"Alô, chú ơi, chú cứu cháu với, cháu đang bị một số người dọa bắt. Ban đầu họ nói cháu có một gói quà, nếu muốn nhận được phải đóng phí. Sau cháu thấy phí cao quá, không đóng nữa thì họ dọa là sẽ bị Công an bắt, họ đọc vanh vách địa chỉ nhà cháu, cháu sợ quá chú ơi..." - là nội dung cuộc gọi vào số điện thoại đường dây nóng mà Thiếu tá Nguyễn Quốc Huy, Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thái Nguyên nhận được đầu năm 2020.
Từ khi số điện thoại của anh công khai trên hàng nghìn tờ rơi và các phương tiện thông tin đại chúng thì các cuộc gọi đến trình báo dồn dập. Cô gái trẻ ở trên còn là người may mắn khi cảm thấy nghi ngờ và trình báo cơ quan Công an từ sớm. Nhiều trường hợp chỉ khi đã mất tiền mới gọi báo thì việc truy tìm thủ phạm và khắc phục hậu quả gần như là... con số không.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên họp tổ công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao. |
Thái Nguyên là trung tâm vùng trung du, miền núi Đông Bắc với dân số hơn 1,3 triệu người; đồng thời đây là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ ba cả nước, có hàng chục nghìn doanh nghiệp đang đầu tư, hoạt động với hơn 230.000 công nhân, người lao động. Do đó, đây cũng là mục tiêu mà các đối tượng phạm tội hướng đến, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thượng tá Nguyễn Văn Giáp, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, đơn vị tiếp nhận, giải quyết hàng chục tin báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng điện thoại. Trong đó các đối tượng người nước ngoài kết bạn với bị hại qua mạng xã hội (chủ yếu bị hại là nữ), nhắn tin tâm sự, giả vờ yêu đương.
Khi nạn nhân tin tưởng, đối tượng thông báo muốn gửi tiền, tài sản. Sau đó, đối tượng người nước ngoài câu kết với đối tượng người Việt Nam liên lạc với bị hại, giả danh nhân viên sân bay, cán bộ cơ quan Công an, Hải quan, Thuế... yêu cầu bị hại phải nộp tiền để nhận quà với các lý do khác nhau (như phí vận chuyển, thuế, tiền phạt...) vào các tài khoản ngân hàng đo các đối tượng cung cấp để chiếm đoạt.
"Trước tình hình đó, Đại tá Bùi Đức Hải, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự khẩn trương áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và điều tra, xử lý hiệu quả đối với loại tội phạm này. Chúng tôi đã đăng ký mô hình "Hoạt động phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thái Nguyên và Viễn thông Thái Nguyên trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh"; xây dựng và tham mưu đồng chí Giám đốc phê duyệt kế hoạch để triển khai đến các huyện, thành phố, thị xã", Thượng tá Nguyễn Văn Giáp thông tin.
Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Viễn thông Thái Nguyên xây dựng nội dung, in và phát hành 5.000 áp phích tuyên truyền phương thức, thủ đoạn và các biện pháp phòng ngừa đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, đồng thời cung cấp số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để quần chúng nhân dân nắm được, chủ động phòng tránh và tố giác tội phạm. Việc triển khai mô hình vào thời điểm các vụ phạm pháp hình sự sử dụng công nghệ cao đang diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ và mức độ hậu quả thiệt hại là kịp thời, có tác dụng rõ rệt trong việc phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này trên địa bàn toàn tỉnh.
Đến nay, sau gần 8 tháng triển khai, Phòng Cảnh sát hình sự đã tiếp nhận, trả lời hàng trăm cuộc điện thoại đến đường dây nóng và kịp thời hướng dẫn người dân phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo, không để xảy ra hậu quả. Số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao giảm hẳn, đến nay không ghi nhận thêm vụ việc nào trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Công an tỉnh Thái Nguyên tuyên truyền phòng ngừa tội phạm công nghệ cao cho người bán hàng tại chợ. |
Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Quốc Huy, trước đây, khi Công an chưa phát tờ rơi tuyên truyền, có nhiều trường hợp người dân bị lừa, được cán bộ ngân hàng giải thích nhưng vẫn không nghe, họ nộp tiền vào tài khoản lừa đảo, đến khi mất tiền mới nhận ra. Nguyên nhân là các đối tượng thường dọa dẫm họ phải giấu kín việc chuyển tiền và hối thúc phải chuyển ngay trong thời gian sớm nhất có thể. Nhưng bây giờ thủ đoạn của các đối tượng được phổ biến nên chính các nhân viên ngân hàng cũng nâng cao cảnh giác, thường hỏi kỹ người dân nhiều lần trước khi giao dịch để ngăn chặn hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
"Thường những bị hại đến nộp tiền hay có thái độ sợ sệt. Chúng tôi đề nghị nhân viên ngân hàng để ý, quan sát kỹ thái độ, phối hợp với Công an nếu có dấu hiệu nghi vấn, từ đó giúp ngăn chặn các vụ chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo", anh nói và lấy ví dụ về trường hợp một nhân viên lễ tân của khách sạn từng đến ngân hàng chuyển hơn 500 triệu đồng vào một tài khoản lạ. Do nghi ngờ đây là bị hại trong một vụ án lừa đảo nên phía ngân hàng đã phối hợp với Công an thuyết phục, vận động, kịp thời ngăn chặn một vụ giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát để lừa tiền...
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp Công an phường Tân Long tuyên truyền phòng ngừa tội phạm công nghệ cao tại UBND phường Tân Long, TP Thái Nguyên. |
Chị Cao Thị Bích Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Long, TP Thái Nguyên cho biết, trong năm 2020, lực lượng Công an các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm, qua đó nâng cao cảnh giác cho người dân. Không chỉ tổ chức tuyên truyền bằng tờ rơi, Công an phường Tân Long đã chủ động trao đổi với UBND phường triển khai tới các tổ dân phố, thường xuyên nhắc lại trong các hội nghị giao ban.
"Giờ đây người dân cảnh giác lắm. Khi điện thoại nhận được những tin nhắn, cuộc gọi thông báo trúng thưởng, nhận quà... thì bà con không quan tâm nữa, hoặc có lăn tăn thì cũng phóng xe máy ra phường hỏi lại cho cặn kẽ. Mô hình đã đạt được những hiệu quả nhất định trên địa bàn", chị Thu đánh giá.
Còn đối với Phòng Giao dịch Tân Long Ngân hàng Vietinbank, ngoài tờ rơi tuyên truyền phương thức, thủ đoạn và các biện pháp phòng ngừa đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, lãnh đạo Phòng còn dán số điện thoại đường dây nóng, kết nối nhanh với Công an tỉnh và bộ phận quản lý rủi ro của ngân hàng. Nên khi gặp những khách hàng hay giao dịch đáng ngờ, các nhân viên thường tự xem xét kỹ giao dịch, để từ đó ngăn chặn hàng chục vụ lừa đảo.
"Việc tuyên truyền bằng tờ rơi tưởng là đã cũ nhưng vẫn rất hiệu quả, lại ít chi phí. Khi khách hàng đến, họ xem tờ rơi và cảnh giác. Nhất là đối với các ông, bà cao tuổi đều hiểu rõ và còn về dặn dò con cháu, mức độ lan tỏa rất cao. Nhiều khách hàng biết được thủ đoạn để phòng tránh đã quay lại đây cảm ơn ngân hàng...", anh Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Giao dịch Tân Long cho hay.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 4180 Trong tuần: 6 Trong tháng 338471 Tất cả: 16487760