Nâng cao trách nhiệm trong thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng
Cập nhật ngày: 3-09-2024
Công tác giúp đỡ những chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng là một chủ trương, chính sách thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tái phạm tội, góp phần bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, thời gian qua, Công an tỉnh Bạc Liêu đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng bằng nhiều biện pháp, cách làm hay, qua đó, đem lại hiệu quả thiết thực.
Hiện toàn tỉnh Bạc Liêu đang quản lý, giáo dục, giúp đỡ trên 900 người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng và một số đối tượng chấp hành án tại xã, phường, thị trấn. Phần lớn trong số này có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm hoặc nguồn thu nhập không ổn định. Nắm bắt được điều đó thời gian qua, Công an tỉnh Bạc Liêu đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như phối hợp với các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể tạo mọi điều kiện thuận lợi về tư vấn pháp lý, nghề nghiệp, hỗ trợ tư pháp, tìm kiếm việc làm, vay vốn… Với mong muốn những người chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định nuôi sống bản thân, gia đình, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội và người dân xóa bỏ định kiến, kỳ thị, tích cực quan tâm, giúp đỡ họ.
Lực lượng Công an tuyên truyền pháp luật cho người tái hòa nhập cộng đồng
Để nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng, ngay từ quá trình quản lý, cải tạo phạm nhân trong cơ sở tạm giam, tạm giữ, Ban Giám thị, cán bộ quản giáo Trại tạm giam thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt lồng ghép giáo dục pháp luật để phạm nhân hiểu và nhận thức sâu sắc các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; kịp thời gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, tình cảm, giáo dục phạm nhân xếp loại cải tạo kém, thường xuyên vi phạm nội quy. Qua đó, giúp phạm nhân nhận thức rõ hành vi vi phạm và cam kết phấn đấu lao động, học tập cải tạo tiến bộ. Bên cạnh đó, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết như: thủ tục đăng ký cư trú, cấp căn cước và hỗ trợ giải quyết các thủ tục pháp lý khác… đối với nhóm đối tượng được đặc xá, tha tù trước thời hạn, nhằm giúp các đối tượng này nhanh chóng ổn định cuộc sống khi trở về địa phương.
Công an các huyện, thị xã, thành phố tích cực tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người người được đặc xá, mãn hạn tù, hết thời gian cải tạo trở về địa phương sinh sống. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tái hòa nhập cộng đồng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; thực hiện cuộc vận động toàn dân tham gia giáo dục, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù tại cộng đồng dân cư gắn với phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào cách mạng của địa phương; kịp thời nhân rộng các mô hình, gương điển hình tiên tiến, những cách làm hay.
Công an tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ
Một trong những vấn đề cốt lõi để tái hòa nhập cộng động đạt hiệu quả cao là việc bảo đảm ổn định điều kiện kinh tế gia đình đối với các đối tượng. Lực lượng Công an cùng với các ban, ngành, đoàn thể địa phương thường xuyên theo dõi, quản lý, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng để họ xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Đối với những trường hợp đặc biệt khó khăn, Công an tỉnh còn vận động các ngành, tổ chức đoàn thể, mạnh thường quân quan tâm, trao tặng cây, con giống, phương tiện, công cụ lao động, hỗ trợ vay vốn… Đặc biệt, ngay sau khi Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực, lực lượng Công an các cấp trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các, ngành, đoàn thể, nhất là Ngân hàng chính sách xã hội tích cực rà soát, xem xét cũng như triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định. Đến nay, đã xem xét hỗ trợ gần 50 trường hợp được vay vốn, với tổng số tiền trên 01 tỷ đồng. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất, kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, để họ an tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Lực lượng Công an thăm hỏi gia đình được vay vốn theo Quyết định số 22
Điển hình như trường hợp của anh H.M.L., ngụ Phường 1, thị xã Giá Rai. Sau khi được giảm án, tha tù trước thời hạn trở về địa phương, ngoài mặc cảm sai lầm trong quá khứ, anh L. vẫn luôn trăn trở về hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Biết được hoàn cảnh gia đình anh L., Công an thị xã Giá Rai thường xuyên thăm hỏi, quan tâm, động viên anh, đồng thời, hướng dẫn để được làm thủ tục vay vốn theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Từ số tiền vay 30 triệu đồng, anh L. đã mua sắm bàn ghế, mở quán nước giải khát trước nhà; đồng thời đi làm thêm việc bảo vệ tại các công trình xây dựng. Hiện tại, gia đình anh đã có thu nhập ổn định, cuộc sống ngày càng trở nên tốt hơn.
Anh H.M L. xúc động chia sẻ: “Sau khi được tha tù trở về địa phương, lúc đầu, bản thân tôi rất lo lắng, không biết gia đình và xã hội có chấp nhận một người từng ở tù hay không, rồi không biết phải tìm việc như thế nào nữa. Nhưng nhờ có mấy anh Công an và địa phương cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, đặc biệt là tạo điều kiện cho tôi vay nguồn vốn 30 triệu đồng để làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, cuộc sống tôi cũng dần ổn định hơn, không còn mặc cảm tự ti nữa. Bản thân tôi cũng luôn cố gắng để không bao giờ mắc những sai lầm như quá khứ…”
Tuyên truyền pháp luật cho can, phạm nhân đang chấp hành án
Ngoài nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng, lực lượng Công an và các cấp chính quyền còn thường xuyên quan tâm, thực hiện các chính sách đối với can, phạm nhân đang chấp hành án tại các cơ sở giam giữ. Nổi bật trong đó chính là việc xem xét, đề nghị giảm hình phạt tù hoặc đặc xá, tha tù trước thời hạn đối với phạm nhân có quá trình lao động, cải tốt, biết ăn năn, hối cải. Để việc xét đặc xá được tiến hành đúng pháp luật, đúng đối tượng, đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và chặt chẽ, hàng năm, Công an tỉnh đều thành lập Tiểu ban chỉ đạo về đặc xá, trong đó, phân công 01 đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh – Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự làm Trưởng Tiểu ban, cũng như ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, kế hoạch triển khai thực hiện công tác đặc xá trong lực lượng Công an toàn tỉnh thực hiện. Theo đó, trong năm 2023, Công an tỉnh đã tổ chức xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn cho 37 phạm nhân đúng quy định của pháp luật.
Tổ chức trao Quyết định của Tòa án nhân dân tha tù trước thời hạn cho phạm nhân năm 2023
Có thể khẳng định, công tác giúp đỡ những người đặc xá tha tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thời gian qua được triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt được kết quả đáng khích lệ. Điều này thể hiện sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân đối với công tác này. Nhiều trường hợp được đặc xá tha tù trở về địa phương có cuộc sống ổn định, an tâm lao động, sản xuất, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội, tỷ lệ người đặc xá tái phạm tội là rất thấp.
Thời gian tới, để công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả hơn nữa, cần tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và lực lượng Công an cùng tham gia. Qua đó, nhằm định hướng, khuyến khích, động viên xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử để giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, sớm ổn định cuộc sống làm giàu chính đáng. Đó cũng chính là động lực giúp những người chấp hành xong án phạt tù có khát vọng hoàn lương, tự tin đứng lên lập nghiệp, vơi bớt mặc cảm, từ đó góp phần phòng ngừa tái phạm, vi phạm pháp luật./.
Phương Thảo
Các tin khác
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 13731 Trong tuần: 32111 Trong tháng 94197 Tất cả: 17187713