Thu hoạch lúa chất lượng cao tại xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Bài 1: Xót xa hạt gạo “ba không”
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến hết tháng 9-2015, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 4,351 triệu tấn, trị giá đạt hơn 1,8 tỷ USD, giảm 10,1% về lượng và 15,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, các nước xuất khẩu gạo trong tốp đầu thế giới đều tăng về giá trị, như Mỹ tăng 34%, Pa-ki-xtan tăng 20%, Ấn Độ 18% và Thái-lan 2,2%. Nguyên nhân chính là gạo Việt lâu nay luôn trong tình trạng “ba không”: không thuần loại, không kiểm soát được dư lượng hóa chất và không truy xuất được nguồn gốc.
Thua thiệt ngay trên sân khách lẫn sân nhà
Nước ta hiện đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo, sau Ấn Độ và Thái-lan. Năm 2014, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 6,3 triệu tấn, trị giá 2,93 tỷ USD. Có thể thấy, vị trí về sản lượng của gạo Việt Nam được duy trì ổn định trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, giá trị hạt gạo và thương hiệu gạo Việt trên thị trường thế giới lại khá thấp và mờ nhạt. Câu chuyện người Việt ra nước ngoài tìm mỏi mắt không thấy thương hiệu gạo xuất xứ từ Việt Nam, còn trong nước thì người tiêu dùng gặp nhan nhản các loại gạo Thái, gạo Nhật… không là chuyện lạ. Trở thành nước xuất khẩu gạo từ năm 1989, tính đến nay đã 26 năm, nhưng gạo Việt vẫn chỉ tồn tại dưới những cái tên chung chung nhất, như: gạo 5% tấm, 25% tấm- những cái tên dùng để chỉ gạo phẩm cấp thấp. Chính vì vậy, giá gạo của nước ta luôn thấp hơn nhiều so với các nước xuất khẩu khác. Cụ thể giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 345 USD/tấn thì giá tương đương của Ấn Độ là 365 USD/tấn, Mi-an-ma 420 USD/tấn và Cam-pu-chia là 425 USD/tấn. Gạo trắng hạt dài cấp thấp của Cam-pu-chia ở mức giá 410 USD/tấn thì giá gạo Việt Nam dừng ở con số 340 USD/tấn. Với phân khúc gạo chất lượng cao, trong khi gạo thơm Hom mali của Thái-lan đạt 810 USD/tấn, gạo Cam-pu-chia Phka Mails đạt 840 USD/tấn thì gạo Jasmine của nước ta chỉ đạt 470 USD/tấn. Sự chênh lệch này cho thấy sự thua kém về chất lượng và uy tín của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Theo thống kê mới nhất, hiện nước ta có 4,1 triệu ha đất trồng lúa, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 53% diện tích. Năm 2014, tổng sản lượng lúa đạt con số ấn tượng 45 triệu tấn. Nhưng hạt gạo Việt Nam vẫn bị đóng mác “ba không”: không thuần loại, không kiểm soát được dư lượng hóa chất và không truy xuất được nguồn gốc. Nguyên nhân là do sản xuất lúa ở nước ta hiện nay chủ yếu là nông hộ, quy mô nhỏ, với hơn 80% số hộ gia đình có quy mô dưới 0,5ha/hộ. Trong khi đó, hoạt động về tổ chức sản xuất như hợp tác xã, tổ, nhóm sản xuất theo hợp đồng còn hạn chế dẫn đến những khó khăn về quản lý chất lượng và hiệu quả. Mặt khác, dù cơ cấu giống lúa đa dạng nhưng lại thiếu các giống chủ lực, chất lượng cao để hình thành các sản phẩm mũi nhọn, tiếp cận hiệu quả vào thị trường quốc tế. Chính vì vậy, hiện trên cả nước có hơn 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo, nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường xuất khẩu vẫn là con số không.
Khó khăn từ nhiều phía
Thực tế, không phải đến thời điểm này, chuyện chất lượng, giá cả và thương hiệu hạt gạo Việt Nam mới được nhắc đến nhiều, mà trong các cuộc hội thảo, hội nghị, các diễn đàn hằng năm về ngành nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng, vấn đề này cũng nhiều lần trở thành tâm điểm. Nhưng vì sao việc giải quyết tình trạng này thiếu hiệu quả. Ông Dương Việt Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Cà Mau, đơn vị trực tiếp xuống tận hộ nông dân thu mua lúa, chế biến và xuất khẩu gạo cho biết: Bất cứ doanh nghiệp xuất khẩu gạo nào cũng quan tâm đến chất lượng nhưng hầu hết đều “lực bất tòng tâm”. Vì việc thu mua lúa thuần loại với số lượng lớn từ các hộ dân là điều không tưởng. Hơn nữa, việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát lượng hóa chất chắc chắn cũng không làm nổi. Trừ những diện tích lúa trồng theo hợp đồng, khép kín từ khâu trồng, chăm sóc đến bao tiêu sản phẩm, còn lại các diện tích lúa người dân tự trồng thì không ai kiểm tra, giám sát quy trình được. Nhỏ nhất là yêu cầu ghi nhật ký đồng ruộng - đối với các hộ trồng lúa theo hợp đồng, chúng tôi còn phải vận động, huống chi các hộ sản xuất tự do. Mà không có hình thức đó thì không thể truy xuất được nguồn gốc cũng như theo dõi quá trình chăm sóc lúa có bảo đảm kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hay không. Trong khi đó, với các hộ nông dân, trải qua nhiều thế hệ, việc canh tác “tự nhiên”, dựa vào kinh nghiệm và thói quen, vẫn khó có thể thay đổi. Tại huyện Thoại Sơn - một trong những huyện trọng điểm trồng lúa của tỉnh An Giang cũng như của cả nước, việc vận động nông dân trồng cùng một giống lúa, thay giống lúa IR504 bằng các giống lúa chất lượng cao cũng gặp nhiều khó khăn. “Mỗi mùa thu hoạch, trên các ghe đồng “quá trời” giống lúa trà trộn nhau, bởi trên toàn huyện cũng chỉ có sự khuyến khích chứ chưa có “lệnh” bắt làm giống này hay giống khác, cho nên người nông dân tự do lựa chọn. Và họ chọn các giống lúa thường, ngắn ngày, cho năng suất cao để giảm công chăm sóc, dù chất lượng các giống đó phần lớn là thấp”. Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn) Trần Hoàng Minh cho biết. Về vấn đề này, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thoại Sơn Phan Thanh Tùng giải thích: Huyện tổ chức các cuộc hội thảo về giống lúa, khuyến cáo nông dân về chất lượng, giá cả lúa từng mùa vụ nhưng quyền lựa chọn vẫn thuộc về các hộ dân. Vì thực tế, năng lực doanh nghiệp trên địa bàn còn nhiều hạn chế, không đủ vốn thu mua hết diện tích lúa cho dân, cho nên chính quyền cũng khó có thể “can thiệp” sâu vào quyết định của người dân. Thực tế, vấn đề này cũng diễn ra ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Huyện đang có kế hoạch triển khai chương trình sản xuất lúa gạo sạch, có doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm, với quy mô đất khoảng 500 ha, nhưng đến nay cũng chưa vận động được nông dân tham gia. Ông Võ Thanh Ngoan - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tháp Mười cho biết: “Nếu số nông dân tham gia ít sẽ khó triển khai chương trình vì yêu cầu của doanh nghiệp phải là 500 ha, dựa trên tiêu chí về sản lượng và chất lượng. Chúng tôi đang vận động bà con nhưng xem ra cũng không dễ dàng, vì bản thân các hộ thường quen canh tác theo kiểu tự do hơn”.
Cái vòng luẩn quẩn đó dẫn đến thực trạng là nông dân thì vẫn “trăm hay không bằng tay quen”, sản xuất theo kiểu truyền thống, ngại thay đổi. Còn doanh nghiệp, dù tham gia vào lĩnh vực thương mại lúa gạo nhưng cuối cùng cũng vẫn chỉ đóng vai trò như một khâu trung gian trong chuỗi giá trị ngành hàng. Nghĩa là, họ mua được loại gạo nào thì xuất loại gạo đó. Giá xuất khẩu cao thì thu mua lúa giá cao, giá xuất khẩu thấp thì quay lại thu mua lúa với giá thấp. Khi nào mức lợi nhuận của doanh nghiệp cũng cơ bản được giữ vững, chỉ có lợi nhuận của người trồng lúa là lên xuống thất thường, tùy thuộc mức độ trồi sụt giá của thị trường xuất khẩu. Như vậy, động lực “đàm phán” giá gạo xuất khẩu hay bằng mọi cách phải nâng cao chất lượng hạt gạo xuất khẩu của doanh nghiệp chưa thật sự được chú trọng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến phải trộn các loại gạo với nhau và gọi tên chung theo phần trăm tấm khi xuất khẩu. Với bất cứ ai nặng lòng với ngành sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thực trạng này đều rất đáng suy ngẫm.
(Còn nữa)
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương, trong chín tháng đầu năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 35% thị phần, nhưng lượng và trị giá giảm 2,64% và 8,74% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường có sự giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2014 là Phi-li-pin giảm 41,01% về khối lượng và giảm 44,69% về giá trị; Xin-ga-po giảm 37,24% về khối lượng và giảm 34% về giá trị; Hồng Công (Trung Quốc) giảm 29,37% về khối lượng và giảm 35,36% về giá trị. Giá gạo xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều giảm, trong đó Các tiểu Vương quốc A Rập Thống Nhất, I-xra-ren, Đức giảm nhiều nhất với 18,34%, 15,38% và 10%; các thị trường khác giảm dưới 8%. |
Nguồn nhandan.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 11630 Trong tuần: 727 Trong tháng 342039 Tất cả: 17435601