Chủ trì Hội nghị là đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và đồng chí Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.
Đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an; đại diện các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ NN&PTNT; đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam; lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN&PTNT của 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương; các công ty, doanh nghiệp, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, đây là Hội nghị quan trọng, nhằm trao đổi, đánh giá kết quả sản xuất, những thuận lợi, khó khăn, thách thức của hoạt động sản xuất, nuôi tôm nước lợ năm 2023, đồng thời bàn giải pháp và triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024; đồng thời cũng chính là niềm vui, là dịp để tỉnh Bạc Liêu giới thiệu, quảng bá với bạn bè về những nét đặc sắc của quê hương Bạc Liêu.
Đồng chí Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Bạc Liêu hiện có trên 140 nghìn ha nuôi trồng thủy sản và là một trong số 3 tỉnh, thành có diện tích và sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước. Hàng năm, Bạc Liêu đóng góp từ 20 - 21% tổng sản lượng tôm nuôi toàn quốc. Năm 2023, Bạc Liêu có trên 132 nghìn ha thả nuôi tôm. Riêng đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, toàn tỉnh đã có 25 tổ chức và trên 800 cá nhân đang đầu tư với diện tích gần 05 nghìn ha và có nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu cả nước, có thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp tôm, một thách thức lớn đang đặt ra là vấn đề về môi trường, dịch bệnh trong sự phát triển bền vững của ngành tôm và những khó khăn của ngành thủy sản như thiếu hụt nguồn nguyên liệu, ngư trường gần như cạn kiệt…
Tại Hội nghị, Cục Thủy sản báo cáo kết quả sản xuất tôm nước lợ năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Năm 2023, cả nước sản xuất được 10.094 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ; 20.000 con tôm sú bố mẹ phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bằng 90,1% so với năm 2022. Diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737 nghìn ha. Sản lượng đạt 1,12 triệu tấn. Sản lượng sản xuất tôm giống đạt khoảng 150 tỷ con.
Về Kế hoạch sản xuất năm 2024, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; tôm giống khoảng 140-150 tỷ con; diện tích nuôi tôm đạt 737.000 ha; sản lượng tôm các loại 1.065 nghìn tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 4,0 - 4,3 tỷ USD...
Trao đổi về tình hình xuất khẩu tôm, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam cho biết, năm 2023, Việt Nam có nhóm 12 doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu, chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm; xuất khẩu tôm sang 100 thị trường so với 102 thì trường cùng kỳ năm 2022; sản phẩm xuất khẩu gồm tôm tươi đông lạnh chiếm 62%, tôm giá trị gia tăng chiếm 38% giảm hơn so với cùng kỳ; xuất khẩu tôm vào các thị trường chính đều giảm từ đầu năm 2023.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều tham luận, trao đổi, đánh giá kết quả sản xuất, những thuận lợi, khó khăn, thách thức của hoạt động sản xuất, nuôi tôm nước lợ và bàn các giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống, tôm thương phẩm; bảo vệ môi trường, xây dựng các vùng nuôi, cơ sở an toàn dịch bệnh...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao các đơn vị, địa phương đã có những chia sẻ về thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm trong phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ trong thời gian qua và có những định hướng, giải pháp trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương cần tổ chức liên kết, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn; ngăn chặn kịp thời những sản phẩm như con giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không đảm bảo chất lượng tới người tiêu dùng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong nuôi tôm nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thực hiện có hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi. Đồng thời tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; rà soát, nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm cung cấp tín dụng qua liên kết chuỗi để triển khai thực hiện; quan tâm phát triển các sản phẩm phù hợp để thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2572 Trong tuần: 130731 Trong tháng 482507 Tất cả: 17038849