Sau khi Chính phủ Lào bắt tay triển khai xây dựng thuỷ điện Xayaburi – công trình đầu tiên trên dòng chính sông Mê Kông, Chính phủ Việt Nam đã chi khoản tiền rất lớn để mời nhiều chuyên gia quốc tế và những nhà khoa học trong nước tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác động của việc xây dựng những công trình thuỷ điện. Nghiên cứu được tiến hành trong 30 tháng. Theo kế hoạch, đến 31/12/2015, báo cáo nghiên cứu sẽ hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét.
Gần 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng sinh kế do sụt giảm lượng thuỷ sản. |
Nghiên cứu bước đầu cho thấy, việc xây dựng hệ thống bậc thang thuỷ điện sẽ gây ra những tổn thất lớn đối với dòng chảy, đa dạng sinh học, thuỷ sản, sinh kế người dân. Khi có các con đập, dòng chảy trong mùa khô sẽ chậm hơn, gia tăng tình trạng xâm nhập mặn, tích luỹ bùn cát phía hạ lưu. Sự thay đổi dòng chảy cũng tác động tới luồng di cư của cá. Ước tính, tổng giá trị ngành thuỷ sản vùng hạ lưu sông Mê Kông đạt 7 tỉ USD/năm, trong đó hơn 50% giá trị phụ thuộc vào những loài cá di cư. Theo GS Lan Cowx (Đại học Hull), việc xây dựng các hồ chứa sẽ ảnh hưởng tới sản lượng khai thác cá, làm sụt giảm 60 triệu tấn. Khoảng 10% các loài cá ở hạ lưu sẽ bị tuyệt chủng do bị chặn đường di cư, trong đó có ít nhất 5 loài đặc hữu chỉ có ở sông Mê Kông. Ở các vùng nước nông có thể suy giảm động vật không xương sống tầng đáy. Khi các hồ đồng loạt xả nước có thể gây ngập nước các vùng sinh cảnh ven sông, gia tăng xói mòn, làm mất các đảo, cồn cát…
Đáng nói hơn, gần 20 triệu người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và 15 triệu dân vùng đồng bằng châu thổ Campuchia sẽ bị ảnh hưởng sinh kế nặng nề. Nghiên cứu cho thấy, có từ 75-85% số hộ dân sinh sống dọc hành lang sông phụ thuộc vào các hoạt động nông nghiệp. Sự sụt giảm sản lượng thuỷ sản sẽ khiến thu nhập trung bình giảm 50%, có nơi lên tới 70%. Trong mùa mưa, 80% số dân, 39% diện tích châu thổ bị ảnh hưởng bởi ngập lũ. Đối với Việt Nam, ngành nông nghiệp sẽ sụt giảm hơn 6000 tỉ đồng, giảm 2,1% GDP. Đối với Campuchia, thiệt hại cho ngành nông nghiệp là 220 tỉ KHR, giảm 4,3% trong tổng doanh thu.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Thái Lai khẳng định, việc xây dựng 11 công trình thuỷ điện trên dòng chính Mê Kông gây ra những quan ngại lớn về môi trường, lợi ích sinh kế…đối với các quốc gia vùng hạ lưu. Nằm ở cuối nguồn, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất. Trong khi đó, đại diện của Hội Đập lớn Việt Nam thì cho rằng, cần phải xem xét tác động xen kẽ của những công trình trên dòng nhánh, thay vì chỉ xem xét tác động của những công trình trên dòng chính. “Trên dòng chính chủ yếu là đập dâng, dung tích không lớn, nhưng trên các dòng nhánh lại có những hồ chứa dung tích rất lớn. Các công trình dòng nhánh giữ lượng nước và phù sa không nhỏ, sẽ ảnh hưởng tới phù sa của dòng Mê Kông. Trong tương lai, không chỉ 11 công trình trên dòng chính mà các công trình trên dòng nhánh cũng sẽ được xây dựng” – vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2757 Trong tuần: 43628 Trong tháng 295121 Tất cả: 17388677