Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen tặng các đại biểu người có công. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Dự Hội nghị, có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương; các cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng 700 đại biểu người có công, đại diện cho hơn chín triệu người có công trên toàn quốc.
Các đồng chí nguyên Tổng Bí thư: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu gửi lẵng hoa chúc mừng.
Hội nghị là dịp Đảng, Nhà nước và nhân dân thể hiện sự ghi nhận, tôn vinh các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc; các thương binh, bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ; những người có công với cách mạng không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
70 năm làm theo lời Bác
“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là truyền thống quý báu có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Kế thừa truyền thống dân tộc, tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm là “Ngày Thương binh” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước. Thực hiện chỉ thị của Bác, hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, ngành ở Trung ương, khu và tỉnh Thái Nguyên đã họp ở xã Phú Minh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) bàn bạc và nhất trí lấy ngày 27-7 hằng năm làm Ngày Thương binh toàn quốc và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947 (năm 1955 được đổi tên thành Ngày Thương binh, liệt sĩ).
Trong suốt 70 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến công tác tri ân liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Hệ thống chính sách pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng được nghiên cứu xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ, kịp thời; được hiến định. Đối tượng người có công ngày một mở rộng; chế độ ưu đãi ngày càng nâng cao, bảo đảm công bằng, đồng thuận trong xã hội.
Báo cáo tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ: Đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với hơn chín triệu người. Trong đó, có 1,2 triệu liệt sĩ, 127 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 800 nghìn thương binh, 110 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và 312 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận.
Công tác xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, các công trình tưởng niệm liệt sĩ, đạt kết quả tích cực. Cả nước có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ, bao gồm: Tượng đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ có giá trị về mỹ thuật, có tính giáo dục truyền thống cách mạng. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ được Đảng, Nhà nước, quân đội quan tâm, chú trọng; 5 năm qua, đã tổ chức tìm kiếm, quy tập hơn 75 nghìn hài cốt liệt sĩ; bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN, xác định danh tính cho 3.423 liệt sĩ.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, đã cấp, đổi hơn 42 nghìn bằng Tổ quốc ghi công; xác nhận và công nhận 585 liệt sĩ trong số hồ sơ tồn đọng; xác nhận hơn hai nghìn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Phong trào đền ơn đáp nghĩa phát triển sâu rộng và có sức lan tỏa, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tích cực tham gia. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội là động lực giúp những đối tượng chính sách, người có công với cách mạng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Các đại biểu giao lưu tại hội nghị. Ảnh: PHONG ANH
Tiếp tục sống, cống hiến vì những người đã ngã xuống
Để có được hòa bình hôm nay khó có thể kể hết những hy sinh, đóng góp và cống hiến của các thế hệ cha, anh... Chiến tranh đã trôi qua, nhưng đến nay cả nước vẫn còn hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, chưa rõ danh tính. Nhưng anh linh của họ không bao giờ bị lãng quên bởi có rất nhiều đồng đội, hàng chục năm qua, luôn đau đáu đi tìm họ. Có những người không quản tuổi đã cao, vẫn ngày đêm băng rừng, vượt suối tìm đồng đội; có người vừa ra khỏi cuộc chiến tranh lại đau đáu, làm sao để có thể giúp được nhiều hơn nữa con em của đồng đội vươn lên trong cuộc sống.
Tại buổi giao lưu, có rất nhiều gương mặt như thế. Bằng những hành động thiết thực, cụ thể, họ đã tiếp tục sống, làm việc, đóng góp và cống hiến một cách cao đẹp để tri ân những người đã ngã xuống cho Tổ quốc. Đó là cựu chiến binh Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch Hội Nghĩa tình đồng đội Hà Nội, người đã hơn 20 năm đi tìm hài cốt liệt sĩ. Khi được hỏi lý do khiến ông quyết định thành lập Hội, ông cho biết: Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ông là một trong những công nhân viên đầu tiên của Thủ đô vào chiến trường chiến đấu. Đêm giao thừa năm Mậu Thân, ông chỉ huy đội quân cảm tử gồm 30 chiến sĩ ôm bộc phá, mở cửa tử để quân ta tiến lên. Hai đồng đội của ông đã chấp nhận hy sinh, nằm vắt ngang trên hàng rào thép gai để đồng đội xông lên. Sau trận chiến ấy, ông đã bị thương, vỡ hộp sọ. Đến bây giờ, bốn mảnh đạn pháo vẫn cùng ông trên những cung đường đi tìm đồng đội.
Ban đầu, ông Chính chỉ có ý định đi tìm lại những đồng đội cũ của ông đã ngã xuống tại chiến trường. Sau này, khi nhiều đồng đội khác biết nghĩa cử của ông đã xin gia nhập vào đội tìm kiếm. 20 năm qua, ông cùng nhiều đồng đội giờ tóc đã bạc, lưng đã còng, mắt đã mờ nhưng vẫn miệt mài tiếp tục công việc thiêng liêng của mình. Nhờ đó, rất nhiều đồng đội của ông đã được “trở về” gia đình sau bao năm nằm lại chiến trường. Hội cũng đã cung cấp hàng nghìn danh tính liệt sĩ tới Bộ Quốc phòng, để làm cơ sở trong công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ.
Đó là câu chuyện lặng thầm của Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn- cựu chiến binh Hồ Tất Ái cùng đồng nghiệp ở mảnh đất lửa Quảng Trị. Mỗi năm, Nghĩa trang Trường Sơn đón tiếp khoảng 2,5 triệu lượt người tới thăm viếng. Ông Ái cho biết, công việc Ban quản lý nghĩa trang được giao là trọng trách nặng nề nhưng cũng rất vinh dự, tự hào. Chính vì lẽ đó, ông thường tâm sự với nhân viên của mình rằng: Hãy xem mất mát của thân nhân liệt sĩ như chính sự mất mát của gia đình mình, nếu không làm tốt nhiệm vụ là có tội với các anh linh liệt sĩ và gia đình họ.
Ngoài việc chăm sóc hơn mười nghìn ngôi mộ, phối hợp các đơn vị tổ chức lễ cầu siêu, dâng hoa, dâng hương các dịp lễ, Tết, những quản trang còn nhận một nhiệm vụ viết thư và phản hồi các thông tin về liệt sĩ. Hằng ngày, Ban quản lý nghĩa trang nhận được rất nhiều thư hỏi thăm về người thân. Với trách nhiệm của mình, ngay cả khi không có thông tin gì về liệt sĩ, các ông đều có trách nhiệm trả lời, đồng thời tư vấn, giới thiệu gia đình tới những nghĩa trang khác để tìm kiếm người thân một cách chính xác và nhanh chóng nhất.
Hay câu chuyện của cựu chiến binh - doanh nhân Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Tiên Sơn. Ông Lâm kể, năm 1980, trở về quê hương ở Hà Trung (Thanh Hóa) với vết thương nặng trên cơ thể. Nhưng điều trăn trở nhất của ông là làng quê còn khó khăn; gia đình, con em đồng đội cũ vất vả với cuộc sống mưu sinh. Năm 1990, ông Lâm thành lập công ty đầu tiên với số vốn 550 triệu đồng và mười nhân công, chuyên mua sắt thép phế liệu của Công ty xi-măng Bỉm Sơn rồi mang ra Thái Nguyên bán. Năm 2006, công ty mở rộng thêm lĩnh vực may.
Tới nay, chín nhà máy may trải rộng khắp tỉnh thu hút 16 nghìn lao động, trong đó hai phần ba lao động là con, cháu cựu chiến binh. Sự nỗ lực của người cựu chiến binh không chỉ giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động nghèo mà còn góp phần tích cực trong phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Còn nhiều việc phải làm
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến chế độ, bù đắp cho người có công, các thương binh, bệnh binh, các cựu thanh niên xung phong, thân nhân các Anh hùng liệt sĩ... Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, hiện vẫn còn rất nhiều người trong số đó vẫn còn khó khăn, cần được sẻ chia, giúp đỡ. Hằng ngày, hằng giờ, vết thương chiến tranh để lại vẫn không dễ nguôi ngoai, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Điều đó đặt ra trách nhiệm nặng nề nhưng cũng đầy vinh dự của cả xã hội, của những người làm chính sách, nhất là trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) là đơn vị đi đầu trong các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa với những gia đình chính sách, những người có công. Đại tá Nguyễn Xuân Yêm, Phó Cục trưởng Chính sách, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết: Thời gian qua, Cục đã tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách, tiêu biểu là Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đến nay, đã phong tặng, truy tặng gần 130 nghìn Bà mẹ danh hiệu cao quý này. Mới đây, Cục đã trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng là dân công hỏa tuyến. 10 năm qua, Cục tham mưu Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận 1.091 liệt sĩ; hơn 14 nghìn thương binh được hưởng chế độ chính sách.
Những đại biểu người có công tham dự đều có những câu chuyện riêng, có hy sinh, mất mát nhưng cũng đầy vinh quang, tự hào. Cả hội trường như vỡ òa cảm xúc khi được đón chào Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thanh Tùng (bí danh Nguyễn Thị Điểm), 87 tuổi. Tuổi cao, sức yếu, nhưng mẹ vẫn không quản đường xa, từ TP Hồ Chí Minh ra Thủ đô Hà Nội để tham dự hội nghị. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bố mẹ và tám người anh của mẹ lần lượt hy sinh. Từ năm 11 tuổi mẹ đã làm giao liên, chuyển thư từ cho các cơ sở cách mạng. Lớn lên, mẹ tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng và công tác trong đội biệt động thành Sài Gòn.
Cuối năm 1967, mẹ nhận được tin chồng hy sinh. Tháng 4-1975, mẹ lại thêm đau đớn khi cả hai người con của mẹ đã ngã xuống trong trận đánh cầu Rạch Chiếc. Mẹ nghẹn ngào nhớ lại: Lúc đó, đang trong cứ, khi nghe tin 51 trong số 52 anh em hy sinh tại cầu Rạch Chiếc, các chỉ huy của tôi cứ nhìn nhau, không ai nói gì, đau thương quá mà chảy nước mắt, không dám báo cho tôi. Tôi đứng bên trong, nghe “trộm” được, liền chạy ra ngoài nói cứng: Giờ các chú mất đi hai chiến sĩ hiên ngang, quả cảm, còn tôi thì mất đi hai khúc ruột của mình, nhưng trận địa đang hết sức khốc liệt, anh em đang chờ tiếng nói chỉ huy của các chú. Vậy không nên yếu lòng vào lúc này… Những ngày tháng sau đó, mẹ giấu nước mắt tiếp tục cùng anh em đồng đội hoàn thành nhiệm vụ, cùng tổ chức củng cố và xây dựng lực lượng, phát triển phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang chiến đấu hướng tới ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Mẹ cho biết: Hòa bình đã 42 năm, không phút nào tôi quên được nỗi đau tột cùng ấy, nhưng bên cạnh tôi luôn có Đảng, Nhà nước, toàn xã hội quan tâm cho nên tôi chưa bao giờ thấy mình cô đơn cả.
Phấn đấu đến năm 2020, tất cả người có công được hưởng chính sách
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương nghị lực, ý chí vươn lên của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng mà 700 đại biểu có mặt hôm nay là những đại diện tiêu biểu. Đây thật sự là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là những tấm gương sáng, lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên cho nhân dân cả nước.
Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Phấn đấu đến năm 2020, 100% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. (Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng đăng trên số báo hôm nay).
Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thay mặt Ban Tổ chức phát biểu bế mạc hội nghị, nêu rõ: 70 năm qua, có thể thấy mặc dù nguồn lực của đất nước còn nhiều hạn chế, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đời sống những người có công với cách mạng. Những nỗ lực từ nhiều phía đó đã góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội, tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng, xác nhận người có công qua các thời kỳ, để không một người có công nào phải chịu thiệt thòi. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa “Đền ơn đáp nghĩa”; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng truyền thống cách mạng, sự đóng góp hy sinh của những người có công và thân nhân của họ đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Trong những năm qua, Báo Nhân Dân luôn đồng hành cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức các hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu hằng năm, với nhiều chủ đề khác nhau. Trên các ấn phẩm của Báo Nhân Dân luôn tuyên truyền về chủ đề này một cách thật trang trọng, xứng đáng.
Bên cạnh đó, Báo Nhân Dân cũng có nhiều hoạt động cụ thể giúp đỡ các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn, như tặng nhà tình nghĩa, giúp vốn sản xuất, nhận đỡ đầu con thương binh, thân nhân liệt sĩ; thăm hỏi; tặng quà nhân ngày Tết cổ truyền của dân tộc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện mục tiêu cải thiện và nâng cao mức sống của gia đình chính sách. Bằng nghĩa tình và trách nhiệm, tập thể những người làm Báo Nhân Dân luôn sát cánh cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác người có công với cách mạng.
Trong dịp cả nước tri ân những đóng góp của các gia đình thân nhân liệt sĩ, những người có công với cách mạng nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trao 70 bằng khen tặng 70 đại biểu người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trao 630 bằng tặng đại biểu người có công. Thủ tướng Chính phủ quyết định trao 700 phần quà tặng 700 đại biểu tham dự hội nghị.
Nguồn nhandan.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3509 Trong tuần: 272 Trong tháng 474423 Tất cả: 18019412