Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, với 250km đường biên giới giáp với 2 tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Từ trước năm 2006, tình hình ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp.
Để giải quyết tình hình trên, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận số 03-KL/TU, ngày 7-1-2006 và Nghị quyết số 29-NQ/TU, ngày 8-4-2008 về tăng cường công tác phòng, chống ma túy giai đoạn 2006-2010 với tư tưởng chỉ đạo “tập trung, thống nhất, toàn dân, toàn diện, kiên trì phòng chống ma túy” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đặt ra yêu cầu cần phải bám sát và duy trì thường xuyên, hoạt động của các mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ mang tính tự giác rất cao của các tầng lớp nhân dân.
Một buổi sinh hoạt của tổ liên gia tự quản bản Co Lìu, thị trấn Ít Ong, Mường La, Sơn La. Ảnh CTV. |
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang duy trì triển khai thực hiện hiệu quả 28 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, mỗi loại mô hình và cách thức hoạt động linh hoạt theo tình hình địa bàn.
Địa phương đã quan tâm, chú trọng nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến, có chất lượng cao trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; một số mô hình đã phát huy được sức mạnh tổng hợp trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó mô hình “Nhóm liên gia tự quản” là một điển hình trong công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý là một loại hình phát huy tác dụng khá toàn diện và là điểm nhấn trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Qua nghiên cứu mô hình "Nhóm liên gia tự quản" tại 2 địa bàn xã Mường Lang, huyện Phù Yên và xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, từ khi nhóm liên gia tự quản được thành lập đã có sự phối hợp chặt chẽ khi giải quyết vụ việc, từ khi hoạt động đến nay, xã không có vụ việc phức tạp xảy ra, không có đối tượng hình sự, không có người nghiện ma tuý.
Mô hình “Nhóm liên gia tự quản” tuy chưa được triển khai xây dựng trên diện rộng nhưng đã phát huy tác dụng ở một số địa phương và dần khẳng định đây là một mô hình tự quản cần được nghiên cứu, nhân rộng nhất là ở những địa bàn thị trấn, thị tứ, tổ dân phố và các thôn, bản có dân cư sống tập trung, quần tụ.
Mô hình “Nhóm liên gia tự quản” không chỉ góp phần tích cực trên lĩnh vực an ninh trật tự, còn mang tính nhân văn, chính từ phong trào này đã khơi dậy tình cảm, đạo đức trong đời sống xã hội của nhân dân, các hộ dân trong nhóm gắn bó với nhau hơn, tích cực tham gia vệ sinh môi trường, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khuyến học, xây dựng nông thôn mới, văn hóa thể thao... với tính chất như vậy có thể nói, mô hình “Nhóm liên gia tự quản” phù hợp với biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân trong việc “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”, đặc biệt là trong công tác phòng chống tội phạm ma túy và tệ nạn xã hội; là mô hình dễ làm của nhân dân tham gia vào công tác bảo vệ an ninh trật tự và hoạt động có tính chất xã hội ở cộng đồng dân cư.
Năm 2007, rút kinh nghiệm bước đầu từ việc xây dựng mô hình nhóm liên gia tự quản Công an tỉnh đã tổ chức đi nghiên cứu, học tập các mô hình tự quản ở một số tỉnh bạn, để có kinh nghiệm trong chỉ đạo nhân rộng xây dựng “Nhóm liên gia tự quản” trên phạm vi toàn tỉnh. Tổ chức triển khai thí điểm tại 4 địa bàn đại diện: Địa bàn đô thị; địa bàn phức tạp về ANTT, ma túy ở biên giới; địa bàn điểm nóng về tội phạm, tệ nạn ma túy ở trong nội địa; địa bàn thi công công trình thủy điện Sơn La.
Với sự đồng thuận và ủng hộ rất cao của nhân dân, 440 “Nhóm liên gia tự quản” về ANTT đã được thành lập với hơn 6.853 hộ dân tham gia (đạt 100%). Mỗi nhóm ở địa bàn đô thị, khu tập trung đông dân cư có từ 10 đến 20 hộ dân; địa bàn nông thôn (bản) từ 6 đến 15 hộ dân để đảm bảo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ quản lý địa bàn. Cơ cấu nhóm gồm 1 nhóm trưởng, 1 hoặc 2 nhóm phó. Công an tỉnh đã trang bị bước đầu cho các nhóm như sổ ghi chép, bút viết, đèn pin... để các nhóm hoạt động.
Kết quả sau 9 tháng hoạt động, các “Nhóm liên gia tự quản” đã giúp lực lượng chức năng điều tra giải quyết 155 vụ việc, chủ động giải quyết tại nhóm 159 vụ việc, vận động được 92 người nghiện tự cai nghiện ma túy tại cộng đồng... tình hình hoạt động của các loại tội phạm và vi phạm pháp luật tại khu dân cư đã giảm đáng kể; mối quan hệ trong cộng đồng dân cư được gắn kết hơn.
Đến nay, toàn tỉnh đang duy trì hoạt động 17.536 nhóm ở 100% khu dân cư của tỉnh. Trong gần 10 năm hoạt động, các “Nhóm liên gia tự quản” đã cung cấp cho lực lượng chức năng trên 25.000 phiếu tố giác, phát giác tội phạm; 5.759 nguồn tin của nhân dân cung cấp có nội dung liên quan đến hoạt động của tội phạm, trong đó có rất nhiều nguồn tin có giá trị đã giúp lực lượng Công an từ tỉnh đến huyện, lực lượng Công an xã phát hiện, đấu tranh, giải quyết, xử lý 2.347 vụ, 2.850 đối tượng phạm pháp hình sự, tội phạm ma túy, thu hồi tài sản cho Nhà nước và nhân dân trị giá trên 4,3 tỷ đồng; các nhóm chủ động giải quyết 2.790 vụ việc ngay từ cơ sở, vận động được 956 người nghiện tự cai nghiện tại cộng đồng… tổ chức quản lý, giáo dục, vận động cai nghiện ma tuý tập trung cho trên 1.500 người... trực tiếp quản lý, theo dõi, giúp đỡ 4.026 người sau khi cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có 2.894 người đã tiến bộ, không có biểu hiện tái nghiện.
Hoạt động của mô hình này đã góp phần quan trọng trong việc chuyển hóa và đưa ra khỏi danh sách 35/76 địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT. Đến năm 2016 đã có 164/204 xã, phường, thị trấn (đạt 80,4%); 714/798 nhà trường (đạt 89,5%); 446/507 cơ quan (đạt 88%); 165/179 doanh nghiệp (đạt 92%) và 2.769/3.295 khu dân cư (đạt 84%) đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT; 151/188 xã (đạt 80,1%) đạt chuẩn 4 chỉ tiêu của tiêu chí số 19 về “giữ vững ANTT xã hội nông thôn”. Đến nay, địa phương đã có 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Từ thực tiễn công tác xây dựng, nhân rộng mô hình “Nhóm liên gia tự quản” về ANTT, Công an tỉnh Sơn La rút ra một số kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện để duy trì và phát huy hiệu quả của các mô hình này trong công tác giữ gìn ANTT ở cơ sở. Đó là việc lựa chọn mô hình phù hợp, có lựa chọn đúng mới có phương pháp, cách làm đúng, công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mới đạt kết quả cao.
Sau khi lựa chọn mô hình phù hợp với tình hình, đặc điểm địa bàn, cần phải xin chủ trương của cấp uỷ, chính quyền để nhận được sự đồng thuận và ủng hộ, hỗ trợ về kinh phí, phương tiện, chỉ đạo thực hiện. Thông qua triển khai thí điểm để đánh giá trên thực tế từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm về sự phù hợp của mô hình và những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, để thường xuyên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế...
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 6626 Trong tuần: 31361 Trong tháng 380331 Tất cả: 16529618