Ngoài năm cơn bão và một áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông, nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao kéo dài kỷ lục xảy ra trên diện rộng từ Bắc Bộ đến Nam Trung Bộ; mưa lớn; sạt lở đất bờ sông, xâm nhập mặn sâu vào đất liền; các dòng sông ngày càng cạn kiệt nguồn nước…, gây thiệt hại tài sản ước tính 8.114 tỷ đồng.
Năm 2016, dù đến cuối tháng 7 mới xuất hiện cơn bão đầu tiên trên Biển Đông, nhưng bão hình thành nhanh, đổ bộ vào bờ chỉ sau hơn hai ngày xuất hiện, lại di chuyển chậm và vào sâu trong đất liền. Mặc dù các địa phương đã khẩn trương phòng, chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người (tổng số bảy người chết và mất tích), nhưng thiệt hại về vật chất rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân. Thống kê đến ngày 30-7 cho thấy, toàn miền bắc có 67 tàu, thuyền chìm, hơn 200 nghìn ha lúa mùa, rau màu ngập úng, trong đó diện tích hư hại, giảm năng suất là hơn 60 nghìn ha. Hơn 44 nghìn cây xanh công cộng và hàng chục nghìn héc-ta cây ăn quả, cây lâu năm gãy, đổ, hơn 60 nghìn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, 10 nghìn ha nuôi thủy sản thiệt hại.
Ngoài những nguyên nhân khách quan như bão hình thành, đổ bộ nhanh, di chuyển lâu trên đất liền và hoàn lưu bão gây mưa to trên diện rộng, cũng phải kể đến một số nguyên nhân chủ quan, như công tác dự báo hướng đi của bão chưa thật sự chính xác, việc đôn đốc và chủ động đối phó của một số địa phương ven biển và ngay cả các tỉnh không có biển chưa sát sao, quyết liệt; người dân một số nơi vẫn còn tâm lý chủ quan vì mấy năm chưa có bão đổ bộ… Ngay khi bão số 1 tan, trong lúc các cấp, các ngành và nhân dân đang dồn sức khắc phục hậu quả thì từ chiều 30-7, cơn bão Ni-da xuất hiện, hướng vào Biển Đông. Hướng đi và cường độ của bão diễn biến phức tạp, khó lường. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các bộ, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần dồn sức khắc phục nhanh hậu quả bão số 1, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án di chuyển dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; cảnh báo, thông tin thường xuyên đến chủ tàu thuyền trên biển di chuyển tránh bão hoặc vào bờ trú ẩn. Đặc biệt, cần có ngay các phương án tiêu úng, bảo vệ sản xuất, kiểm tra kỹ hệ thống tiêu thoát nước, các hồ chứa, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện đối phó bão và mưa do hoàn lưu bão vì hiện nay, hầu hết các hồ chứa ở miền bắc đang đầy nước.
Nguồn nhandan.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3084 Trong tuần: 37211 Trong tháng 85600 Tất cả: 17630493