Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, UBND tỉnh đã xây dựng và phê duyệt Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Sau 2 năm thực hiện Đề án, đến nay ngành tôm của tỉnh đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Bạc Liêu hiện là một trong 6 tỉnh trọng điểm tôm của cả nước và được đánh giá có vai trò quan trọng trong nhiều khâu của "chuỗi cung ứng tôm” khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích và sản lượng, với nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu quốc gia.
Tại hội nghị, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT đã báo cáo sơ kết qua 2 năm thực hiện Đề án. Theo đó, năm 2021, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt gần 300 ngàn tấn, tăng 11,58% so với năm 2019. Bạc Liêu đang đẩy mạnh phát triển nuôi tôm với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững như: Nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; tôm - rừng, tôm - lúa. Riêng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đã có sự phát triển nhanh so với năm 2019. Điểm nổi bật của mô hình là tính hiệu quả về năng suất và chất lượng tôm, với năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi tôm thông thường. Toàn tỉnh hiện có 349 cơ sở sản xuất - kinh doanh tôm giống, tăng 24 cơ sở so với năm 2019 (công suất từ 32 - 35 tỷ post/năm). Đối với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, hiện đã xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 và thực hiện xong các hồ sơ, thủ tục triển khai giai đoạn 2; đã tuyển chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào Khu. Trên địa bàn tỉnh, hiện còn có 4 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 45 nhà máy chế biến thủy sản, công suất thiết kế trên 200 ngàn tấn/năm…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Đề án cũng còn những khó khăn, hạn chế như: ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc triển khai thực hiện Đề án còn chậm; nhu cầu vốn đầu tư cho Đề án tương đối lớn, trong khi nguồn lực đầu tư của tỉnh có giới hạn; khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân đầu tư vào lĩnh vực thủy sản còn hạn chế; Tiến độ đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm; chính sách đầu tư tín dụng để phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khó khăn; nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng nuôi trồng thủy sản rất cao…
Thu hoạch tôm công nghệ cao tại huyện Hòa Bình.
Tại hội nghị, các công ty nuôi trồng thủy sản, xuất khẩu thủy sản và hộ dân nuôi tôm đã phát biểu đóng góp nhiều ý kiến để ngành tôm Bạc Liêu phát triển bền vững hơn như: thực hiện chuỗi giá trị ngành tôm, vấn đề bảo vệ môi trường, sản xuất tôm sạch, truy xuất nguồn gốc, thủy lợi cho con tôm, phát triển hệ thống nhà máy chế biến thủy sản chất lượng cao...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng yêu cầu các ngành, địa phương phải dồn lực và quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó, tập trung vào các vấn đề bức xúc của doanh nghiệp, hộ nuôi tôn, nhất là công tác quản lý môi trường đã trở thành vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Đồng thời, có ngay các giải pháp xử lý, khắc phục những khó khăn về phát triển hạ tầng phục vụ cho con tôm như: đầu tư lưới điện, hệ thống thủy lợi, quy hoạch sản xuất, khu công nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác - hợp tác xã… nhằm đạt sản lượng, chất lượng, giá trị và phát triển bền vững.
Nguồn: baclieu.gov.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3457 Trong tuần: 49160 Trong tháng 398141 Tất cả: 16547431