Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phát biểu tại hội trường.
Năm 2017 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và cũng là năm đầu tiên thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020. Do vậy dự toán ngân sách 2017 có ý nghĩa rất lớn đối với việc cân đối nguồn lực thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2017-2020.
Giảm chi ngân sách vẫn cần được ưu tiên
Về dự toán thu - chi ngân sách nhà nước năm 2017 và trước tình trạng mất cân đối thu - chi cũng như cơ cấu nguồn thu ngân sách hiện nay, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đồng tình với quan điểm của Chính phủ về mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cả cơ cấu lại nguồn thu lẫn các khoản chi ngân sách nhà nước.
“Coi đây là nhiệm vụ cấp bách làm lành mạnh hóa hệ thống ngân sách nhà nước và nỗ lực tối đa để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thu - chi ngân sách nhà nước. Hạn chế việc phải cân đối ngân sách nhà nước từ các nguồn khác” - đại biểu Phùng Đức Tiến nêu rõ.
Theo đánh giá của các chuyên gia và các tổ chức quốc tế, tăng trường GDP sẽ không được cao như kỳ vọng do hạn chế bất cập nội tại nền kinh tế cộng thêm tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường biển các tỉnh miền trung, nạn hạn hán ở Trung Nam Bộ, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, đại biểu Phùng Đức Tiến đánh giá khả năng tăng nguồn thu nội địa trong năm 2017 rất hạn chế.
Cùng tán thành quan điểm của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội về chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước dựa trên mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 6,7% cho năm 2017 là khá cao và thậm chí không khả thi - đại biểu Phùng Đức Tiến đề nghị, Chính phủ cần phải tính toán một cách bài bản để chủ động ứng phó trong trường hợp mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% không đạt được.
Đối với nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 7,9% - đại biểu Phùng Đức Tiến cho rằng sẽ vượt quá khả năng thực hiện. Nhưng đại biểu lại cho rằng, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,7% là có khả thi.
Lo ngại nguồn thu từ dầu thô còn bấp bênh, đại biểu Phùng Đức Tiến nhìn nhận về việc định giá dầu thô 50USD/thùng vẫn rủi ro trước diễn biến tình hình thế giới hiện nay.
Trong khi nguồn thu ngân sách nhà nước chưa được cải thiện đáng kể, đại biểu Phùng Đức Tiến đề nghị, giảm chi ngân sách vẫn cần được ưu tiên các khoản chi thường xuyên, nhất là chi quản lý hành chính ở cả Trung ương và địa phương cần được kiểm soát một cách chặt chẽ và giảm dần.
“Nhưng vẫn phải đầu tư đủ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo đúng tinh thần Nghị quyết 26” - đại biểu Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Ý kiến tại buổi thảo luận, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) ví von, ngân sách nhà nước như một tấm chăn nhỏ mà phải phủ ấm quá lớn nên lĩnh vực chi nào cũng chơi vơi, còn nhiều nhiệm vụ chi chưa bố trí đủ nguồn.
Chính phủ và Bộ Tài chính như một-quản-gia trong “một gia đình nghèo khó” với nhiều yêu cầu chi của cấp có thẩm quyền trong một rừng nhu cầu chi theo thuyết minh của bộ, ngành đều cấp bách cả. “Do vậy, trong điều kiện quan niệm trông chờ “bầu sữa ngân sách” vẫn hiện hữu, chưa có những tư duy đột phá để tăng thu, tiết kiệm chi” - đại biểu Hoàng Quang Hàm ý kiến.
Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm: “Hai trụ cột quan trọng để cơ cấu lại ngân sách thực hiện không nghiêm, kỷ cương không được tuân thủ nên triển khai chậm, chưa thật sự có hiệu quả; đó là tinh giản biên chế để tăng lương và giảm chi ngân sách đưa phí thành giá để tăng mức tự chủ của các đơn vị sự nghiệp nhằm giảm chi ngân sách”.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, lộ trình chuyển phí thành giá thực tiễn diễn ra quá chậm so với quyết tâm của Chính phủ. Theo Nghị định 16 thì đến năm 2016 phải tính đủ lương, chi phí gián tiếp đến 2018 tính thêm đủ chi phí quản lý, đến 2020 tính đủ thêm khấu hao tài sản, nhưng đến nay hầu hết các nghị định hướng dẫn chưa ban hành, lộ trình tính đủ chi phí tiền lương, chi phí gián tiếp chưa có đơn vị sự nghiệp công lập nào thực hiện đầy đủ.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, hiện kinh tế thế giới và trong nước được dự báo phục hồi chậm, nên các nguồn thu truyền thống hạn hẹp dần, ít dư địa để tăng thu, nhưng thuyết minh dự toán cho thấy chưa có đột phá về chính sách thu.
Vì vậy, để có thể cơ cấu lại ngân sách một cách hiệu quả thực chất, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị: “Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiệm cận dần việc lập ngân sách theo kết quả đầu ra để xóa bỏ cơ chế xin-cho, xóa bỏ tình trạng kinh phí tìm nhiệm vụ”.
Coi đầu tư tiền lương như đầu tư cho sự phát triển
Chia sẻ với tình hình ngân sách nhà nước hiện nay có xu hướng bé lại và ngày càng phải đầu tư cho phát triển và nhu cầu xã hội càng phát triển; đặc biệt vấn đề an sinh xã hội và hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là sử dụng ngân sách làm sao cho có hiệu quả, phù hợp cân đối. Đồng thời hoan nghênh Chính phủ đã dành một nguồn lực để điều chỉnh mức tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức; nhưng theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) thì việc mức điều chỉnh bình quân khoảng 7-8%/năm cần phải tính toán lại.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi phân tích, lương cơ sở trong khu vực nhà nước thực chất là tiền lương tối thiểu trước đây cùng với khu vực quan hệ sản xuất thì tách ra. Khu vực sản xuất kinh doanh thì xác định tiền lương tối thiểu theo vùng (4 vùng) và 1/1 hằng năm chúng ta điều chỉnh để bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu. Tiền lương cơ sở của khu vực công chức, viên chức không phải bản chất như vậy.
Điều chỉnh này được xác định đến năm 2020, như vậy không biết ngân sách ở đâu - đại biểu Bùi Sỹ Lợi lo ngại - “Chúng ta không thể điều chỉnh tăng tiền lương như cách này được”.
Như nhóm người nghỉ hưu vừa được điều chỉnh tăng 8%, năm ngoái, điều chỉnh mức không để cho người nghỉ hưu có mức lương thấp hơn mức tiền lương cơ sở và một nhóm không thấp hơn hai triệu đồng. Khu vực nghỉ hưu chúng ta xác định làm sao “sàn an sinh xã hội”, không được dưới sàn. Và nguyên tắc điều chỉnh lương hưu là khi chỉ số giá tiêu dùng tăng lên và điều kiện kinh tế - xã hội tăng lên thì phải điều chỉnh. Việc này không nằm trong cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa phải bản chất của cải cách chính sách tiền lương. Và đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện theo nguyên tắc phân phối theo lao động. Nhằm bảo đảm tiền lương thật sự là đòn bẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho tiền lương như là đầu tư cho sự phát triển.
Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, chúng ta không nên phân biệt đơn vị nhà nước hay đơn vị tư nhân, mà phải lấy hiệu quả làm thước đo. “Không để tiền lương như hiện nay! Chế độ tiền lương chung công chức với nhau mà 18 loại phụ cấp. Cùng công chức với nhau mà người có thâm niên, người không có thâm niên. Công chức ngành này có phụ cấp cao hơn công chức ngành khác là một sự bất hợp lý của tiền lương”.
Đề nghị Chính phủ cần quyết tâm tăng lương để bảo đảm lộ trình đã bị chậm trễ nhiều năm, nhưng đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) lo ngại, nếu làm theo cách cũ thì phải bố trí thêm kinh phí, nếu không thì phải có cơ chế điều chuyển kinh phí cải cách tiền lương còn thừa từ đơn vị này sang đơn vị khác. Không thì tăng lương vẫn chỉ nằm trong nghị quyết. “Bố trí nguồn 8.500 tỷ đồng như hiện nay thì chỉ đủ tăng lương hưu cho người có công, không tăng lương được cho công chức”.
Nguồn nhandan.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2828 Trong tuần: 43699 Trong tháng 295192 Tất cả: 17388748