Tăng mức xử phạt góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông
Cập nhật ngày: 15-01-2025
Ngày 26/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025. Nghị định này thay thế cho Nghị định 100/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP), điểm thay đổi đáng chú ý là tăng nặng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông (TNGT); qua đó góp phần răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân, hạn chế vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, năm 2024 toàn quốc xảy ra 21.532 vụ TNGT đường bộ, làm chết 9.954 người, bị thương 16.044 người. Phân tích nguyên nhân xảy ra TNGT, có 3.065 vụ TNGT do người điều khiển phương tiện đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định, làm chết 1.423 người, bị thương 2.764 người; 360 vụ TNGT do người điều khiển phương tiện không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (vượt đèn đỏ), làm chết 122 người, bị thương 301 người; 143 vụ TNGT do phương tiện giao thông đi ngược chiều làm chết 38 người, bị thương 141 người…
Nghị định 168 của Chính phủ được xây dựng trong bối cảnh ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế, tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến. Việc tăng nặng mức xử phạt nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, từng bước hình thành thói quen tham gia giao thông văn minh, an toàn. Bên cạnh đó, việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là biện pháp quan trọng để phòng ngừa, hạn chế TNGT, góp phần bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân.
Cảnh sát giao thông Công an Bạc Liêu kiểm tra giấy tờ
xe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông
Theo đó, Nghị định 168 tăng mạnh mức xử phạt đối với nhóm hành vi, hành vi vi phạm TTATGT đường bộ, đặc biệt là các hành vi tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao. Điển hình như:
Đối với xe ô tô, hành vi vượt đèn đỏ bị phạt 18 - 20 triệu đồng (mức phạt cũ là 4 - 6 triệu đồng). Các hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc; lùi xe trên đường cao tốc, quay đầu xe trên đường cao tốc sẽ bị phạt lên tới 30 - 40 triệu đồng (mức phạt cũ là 10 - 18 triệu đồng).
Hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/1 lít khí thở bị phạt 18 - 20 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với mức phạt cũ. Hành vi vận chuyển hàng hóa là phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị kỹ thuật, hàng dạng trụ không chằng buộc hoặc chằng buộc không theo quy định, trước đây chỉ bị phạt từ 600 - 800 nghìn đồng thì nay mức phạt nâng lên thành 18 - 22 triệu đồng, tăng gấp 27 - 30 lần.
Một số hành vi có mức phạt lên tới 40 - 50 triệu đồng như lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường (mức phạt cũ là 10 - 12 triệu đồng). Đây là các lỗi có tính cố ý, là nguồn nguy hiểm cao độ và là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, vì vậy cần phải tăng nặng mức xử phạt để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa.
Cảnh sát giao thông Công an Bạc Liêu kiểm tra
nồng độ cồn của người điều khiển xe ô tô
Nghị định 168 cũng tăng mức xử phạt đối với một số hành vi, nhóm hành vi vi phạm về điều kiện của phương tiện tham gia giao thông, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước như: Hành vi điều khiển xe ô tô gắn biển số không rõ chữ, số hoặc sử dụng chất liệu khác sơn, dán lên chữ, số của biển số xe; gắn biển số bị bẻ cong, che lấp, làm thay đổi chữ, số, màu sắc; gắn biển số không đúng với chứng nhận đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp bị phạt 20 - 26 triệu đồng (mức phạt cũ là 4 - 6 triệu đồng). Vì hiện nay, rất nhiều cá nhân cố tình đi xe không gắn biển số, che dán biển số để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật, trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng và tránh bị phạt “nguội” qua hệ thống camera giám sát, do vậy cần tăng chế tài để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Đối với xe mô tô, hành vi vượt đèn đỏ bị phạt 4 - 6 triệu đồng, tăng 5 - 6 lần (mức phạt cũ là 800 nghìn - 1 triệu đồng); hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” bị phạt 4 - 6 triệu đồng, tăng 3 - 4 lần (mức phạt cũ là 1 - 2 triệu đồng).
Hành vi điều khiển xe mô tô đi trên vỉa hè (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan) bị phạt 4 - 6 triệu đồng. Các hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h; điều khiển xe đi vào đường cao tốc (trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc); điều khiển xe lạng lách, đánh võng… đều có mức xử phạt tăng từ 2 đến 3 triệu đồng.
Các hành vi điều khiển xe mô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở; gây TNGT không dừng ngay phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không trợ giúp người bị nạn, không ở lại hiện trường hoặc không đến trình báo ngay với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất có mức phạt 8 - 10 triệu đồng (mức phạt cũ là 6 - 8 triệu đồng).
Cảnh sát giao thông Công an Bạc Liêu kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển xe máy
Có thể thấy, Nghị định 168 là một bước tiến quan trọng trong việc bảo đảm TTATGT; góp phần răn đe, giáo dục một bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm pháp luật giao thông, đồng thời khích lệ, động viên và bảo vệ đa số những người tham gia giao thông an toàn. Để nghị định 168 thực sự phát huy hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng thì rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành pháp luật giao thông, qua đó từng bước xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh cho đất nước./.
Trọng Thức
Các tin khác
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 7338 Trong tuần: 18375 Trong tháng 269872 Tất cả: 17363431