Tại Hội thảo, đồng chí Huỳnh Chí Nguyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh có bài phát biểu phát biểu tham luận với chủ đề: “Cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, vùng và sản phẩm chủ yếu theo hướng hiện đại. Tập trung đề xuất các nguồn lực phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, lợi thế nhờ quy mô, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và có thị trường tiêu thụ”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Chí Nguyện phát biểu tham luận tại Hội thảo
(Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
Cổng Thông tin điện tử tỉnh trân trọng đăng tải toàn văn bài phát biểu trên:
Đặc điểm tình hình và những kết quả đạt được trong cơ cấu nền kinh tế:
Bạc Liêu là một tỉnh ven biển thuộc Bán đảo Cà Mau, với diện tích tự nhiên 2.667,9km2, có chiều dài bờ biển 56km, diện tích vùng biển hơn 40.000km2, vùng biển Bạc Liêu có trữ lượng hơn 460.000 tấn thủy sản các loại, với 33 loài tôm và trên 2.000 loài cá; trong đó có khoảng 130 loài có giá trị kinh tế cao. Hàng năm vùng biển này cho phép khai thác trên 100.000 tấn thủy sản các loại. Do đó, Bạc Liêu có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó trọng tâm là nuôi tôm công nghệ cao, sản xuất tôm giống, chế biến thủy hải sản.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu còn có lợi thế phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Với đặc điểm thời tiết thuận lợi, vùng ven biển có gió mạnh và khá ổn định (bình quân tốc độ gió là 7m/s) càng ra khơi xa tốc độ gió càng cao, có nắng hầu như quanh năm, với số giờ nắng đạt khoảng 2.200 - 2.700 giờ/năm (giá trị bức xạ đạt trên 4,8kWh/m2/ngày), điều kiện khí hậu tốt, địa hình bằng phẳng, rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, thiên tai. Với chiều dài bờ biển 56 km, Bạc Liêu có tiềm năng lớn để phát triển điện gió dọc bờ biển và biển gần bờ, phát triển điện mặt trời và điện khí. Bạc Liêu xác định phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là một trong 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tạo đà thúc đấy các ngành kinh tế khác phát triển như: Xây dựng, cơ khí, thương mại,... tạo thêm nhiều tiềm lực kinh tế cho địa phương, kết hợp phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Chí Nguyện (thứ tư từ trái) và các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
với Ban Tổ chức Hội thảo (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
Trên cơ sở tiềm năng lợi thế của Bạc Liêu và thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 và Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 của Chính phủ ban hành “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020”; tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 14/7/2017 về việc thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 của Chính phủ và Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 28/12/2018 triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 13/11/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô tình tăng trưởng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”; theo đó, các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện cho cơ quan, đơn vị mình.
Kết quả trong lĩnh vực nông nghiệp, Bạc Liêu đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”, tuyển chọn được 09 doanh nghiệp đầu tư vào Khu và đang triển khai đầu tư giai đoạn 2 (thi công được 25% khối lượng). Bạc Liêu đang đi tiên phong trong đầu tư xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao, trong đó có sản xuất tôm giống chất lượng cao cung cấp cho ngành nuôi tôm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Hiện tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản, trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm, với mục tiêu đưa “Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, toàn tỉnh có 25 công ty, đơn vị và 818 hộ đang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh và 2 giai đoạn, trong đó có 18 công ty và 785 hộ dân đã thả giống với diện tích 4.607ha.
Bạc Liêu hiện đang dẫn đầu toàn vùng ĐBSCL và cả nước về nuôi tôm công nghiệp. Do đó, có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm nuôi, chế biến tôm và các ngành phụ trợ phục vụ ngành tôm, với chức năng chính là cung cấp sản lượng tôm giống chất lượng cao cho cả nước, sản lượng tôm thương phẩm quy mô lớn cho xuất khẩu. So với vùng ĐBSCL, Bạc Liêu chiếm 20,95% diện tích nuôi tôm; 54,55% sản lượng tôm giống; 36,06% tôm thương phẩm và 16,23% kim ngạch xuất khẩu tôm; so cả nước, Bạc Liêu chiếm 17,71% diện tích nuôi tôm, 23,08% sản lượng tôm giống, 31,48% sản lượng tôm thương phẩm và 12,99% kim ngạch xuất khẩu tôm. Sản phẩm tôm chế biến của Bạc Liêu đã có mặt ở các thị trường lớn, khó tính như: Hoa kỳ, EU, Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu rất chú trọng phát triển công nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh hiện có lưới điện với tổng chiều dài đường dây 7.331,6km (trong đó lưới điện 220kV là 122,53km, lưới điện 110 kV là 217,112km, lưới điện trung áp 2.916km và lưới điện hạ áp 4.076km) với 5.767 trạm biến áp cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ duy trì hoạt động ổn định 08 nhà máy điện gió đã hoàn thành đi vào hoạt động với tổng công suất 469,2MW (đứng thứ 3 cả nước), sản lượng điện gió năm 2022 đạt 1.305 triệukWh, tăng 172,75% so với cùng kỳ. Đồng thời, tỉnh đang tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm về phát triển công nghiệp, nhất là Dự án điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW, dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn III (141MW), dự án Nhà máy Điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu (50MW) và các dự án nguồn điện và lưới điện khác theo quy hoạch được phê duyệt.
Bên cạnh lợi thế về phát triển nông nghiệp, năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy hải sản,… Bạc Liêu còn có tiềm năng về phát triển du lịch với một số loại hình du lịch đặc thù như du lịch văn hóa và du lịch sinh thái với những tài nguyên du lịch nhân văn độc đáo, thời gian qua đã được đầu tư thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường mà du khách khắp nơi luôn muốn trải nghiệm như: Khu nhà Công tử Bạc Liêu với những giai thoại hấp dẫn; phương án kiến trúc - không gian Quảng trường Hùng Vương với những công trình mang đậm nét văn hóa Bạc Liêu; khu Quán âm Phật đài và Nhà thờ Tắc Sậy có giá trị văn hóa tâm linh đối với cư dân cả nước; các dự án điện gió với những trụ điện gió cao lớn trải dài trên bãi bồi ven biển Bạc Liêu; Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, là bảo tàng Đờn ca tài tử Nam Bộ duy nhất thu hút rất đông du khách, nơi sản sinh ra bản Dạ cổ Hoài Lang bất hủ, tiền thân của bản vọng cổ ngày nay. Bạc Liêu còn được biết đến là một trong những cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự phát triển của du lịch bước đầu đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Trong năm 2022, kinh tế tỉnh Bạc Liêu đang trên đà phục hồi tích cực sau thời gian dài bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,6% so cùng kỳ. Hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh ở cả ba khu vực kinh tế; thu ngân sách địa phương vượt 29% dự toán, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,15% so cùng kỳ; nông nghiệp phát triển khá, sản lượng thủy sản tăng 14,55% (trong đó, tôm nuôi tăng 32,86%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17,12%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 19,68% so cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có bước phát triển; Các chính sách an sinh xã hội cho người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện tốt; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,19%. Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt. Quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Với vị thế, vai trò, kết quả đạt được nêu trên cùng với nỗ lực to lớn của chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, Bạc Liêu có nhiều cơ hội để vượt qua khó khăn, thách thức, thu hút được nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước, tạo nên những bước phát triển mới quan trọng.
Những khó khăn, hạn chế:
Những kết quả đạt được nêu trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa tạo được sự bứt phá về phát triển kinh tế, nhất là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Vì vậy, Bạc Liêu vẫn là tỉnh nghèo, quy mô nền kinh tế nhỏ, thu ngân sách chưa đủ chi, so với yêu cầu huy động đầu tư cho phát triển, hạn chế đến khả năng tích luỹ và huy động vốn đầu tư xã hội trên địa bàn. Hơn nữa, Bạc Liêu còn nằm trong khu vực Bán đảo Cà Mau, chịu tác động trực tiếp, nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển cùng với tài nguyên đa dạng sinh học còn chưa được quan tâm đúng mức. Đây không chỉ tác động đến với Bạc Liêu mà còn tác động đến các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL, do các yếu tố liên vùng của dòng chảy, khí hậu thời tiết, đa dạng sinh học.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn diễn ra còn chậm; phương pháp, quy mô, hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới; hoạt động khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn, một số đề tài nghiên cứu khoa học chậm được ứng dụng; khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tế sản xuất còn thấp; nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường còn hạn chế.
Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Việc đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm nên chưa tạo được điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư; hệ thống lưới điện truyền tải cao thế của tỉnh còn thiếu và yếu nên ảnh hưởng tới phát triển các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; chưa có quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110 kV và quy hoạch phát triển điện mặt trời; việc bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng sạch gặp nhiều khó khăn do vướng thủ tục và khả năng truyền tải của lưới điện hạn chế; hệ thống đường giao thông chưa đủ điều kiện vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng để xây dựng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; cơ sở hạ tầng logictic còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Du lịch phát triển chưa bền vững, thiếu tính chuyên nghiệp và đồng bộ; cơ cấu và tỷ trọng du lịch trong nhóm ngành dịch vụ và trong tổng thể nền kinh tế còn thấp; nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch vừa thiếu, vừa yếu; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch số lượng ít, quy mô nhỏ, vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn nhiều hạn chế,…
Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; số lao động có kỹ thuật đang làm việc có năng lực trình độ chuyên môn không theo kịp yêu cầu phát triển, khả năng cạnh tranh thấp.
Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Hạ tầng giao thông như: Các tuyến đường tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải, một số tuyến đường xuống cấp nhanh, kết nối vùng còn thiếu, chưa phát huy được lợi thế của giao thông đường biển, đặc biệt là chưa kết nối thành phố Bạc Liêu với khung Xuyên Á ở biển Tây… Hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo xu hướng công nghệ mới, nhất là tính đồng bộ trong kết nối hệ thống, tính an toàn, an ninh thông tin mạng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của ngành y tế chưa đáp ứng yếu cầu, một số trường chưa đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học theo hướng hiện đại…
Phương hướng tập trung phát triển trong thời gian tới:
Với mục tiêu phát triển Bạc Liêu mạnh về kinh tế biển, năng động, hiệu quả, từng bước hiện đại của vùng ĐBSCL và cả nước trên cơ sở phát triển trung tâm sản xuất năng lượng sạch, trung tâm sản xuất tôm giống, sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm của ĐBSCL và cả nước; phát triển cụm ngành nông nghiệp, các đô thị động lực tập trung dịch vụ và công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp, thủy sản, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, từng bước hiện đại; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; môi trường tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ, khôi phục, phát triển an toàn hấp dẫn với đặc trưng của đồng bằng sông nước ven biển Bán đảo Cà Mau; tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, văn minh, chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của con người Bạc Liêu được bảo tồn, phát triển; chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển thịnh vượng lâu dài trong tỉnh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, Bạc Liêu cần tiếp tục phát huy những thế mạnh, nguồn lực sẵn có, đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là sự hỗ trợ từ Trung ương nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững, với quyết tâm cùng cả nước thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng của tỉnh năm 2023 là 10 - 10,5%, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau để tiếp tục triển khai thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh, cụ thể:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhất là việc thực hiện theo 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội đã được tỉnh xác định gồm: (1) Nông nghiệp, mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; (2) Năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí; (3) Phát triển du lịch; (4) Phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; (5) Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.
Hai là, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; trọng tâm là tôm ứng dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại, liên kết chuỗi giá trị để trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Tập trung quy hoạch, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp - thực phẩm khép kín từng bước hiện đại, quản trị tốt theo chuẩn mực quốc tế, với những định hướng sau: Phát triển cả về số lượng, chất lượng hệ thống trang trại theo hướng hiện đại, sinh thái nông nghiệp; Quy hoạch các cụm, khu công nghiệp chế biến sâu thực phẩm chất lượng cao, an toàn trên cơ sở sản phẩm nông nghiệp, thủy, hải sản địa phương; Xây dựng cơ chế liên kết (cùng đầu tư, quản trị...) giữa trang trại với các doanh nghiệp từ sản xuất con giống, thức ăn, chế biến và thương mại; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản an toàn, sinh thái, tự nhiên với thuỷ sản Bạc Liêu (tôm, nhãn, hải sản...); phát triển Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp giống, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ, thương mại về tôm của cả nước.
Ba là, phát triển công nghiệp nhanh, bền vững, đột phá là công nghiệp năng lượng tái tạo, điện khí, công nghiệp chế biến thủy hải sản; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng. Tập trung triển khai quyết liệt các dự án động lực, nhất là dự án về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gồm: Điện gió, điện mặt trời và điện khí, sớm đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm của cả nước trong lĩnh vực này; xây dựng mô hình công nghiệp sạch, điển hình dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong đó, tập trung đầu tư, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án kinh tế động lực đã xác định như: Các dự án điện gió khu vực ven biển, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (khí LNG), đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước. Tiếp tục phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng như: Công nghiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp muối và sản phẩm từ muối, may mặc, cơ khí chế tạo nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chú trọng phát triển các cơ sở công nghiệp sơ chế nông sản ở nông thôn. Thu hút một số doanh nghiệp công nghệ thông tin chủ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ, tiến tới cho nền kinh tế số, xã hội số.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển du lịch để thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và trở thành trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL. Tăng cường kết nối ngành du lịch Bạc Liêu với các trung tâm du lịch tại Thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm khác trên cả nước để hình thành các gói du lịch liên hoàn, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp của ngành và chất lượng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh. Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng các điểm du lịch đã được quy hoạch; tích cực mời gọi đầu tư, phát triển các khu, tuyến du lịch sinh thái ven biển, các dự án kết hợp điện gió với du lịch; các dự án xây dựng khu quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp ven biển.…
Năm là, quy hoạch chi tiết vùng biển, ven biển và phát triển kinh tế biển của tỉnh, trên cơ sở chiến lược kinh tế biển Quốc gia; chú trọng quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị, cụm dân cư ven biển; quan tâm đầu tư các dự án công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; du lịch, dịch vụ thương mại; từng bước xây dựng huyện Đông Hải thành huyện trọng điểm phát triển kinh tế biển.
Tập trung thu hút đầu tư khai thác lợi thế kinh tế biển: Phát triển nuôi trồng thủy, hải sản; nâng cao hiệu quả nghề khai thác hải sản, tập trung phát triển mạnh đội tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá,…
Sáu là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Thực hiện các chính sách thu hút nhân tài, để thu hút những người có trình độ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý là người Bạc Liêu trong và ngoài nước về tỉnh công tác. Thực hiện đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị kinh doanh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Thực hiện tốt chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đào tạo nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và chính sách thu hút, sử dụng, bồi dưỡng nhân tài, khuyến khích tài năng, tài năng trẻ và nữ phát triển ở địa phương
Bảy là, nâng cao chất lượng xây dựng và quản lý, thực hiện quy hoạch. Lập và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phấn đấu phủ kín quy hoạch phân khu đô thị; tập trung hoàn thành các quy hoạch xây dựng vùng huyện, đáp ứng tiêu chí, điều kiện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; quy hoạch các vùng trọng điểm về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại; đặc biệt là cập nhật các công trình đầu mối, hạ tầng kỹ thuật vùng phù hợp với quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; bố trí kế hoạch sử dụng đất phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Nguồn: baclieu.gov.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 12651 Trong tuần: 65216 Trong tháng 127348 Tất cả: 17220901