Khi nhân dân đồng lòng
Trở lại xã Văn Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) những ngày đầu xuân, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay da đổi thịt của một xã thuần nông với hơn 2.000 hộ dân và trên 7.000 nhân khẩu này. Dọc hai bên đường vào Văn Lý, nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang được mọc lên.
Đường liên xã, liên thôn nay đã được bê tông hóa toàn bộ, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được bà con nông dân chuyển đổi sang mô hình trang trại, xen canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những năm 2016 trở về trước, Văn Lý là xã nghèo, lại tiềm ẩn nhiều phức tạp về ANTT, đặc biệt là tệ nạn ma tuý. Nguyên nhân cũng bởi nhiều người dân, nhất là lớp thanh niên trẻ Văn Lý đi làm ăn xa quê trở về, mang lại nguồn kinh tế cho quê hương nhưng trong đó cũng không ít người bị sa ngã, nghiện ngập ma túy.
Lực lượng Công an phối hợp đoàn thể, quần chúng cùng xuống địa bàn nắm bắt tình hình ANTT tại dân cư. |
Trước tình hình đó, để giải quyết những phức tạp về ANTT, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng địa bàn xã không có người vi phạm pháp luật, tháng 6-2016, Công an xã Văn Lý đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng triển khai mô hình “Xã không có tội phạm, tệ nạn ma túy".
Sau khi mô hình được triển khai, lực lượng Công an xã đã chủ động phối hợp với các trường học trong xã tổ chức ký cam kết tới 100% nhân dân, học sinh trên địa bàn xã “Không buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy”; đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi gia đình nhận thức rõ tác hại của ma tuý, đề cao ý thức trách nhiệm trong việc quản lý và giáo dục con em mình. Đối với những thanh thiếu niên vi phạm nhiều lần, Công an xã đã bàn bạc và thống nhất với gia đình, đoàn thể ở cơ sở có biện pháp giáo dục, quản lý tại cộng đồng.
Nhờ làm tốt công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và triển khai hiệu quả mô hình “Xã không có tội phạm, tệ nạn ma túy" những năm qua, nhân dân xã Văn Lý đã cung cấp hàng chục nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng Công an điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững ANTT, kéo giảm những hệ lụy từ ma túy và tệ nạn xã hội tại địa bàn.
Khác với các xã thuần nông trên địa bàn, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) được biết đến là địa bàn có khu công nghiệp, thu hút đông công nhân, người lao động trong và ngoài tỉnh về địa bàn sinh sống, làm việc. Kinh tế địa phương phát triển sôi động hẳn lên song kéo theo đó là những nguy cơ tiềm ẩn phức tạp về ANTT, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy.
Sau hơn 2 năm xây dựng và triển khai mô hình “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn ma túy”, đến nay tình hình ANTT tại địa bàn thị trấn Kiện Khê cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tệ nạn xã hội giảm trông thấy.
Những chuyển biến tích cực này đã khiến nhân dân địa phương càng phấn khởi, đồng lòng phối hợp với lực lượng Công an cung cấp hàng chục nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ 5 vụ, 7 đối tượng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn.
Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ
Nói về mô hình “Xã không có tội phạm, tệ nạn ma túy”, một trong những mô hình điển hình của Công an tỉnh Hà Nam, Thượng tá Nguyễn Thị Lý, Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Hà Nam cho biết, xuất phát điểm của mô hình “Xã không có tội phạm, tệ nạn ma túy” được xây dựng triển khai từ Công an phường Lam Hạ (TP Phủ Lý) vào năm 2001. Từ hiệu quả đạt được, mô hình đã được nhân rộng ra nhiều xã phường khác trên địa bàn tỉnh Hà Nam: phường Thanh Châu, xã Tiên Hải (TP. Phủ Lý), phường Hoàng Đông (thị xã Duy Tiên), xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục), xã Văn Lý (huyện Lý Nhân)...
Thượng tá Nguyễn Thị Lý cũng cho biết: “Để công tác xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ và mô hình “Xã không có tội phạm, tệ nạn ma túy” ngày càng đi vào chiều sâu và tạo sức lan toả mạnh mẽ trong nhân dân, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình trong đảm bảo ANTT ở địa bàn cơ sở.
Đến nay, toàn tỉnh Hà Nam có 57 mô hình đang hoạt động hiệu quả, trong đó 35 mô hình đã được tổ chức nhân rộng với quy mô từ cấp xã, huyện và toàn tỉnh. Từ đầu năm 2018 đến nay nhân dân đã cung cấp hàng trăm tin về tội phạm, trong đó nhiều tin có giá trị, phục vụ cơ quan chức năng điều tra làm rõ 215 vụ; bắt, xử lý gần 300 đối tượng; lập hồ sơ đưa 51 đối tượng vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng…
Từ đó góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong công tác phòng chống tội phạm, góp phần giữ vững ANTT tại địa bàn.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 6784 Trong tuần: 6804 Trong tháng 355763 Tất cả: 16505058