Trưa 26-11, trong gian phòng dành riêng cho cánh báo chí tác nghiệp tại Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 tổ chức ở Antananarivo, Thủ đô nước Cộng hoà Madagascar, khi đang dán mắt dõi theo màn hình phần phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, chúng tôi vô cùng bàng hoàng sửng sốt, ngỡ như không tin vào tai mình khi người đứng đầu Nhà nước Việt Nam bất ngờ mở màn bài phát biểu của mình bằng một...lời chia buồn.
Vâng, lời chia buồn gửi tới Nhà nước và nhân dân Cuba anh em về sự ra đi của lãnh tụ cách mạng Fidel Castro. Trời! Vậy là Fidel - cái tên vô cùng thân thương, gần gũi với mỗi người dân Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay - không còn nữa! Chúng tôi lập cập vào mạng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến lãnh tụ cách mạng Fidel Castro |
Nước bạn Madagascar còn nghèo, mạng internet bập bõm lúc được lúc không. Rồi thì chúng tôi cũng "tra" ra. Báo chí chính thống đã đưa tin, từ Tây Bán Cầu, Chủ tịch Cuba Raul Castro lên truyền hình đau đớn thông báo, lãnh tụ Fidel đã qua đời vào hồi 22 giờ 29 phút (giờ Havana) ngày 25-11-2016 (tức 10 giờ 29 phút ngày 26-11, giờ Hà Nội).
Trước đó đúng 10 ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng phu nhân và một số đồng chí trong Đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam đã đến chào và có cuộc hội kiến lãnh tụ Fidel Castro.
Đã rất nhiều vụ mưu sát của các thế lực thù địch nhằm vào Fidel, thảy đều bất thành. Cũng không ít lần cơ quan truyền thông phương Tây tung tin thất thiệt về cái chết của ông, song nhà cách mạng huyền thoại của khu vực Mỹ Latinh vẫn "vững như bàn thạch". Giờ thì thông tin Fidel qua đời đã được người đứng đầu Đảng, Nhà nước Cuba chính thức thừa nhận.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đồng chí Fidel Castro cũng đã ôn lại những dấu mốc lịch sử nổi bật trong quan hệ hai nước hơn 50 năm qua. |
Bần thần, chúng tôi cùng mường tượng lại những gì diễn ra với đoàn công tác của mình cách đây chục ngày. Là những nhà báo được tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong chuyến công tác dài ngày của Chủ tịch và Đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam qua "ba châu, bốn nước" (Cuba, Peru, Italia và Madagascar), tin vui đầu tiên đến với chúng tôi và đoàn công tác chính là việc ngay khi đặt chân tới Thủ đô Havana (Cuba), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội kiến với lãnh tụ Fidel.
Đây quả là sự may mắn không phải ai cũng dám nghĩ tới, nhất là trong mươi năm trở lại đây, do tình hình sức khoẻ, lãnh tụ Fidel rất hạn chế các cuộc tiếp xúc. Như vậy, có thể khẳng định, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nhà lãnh đạo cao cấp cuối cùng của Việt Nam được tiếp kiến lãnh tụ Cuba Fidel, thậm chí là người Việt Nam cuối cùng được gặp Fidel.
Trở lại với lời chia buồn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi Nhà nước và nhân dân Cuba anh em trước khi trình bày bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16, thực sự tôi không rõ đại biểu các nước khác khi phát biểu có làm như vậy không.
Rất có thể là không. Và rất có thể sự biểu hiện tình cảm như vậy của Chủ tịch nước ta là một sự ngoại lệ. Song suy cho cùng, sự "ngoại lệ" ấy là cần thiết, là sự "ngoại lệ" thấu tình đạt lý, bởi trong đời thực, đồng chí Fidel thân thương và kính mến đã luôn dành cho các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam những "ngoại lệ".
Như trên đã nói, do điều kiện sức khoẻ, từ khi bàn giao công việc lãnh đạo đất nước cho người em trai Raul Castro, lãnh tụ Fidel rất ít xuất hiện trước công chúng. Ông cũng từ chối nhiều lời đề đạt tiếp xúc và vắng bóng trong nhiều sự kiện, kể cả những sự kiện quan trọng.
Phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro. |
Tuy nhiên, Fidel hầu như không từ chối một cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc nào với các nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam khi sang thăm Cuba. Trường hợp với Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng vậy. Theo chúng tôi được biết, mặc dầu cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch nước và lãnh tụ Fidel được đưa vào chương trình chính thức, song không ai dám chắc nó có được thực hiện hay không.
Tuổi già sức khoẻ khi nắng khi mưa, không ai nói trước được điều gì, huống hồ năm nay Fidel đã ở vào tuổi 90. Vậy rồi cuộc gặp gỡ đã diễn ra tại nhà riêng của Fidel, và không chỉ là mươi, mười lăm phút, cuộc hội kiến đã diễn ra tới cả tiếng.
Trước đó, vào tháng tư năm 2012, trong chuyến thăm chính thức Cộng hoà Cuba, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có cuộc gặp đồng chí Fidel, mặc dù trước đấy, phía bạn không dám đồng ý vì lý do sức khoẻ của vị lãnh tụ. Và mặc dù thoạt đầu, lãnh tụ Fidel chỉ đồng ý tiếp đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo nguyên tắc 1-1 (nghĩa là ngoài người phiên dịch thì chỉ riêng ông và đồng chí Nguyễn Phú Trọng).
Chủ tịch nước và Phu nhân cùng các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Fidel Castro. |
Vậy nhưng sau đó, thể theo nguyện vọng của phía Việt Nam, Fidel đã đồng ý cho đoàn Việt Nam được thêm đồng chí Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương và Đại sứ Việt Nam tại Cuba tham gia buổi gặp gỡ.
Cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh tụ Fidel diễn ra vào hồi 15 giờ chiều ngày 15-11-2016 (tức khoảng 5 giờ sáng ngày 16-11, theo giờ Hà Nội).
Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, hôm ấy, thần sắc của Fidel tốt. Đặc biệt, ông vẫn rất minh mẫn. Fidel hỏi thăm tình hình sức khoẻ đồng chí Tổng Bí thư; đồng chí Thủ tướng. Trong cuộc trò chuyện, Fidel tỏ ra rất quan tâm tới tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Ông hỏi rất kỹ về sản lượng lương thực, sản lượng đánh bắt xa bờ.
Nhiều câu hỏi ông đặt ra chi tiết, cụ thể tới mức cả Chủ tịch nước và đồng chí Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải - người từng nhiều năm giữ cương vị Phó Thủ tướng phụ trách khối kinh tế ngành - phải thay nhau trả lời mới ngõ hầu giải đáp được mối quan tâm của ông.
Lãnh tụ Fidel Castro phất cao lá cờ bách chiến, bách thắng lấp lánh huân chương của đoàn Khe Sanh, quân Giải phóng Huế - Ảnh: TTXVN |
Trong các nhà lãnh đạo nước ngoài, Fidel được người dân Việt Nam đặc biệt yêu mến. Nhìn những bức ảnh ghi lại chuyến thăm Việt Nam của Fidel ở thời bao cấp, ta có thể thấy, người dân hào hứng đứng chật suốt dọc đường từ sân bay về Phủ Chủ tịch để được chào đón vị lãnh tụ kính mến của nhân dân Cuba anh em, người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam.
Tình yêu bao giờ cũng được biểu hiện bằng những hành động cụ thể, và bao giờ cũng có nguyên cớ. Người dân Việt Nam rất yêu quý Fidel bởi họ biết, Fidel rất yêu quý đất nước và nhân dân Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, một lần nữa Fidel hỏi thăm về đời sống của người dân Việt Nam hiện nay.
Vị lãnh tụ của cách mạng Cuba rất vui khi nghe Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông báo, mặc dù Việt Nam vẫn đang tìm tòi mô hình phát triển kinh tế, song đời sống của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Nhân đây, Fidel đã nhắc lại ấn tượng sâu sắc của ông về những chuyến thăm Việt Nam, đặc biệt là chuyến thăm vùng đất mới giải phóng ở Quảng Trị hồi tháng 9 năm 1973, "nơi mặt đất trống trơn, không có thứ nào nhô lên", người dân chấp nhận sống dưới lòng đất để duy trì cuộc chiến đấu và làm nên chiến thắng.
Cũng trong buổi gặp gỡ, đồng chí Fidel đã cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang ôn lại những dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ hai nước, đồng thời khẳng định chuyến thăm Cuba của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ anh em truyền thống đặc biệt giữa hai nước.
Từ nhiều năm nay, nhắc tới quan hệ Việt Nam - Cuba, chúng ta thường nhận xét đó là mối quan hệ thuỷ chung, trong sáng; là biểu tượng mẫu mực của thời đại. Bản thân Chủ tịch nước Trần Đại Quang, trả lời phỏng vấn báo chí ngay khi đặt chân xuống Sân bay quốc tế Jose Marti ở Thủ đô Havana cũng đã thêm một lần khẳng định như vậy.
Lãnh tụ Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các chiến sĩ Đoàn Khe Sanh - Ảnh: TTXVN |
Thiết nghĩ, về phía Cuba, sự thuỷ chung, trong sáng ta vừa nhắc tới được xây dựng và duy trì trước hết từ một con người và bởi một người: Đó chính là lãnh tụ Fidel Castro, người có tới gần nửa thế kỷ giữ cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước Cuba.
Yêu Việt Nam, thuỷ chung với Việt Nam, đồng chí Fidel có một niềm tin mãnh liệt vào phẩm chất của dân tộc Việt Nam, từ đó tin vào con đường mà Đảng và người dân Việt Nam lựa chọn. Nhiều người khi nhắc tới tình cảm của Fidel dành cho Việt Nam thường viện dẫn câu nói nổi tiếng của ông "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình" thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang vào hồi cam go, ác liệt.
Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng, khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, chính Cuba là một trong những nước XHCN lên tiếng ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ nhất và đích thân Chủ tịch Fidel đã đứng diễn thuyết kêu gọi cộng đồng quốc tế và người dân Cuba ủng hộ cuộc chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; yêu cầu phía bên kia phải rút quân ngay lập tức.
Thiết nghĩ, để ra được lời tuyên bố này, với Fidel chắc hẳn khó khăn hơn nhiều so với những lời tuyên bố chống Mỹ trước đó, bởi việc chống Mỹ, như Fidel từng phát biểu, là sứ mệnh của đời ông và Mỹ liên quan tới những quyền lợi sát sườn của người dân Cuba.
Nhắc lại điều này để thấy, Fidel yêu mến, tin tưởng Việt Nam đến mức nào. Thật đúng như những gì ông tâm niệm cách đây hơn bốn mươi năm "Tình đoàn kết của chúng ta, niềm tin của chúng ta đối với nhân dân Việt Nam và ban lãnh đạo Việt Nam là vô điều kiện và tuyệt đối".
Và tôi đã nhận thấy điều đó trong bức ảnh ghi lại giây phút gặp mặt, tay trong tay giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh tụ Fidel. Không chỉ thể hiện sự trân trọng vị khách quý qua cách bắt tay, mà qua ánh nhìn ấm áp, nụ cười trìu mến, vị lãnh tụ của nhân dân Cuba còn muốn thể hiện tình đoàn kết, niềm tin đặc biệt đối với người đứng đầu Nhà nước Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.
Theo http://cand.com.vn/
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3804 Trong tuần: 14839 Trong tháng 266331 Tất cả: 17359894