương xứng. “Chúng ta đã báo động về tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô, điện tử sau hàng chục năm hầu như vẫn không nhích lên như cam kết của các nhà đầu tư khi vào sản xuất tại Việt Nam. Chúng ta cũng đã đánh mất nhiều thị phần thức ăn gia súc, thuốc thú y…”, ĐB Nghĩa lưu ý.
“Chúng ta gần như bất lực trước các vụ thắng thầu của các doanh nghiệp nước ngoài chỉ nhờ kê giá rẻ và cam kết công nghệ cao, nhưng năm sau thì đội vốn, giãn tiến độ, gian dối về chất lượng và công nghệ, những dự án như vậy cộng lại có vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ”, ĐB nêu.
Hạn chế điều chỉnh việc cạnh tranh ở nước ngoài
Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, quy định phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật Cạnh tranh hiện hành, theo đó, không chỉ giới hạn hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam mà còn điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ về tính khả thi của quy định này, nhất là trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần điều chỉnh hoạt động cạnh tranh trực tuyến không công bằng.
“Đây là một đạo luật khó, trong xây dựng cần có sự tổng kết kỹ về thực tiễn cũng như tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, nhất là những vấn đề, quy định liên quan đến cạnh tranh ngoài lãnh thổ Việt Nam”, ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nêu quan điểm.
ĐB Trần Đăng Ninh (Hòa Bình), ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề nghị các quy định của Luật phải được xây dựng phải bảo đảm được sự thống nhất, loại trừ các xung đột, mâu thuẫn với các luật chuyên ngành liên quan đến vấn đề cạnh tranh và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cùng với đó, cần có các quy định cụ thể hơn nữa về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Nhiều ý kiến khác nhau về mô hình Cơ quan cạnh tranh Quốc gia
Một trong những nội dung được nhiều ĐB Quốc hội quan tâm là mô hình Cơ quan cạnh tranh Quốc gia. Theo Tờ trình của Chính phủ, quy định về cơ quan cạnh tranh trong dự thảo Luật được tiếp cận theo hướng nâng cao tính độc lập và thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh, đảm bảo khả năng thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) |
Theo đó, Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trên cơ sở hợp nhất 2 cơ quan hiện hành, gồm cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương) và Hội đồng cạnh tranh. Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương đồng thời, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.
ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) chỉ rõ, Cục Quản lý cạnh tranh ngoài thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cạnh tranh còn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng và phòng vệ thương mại. Trong khi đó, Hội đồng cạnh tranh là cơ quan phối hợp liên ngành tập hợp 11 thành viên là đại diện cho 11 bộ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Với cách tổ chức như vậy, cơ quan quản lý cạnh tranh không đảm bảo vai trò độc lập, mặt khác Cục Quản lý cạnh tranh lại thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên cả 3 lĩnh vực dẫn đến quá tải, vì thế việc xây dựng cơ quan duy nhất có chức năng, nhiệm vụ, vị trí pháp lý rộng hơn, bao quát hơn về cạnh tranh là phù hợp.
Tuy nhiên, ĐB vẫn băn khoăn với phương án Chính phủ đề xuất là cơ quan này trực thuộc Bộ Công Thương. “Bộ Công Thương ngoài chức năng quản lý Nhà nước thì cũng trực tiếp quản lý nhiều doanh nghiệp trực thuộc Bộ. Trong khi đó, hiện nay, chúng ta đang có chủ trương thu gọn đầu mối; số lượng cơ quan trực thuộc Chính phủ cũng đã được quyết định cụ thể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội”, ĐB phân tích.
Do vậy, để xử lý vấn đề này, ĐB Thắng đề nghị, dự thảo Luật quy định rõ hơn những hành vi bị cấm đối với cơ quan Nhà nước, đặc biệt là những lĩnh vực có các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương tham gia. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tính toán và quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan này để không xảy ra tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng do cơ cấu tổ chức đặt ra.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia độc lập thuộc Chính phủ hoặc thuộc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh. Vì độc lập là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, hiệu lực của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.
Ở góc nhìn khác, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lại không đồng tình với việc thành lập Cơ quan cạnh tranh Quốc gia. Đại biểu dẫn ra 4 bất cập nếu thành lập cơ quan này, cụ thể: Tăng thêm độ lòng vòng của việc xử lý; tăng thêm tổ chức bộ máy biên chế; có khả năng dẫn đến việc đi trái nguyên tắc thực hiện quyền lực Nhà nước là có phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực và đi ngược với cải cách tư pháp.
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, vụ việc cạnh tranh bao gồm 2 loại: một là vi phạm thỏa thuận cạnh tranh nhưng không vi phạm pháp luật và điều này được xử lý bằng việc khởi kiện ra tòa án kinh tế. Trong trường hợp vi phạm pháp luật cạnh tranh thì tùy tính chất, mức độ có thể xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. “Với cách phân loại như thế, chúng ta thấy phù hợp với cơ chế nào thì giải quyết theo cơ chế đó chứ không nên thành lập Cơ quan cạnh tranh. Cơ quan này nếu thành lập sẽ không phù hợp với hệ thống pháp luật”, ĐB chỉ rõ.
Theo http://cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 7914 Trong tuần: 15 Trong tháng 42251 Tất cả: 17587148