Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm liên quan đến xe tự chế và xe kéo
Cập nhật ngày: 19-09-2024
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã tăng cường tuyên truyền, vận động, ký cam kết và kiểm tra, xử lý vi phạm của xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp (xe tự chế) và xe mô tô, xe gắn máy kéo theo xe khác, vật khác (xe kéo) tham gia giao thông, góp phần phòng ngừa, kiềm chế các vụ tai nạn giao thông có liên quan.
Cùng với lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc, ngày 23/8/2024 Công an Bạc Liêu ban hành kế hoạch về kiểm tra, xử lý chuyên đề xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp và xe mô tô, xe gắn máy kéo theo xe khác, vật khác vi phạm TTATGT. Qua đó, nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông của người dân; vận động quần chúng tích cực tham gia bảo đảm ANTT, tố giác các hành vi vi phạm giao thông với cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý kịp thời; huy động lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung kiểm tra, xử lý triệt để, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất xe tự chế và đối tượng điều khiển xe tự chế, xe kéo vi phạm giao thông; góp phần bảo đảm TTATGT và xây dựng hình ảnh đẹp, mỹ quan đô thị trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có hơn 320 xe ba, bốn bánh tự chế đang hoạt động trên địa bàn (kể cả xe từ địa phương khác thường xuyên vận chuyển hàng hóa đến); 16 bãi tập kết, địa điểm trông giữ xe tự chế. Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức cho hơn 60 thương binh, bệnh binh, người khuyết tật và các đối tượng khác ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về TTATGT; chỉ sử dụng xe ba, bốn bánh đã được đăng ký vào nhu cầu đi lại, sinh hoạt, không sử dụng hoặc cho người khác thuê, mượn, sử dụng xe tự chế để vận chuyển hành khách, hành hóa (nếu có).
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các xưởng cơ khí, cơ sở sửa chữa xe không sản xuất, lắp ráp xe tự chế; các cơ sở kinh doanh và người dân không thuê, mượn, sử dụng xe tự chế vận chuyển hành khách, hàng hóa gây mất TTATGT. Đặc biệt, tuyên truyền hậu quả các vụ tai nạn giao thông do xe tự chế, xe kéo gây ra, kết quả xử lý vi phạm và các vụ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ để răn đe, phòng ngừa chung.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động Công an tỉnh sẽ phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố đồng loạt ra quân tuần tra kiểm soát, xử lý đối với chủ xưởng cơ khí, cơ sở sản xuất, lắp ráp xe tự chế trái phép; người điều khiển xe tự chế, xe kéo vi phạm pháp luật… trên các tuyến, địa bàn quản lý, các địa điểm xe tự chế đón chở hàng hóa.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát,
xử lý vi phạm liên quan đến xe tự chế và xe kéo
Các hành vi vi phạm được tập trung xử lý như: các hành vi về mua bán linh kiện, phụ tùng xe không nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ; sử dụng khung, máy, linh kiện của các phương tiện khác nhau để lắp ráp thành phương tiện mới và các vi phạm khác liên quan đến điều kiện đăng ký kinh doanh; điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông; sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; xe mô tô, xe gắn máy chở hàng “cồng kềnh”, kéo theo xe khác, vật khác; điều khiển xe đi vào đường cấm, đường ngược chiều; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; vi phạm nồng độ cồn, ma túy khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy kéo theo xe khác, vật khác…
Thượng tá Bùi Trung Kiên, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: “Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với các lực lượng có liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển xe tự chế, xe kéo vi phạm TTATGT, nhất là các đối tượng lợi dụng hoặc giả danh thương binh, bệnh binh, người khuyết tật nhằm mục đích “bảo kê” cho xe tự chế, xe kéo hoạt động. Đồng thời, quán triệt cán bộ, chiến sĩ trong quá trình làm nhiệm vụ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm quy trình công tác, Điều lệnh CAND, văn hóa, ứng xử khi tiếp xúc với người vi phạm; khi xử lý vi phạm đối với thương binh, bệnh binh, người khuyết tật phải khéo léo, mềm dẻo, linh hoạt trên tinh thần thượng tôn pháp luật”.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng, thiết nghĩ mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, nhất là không vi phạm các quy định về điều khiển xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp và xe mô tô, xe gắn máy kéo theo xe khác, vật khác nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm ANTT, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương./.
Trọng Thức
Các tin khác
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3787 Trong tuần: 9 Trong tháng 41894 Tất cả: 17135393