Quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Cập nhật ngày: 11-12-2024
Quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Ngoài những quy định chung, tại Điều 8 Luật PCCC và CNCH quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong công tác PCCC và CNCH cụ thể như sau:
1. Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành hoặc Đội dân phòng khi có yêu cầu.
Lực lượng Công an thường xuyên tuyên truyền công tác PCCC cho các hộ kinh doanh
3. Người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm sau đây:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý;
- Thành lập, duy trì hoạt động Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành theo quy định tại Điều 37 của Luật này hoặc phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý;
- Ban hành hoặc tham mưu người có thẩm quyền ban hành nội quy phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;
- Tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, giám sát cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý về việc thực hiện quy định, nội quy, biện pháp, yêu cầu và duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;
- Xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;
Quyết định hoặc đề xuất người có thẩm quyền quyết định trang bị, duy trì tính năng sử dụng của phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; khắc phục hậu quả do cháy, tai nạn, sự cố gây ra;
- Lập, quản lý hồ sơ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý; khai báo, cập nhật dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy;
- Thực hiện nhiệm vụ khác về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.
4. Chủ phương tiện giao thông có trách nhiệm sau đây:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý;
- Ban hành nội quy phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;
- Tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, giám sát cá nhân thuộc phạm vi quản lý về việc thực hiện quy định, nội quy, biện pháp, yêu cầu và duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;
- Trang bị, duy trì tính năng sử dụng của phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; khắc phục hậu quả do cháy, tai nạn, sự cố gây ra;
- Xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện nhiệm vụ khác về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.
5. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình, chủ phương tiện giao thông, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình, sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trong việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thẩm định, thi công, giám sát thi công, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
6. Chủ hộ gia đình trực tiếp sử dụng nhà ở mà không phải là người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm sau đây:
- Thực hiện quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Luật này;
- Tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở thành viên khác trong gia đình thực hiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
- Thường xuyên tự kiểm tra, phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.
7. Cá nhân có trách nhiệm sau đây:
- Chấp hành quy định, nội quy, biện pháp, yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Tìm hiểu kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và kỹ năng thoát nạn, sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thông dụng;
- Bảo đảm an toàn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất dễ cháy, nổ;
- Phát hiện, ngăn chặn nguy cơ trực tiếp gây cháy, nổ và các hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong điều kiện, khả năng cho phép;
- Tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi được cơ quan, người có thẩm quyền huy động; chấp hành yêu cầu, quyết định của người chỉ huy chữa cháy, người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
8. Trách nhiệm về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ nhà ở được quy định như sau:
- Người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở có trách nhiệm tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở người thuê, mượn, ở nhờ thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
- Người thuê, mượn, ở nhờ nhà ở có trách nhiệm theo quy định tại khoản 6 Điều này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở.
Trường hợp thuê, mượn, ở nhờ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thì người thuê, mượn, ở nhờ còn có trách nhiệm bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy theo quy định tại Điều 21 của Luật này.
9. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 50 của Luật này có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi quản lý.
10. Chính phủ quy định chi tiết điểm c và điểm g khoản 3, điểm b khoản 4 và khoản 5 Điều này.
Mỗi người dân cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, bảo đảm thực hiện các tiêu chuẩn, điều kiện an toàn về PCCC và CNCH gắn với phương châm hành động “Phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân” nhằm hạn chế thấp nhất số vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân./.
Văn Bào
Các tin khác
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1546 Trong tuần: 68 Trong tháng 344802 Tất cả: 16900990