Hiện Việt Nam đã có 58 giống lúa (đứng thứ tư châu Á, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ), trong đó, có 30 giống lúa đột biến, với những giống siêu lúa NPT3, NPT4, NPT5 đang được khảo nghiệm sản xuất và phát triển ở một số vùng trọng điểm lúa tại đồng bằng sông Hồng, có năng suất đạt chín đến 10 tấn/ha, chống chịu sâu bệnh, phẩm chất gạo thơm ngon, có khả năng thay thế một số giống lúa lai nhập từ nước ngoài. Tuy vậy, chúng ta đã và đang phải nhập khẩu ngay cả những giống cây có thể tự sản xuất được, như lúa, ngô, dưa hấu, đậu bắp. Việt Nam có nhiều gien giống cây quý cổ truyền, chất lượng tốt, như sầu riêng, xoài cát, bưởi da xanh… nhưng chưa được coi trọng bảo quản và xây dựng thương hiệu, phát triển sản xuất lớn. Thậm chí, lan hồ điệp của chúng ta khi xuất khẩu cũng phải trả tiền bản quyền cho các nước đã đăng ký trước đó.
Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu gần 150 nghìn tấn giống cây trồng (hơn 7.000 tấn giống lúa, còn lại là các giống cỏ, ngô, rau, hoa và dưa hấu...); riêng quý I-2017, nhập khẩu hơn 4.800 tấn giống cây các loại, trong đó có gần 220 tấn giống lúa (chủ yếu của Trung Quốc). Tuy nhiên, trong bảy tháng năm 2017, xuất khẩu rau củ quả đạt hơn hai tỷ USD, tăng 48,8% so với cùng kỳ 2016 và nhập khẩu rau củ quả đạt hơn 850 triệu USD. Ðây là tín hiệu mừng về triển vọng xuất khẩu mới của rau củ quả Việt Nam, đồng thời cho thấy người tiêu dùng và thị trường trong nước cũng mở rộng cho các loại trái cây, rau củ ngon, chất lượng, lạ, an toàn nhập từ nước ngoài. Nhìn chung, hằng năm, Việt Nam ước nhập khẩu khoảng 500 triệu USD giống cây trồng, vật nuôi các loại, trong đó có tới 70 triệu USD giống rau, chưa kể các giống khác như bắp lai, lúa lai…
Sự lệ thuộc giống nhập khẩu và mai một nguồn gien giống quý là hai gọng kìm không chỉ làm giảm lợi nhuận, mất an ninh giống cây trồng, mà còn hạn chế triển vọng cơ cấu lại và phát triển ngành nông nghiệp nước ta.
Chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp phụ thuộc quan trọng vào chất lượng giống cây trồng. Thực tế cho thấy, để bảo đảm an ninh và chất lượng giống cây trồng, cần đẩy mạnh xã hội hóa đi đôi với chuyên nghiệp hóa và quy chuẩn hóa các hoạt động sản xuất và cung ứng giống; tăng cường kiểm soát và nâng cao trách nhiệm quản lý chất lượng, phát triển các dịch vụ kiểm nghiệm giống theo tiêu chuẩn giống mà Nhà nước quy định; có chiến lược tổng thể và kế hoạch cụ thể trong bảo tồn và phát triển bộ gien giống quý trong nước; bổ sung danh mục và mở rộng quy mô, nâng cao năng lực tự chủ các giống và gien cây trồng trong hệ thống dự trữ nguồn gien và giống cây trồng mới phù hợp. Ðáng chú ý, cần tập trung việc quản lý nguồn gốc, chất lượng cây giống và hạt giống nhập khẩu; kết hợp vận dụng chương trình khuyến nông - trợ giá cây giống, hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao (xây dựng nhà lưới, hỗ trợ quy trình xử lý đất làm giá thể ươm, kiểm tra nấm bệnh cây giống…) để sản xuất giống có chất lượng tốt, sạch bệnh. Ðồng thời kiên quyết đóng cửa đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh giống không có giấy phép, không có vườn nhân chồi giống, không công bố tiêu chuẩn giống cơ sở và không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của cây giống theo tiêu chuẩn đã công bố; coi trọng khảo nghiệm và đánh giá mức độ an toàn của các sản phẩm giống cây trồng biến đổi gien như ngô, đậu tương... trong điều kiện sản xuất hiện nay ở nước ta.
Nguồn nhandan.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 12165 Trong tuần: 123800 Trong tháng 452877 Tất cả: 17997867