Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Cao ủy P.Hô-gân và các thành viên trong đoàn. Ảnh: TRẦN HẢI
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả làm việc giữa Đoàn công tác của Cao ủy P.Hô-gân và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; cho rằng, đây là dịp để hai bên trao đổi về những lĩnh vực cần hợp tác, nhất là nông nghiệp và thương mại vẫn còn tiềm năng lớn. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam mong muốn thúc đẩy và sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), bởi Hiệp định này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, nhất là cộng đồng DN Việt Nam và EU; đồng thời mong EU công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; đề nghị EU hỗ trợ Việt Nam về mặt kỹ thuật để thực thi EVFTA. Việt Nam cam kết nỗ lực trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã và quý hiếm.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng số nhà đầu tư EU vào Việt Nam còn thấp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản; khẳng định, Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để các nhà đầu tư EU đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại hai bên. Hoan nghênh nhiều DN lớn của EU tham gia đoàn công tác lần này, Thủ tướng mong các DN tìm hiểu những sản phẩm Việt Nam có lợi thế như thủy sản, rau quả, may mặc, giày dép… để đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư. Thủ tướng nhất trí với ông P.Hô-gân cần đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và EU phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới, nhất là năm 2017 và năm 2018, đồng thời nhất trí về đề xuất thành lập nhóm công tác để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư hai bên. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm tốt nhất để bảo đảm an toàn thực phẩm xuất khẩu.
Cao ủy P.Hô-gân cho biết, chuyến thăm Việt Nam lần này có 42 DN EU (tổng doanh thu 170 tỷ ơ-rô mỗi năm) đi cùng đoàn đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh ở Việt Nam. Chia sẻ và đồng cảm với những thiệt hại mà người dân miền trung Việt Nam phải gánh chịu do thiên tai, lũ lụt, ông cho biết, EU cam kết đồng hành, hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật và tài chính để ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu. Hiện EU đang đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn, nỗ lực để hai bên sớm ký kết, dự kiến vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018. Ông nhấn mạnh, EU vừa thống nhất các tiêu chí về kinh tế thị trường và tới đây sẽ có các bước đi thích hợp trong việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. EU có nhu cầu tiêu thụ cà-phê, hạt điều, là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Các nhà đầu tư đến Việt Nam lần này đều hiểu rõ và đánh giá cao Việt Nam có môi trường chính trị - xã hội ổn định, là thị trường hấp dẫn, đồng thời còn là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa sang các nước trong khu vực. Sắp tới sẽ có nhiều DN đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và bán lẻ; đồng thời tin tưởng vào những cơ hội hợp tác lớn khi Việt Nam và EU ký kết EVFTA.
Nguồn nhandan.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1493 Trong tuần: 42358 Trong tháng 293854 Tất cả: 17387411