Sự cần thiết xây dựng và ban hành dự án Luật Dữ liệu
Cập nhật ngày: 29-07-2024
Dự án Luật Dữ liệu được Bộ Công an xây dựng nhằm mục đích thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, chuyển đổi số được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tiêu biểu như: Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 2289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030…
Sự kết nối thông tin là nền tảng của sự phát triển
Quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, sự phát triển khoa học, công nghệ của nước ta, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực. Bước đầu khởi tạo và hình thành được 07 Cơ sở dữ liệu quốc gia; một số Cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu. Đặc biệt là việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương đang được triển khai thực hiện quyết liệt, góp phần cung cấp dịch vụ hành chính công, cải cách, đơn giản hóa các loại thủ tục hành chính…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: một số bộ, ngành chưa có đủ hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ cho công tác nghiệp vụ; nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa được chuẩn hóa, thống nhất về tiêu chuẩn, danh mục nên không có khả năng kế thừa, khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dùng chung; các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, không đạt các tiêu chuẩn quy định, không bảo đảm mức độ an ninh, an toàn hệ thống, không thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, nâng cấp; một số bộ, ngành, địa phương thuê dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh an toàn thông tin do chưa thực sự quản lý, kiểm soát được dữ liệu nhà nước trên hạ tầng của doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu quốc gia theo Quyết định số 714 của Thủ tướng Chính phủ chưa được xây dựng đầy đủ…
Trước thực trạng trên, việc tạo lập, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung ở nước ta hiện nay là vô cùng cần thiết và phù hợp xu thế chung của các nước trên thế giới. Đồng thời, việc xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với dữ liệu gắn với con người và các dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ là trụ cột chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số, hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước và doanh nghiệp. Từ đó, triển khai các giải pháp kết nối để chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình/ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số của Việt Nam.
Bên cạnh đó, qua rà soát của Bộ Công an, hiện nay có 69 Luật quy định về cơ sở dữ liệu gồm cả cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, trên cơ sở các quy định pháp luật, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai xây dựng gần 40 cơ sở dữ liệu quốc gia, 50 cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết các luật đều không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu; chưa có luật quy định về các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, điều chỉnh các nền tảng phát triển, ứng dụng dữ liệu đang có xu hướng phát triển phổ biến trên thế giới (như công nghệ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối, công nghệ truyền thông dữ liệu, công nghệ internet vạn vật và công nghệ dữ liệu lớn…)
Trước yêu cầu thực tế, Bộ Công an đã xây dựng dự án Luật Dữ liệu để điều chỉnh các vấn đề nêu trên. Đồng thời, nhằm thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an và người dân có thể tham gia đóng góp dự thảo Luật Dữ liệu do Bộ Công an chủ trì xây dựng tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an tại địa chỉ: https://bocongan.gov.vn/van-ban/van-ban-du-thao/du-thao-luat-du-lieu-449.html#parentHorizontalTab3
Thời gian lấy ý kiến từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 01/9/2024./.
Phương Thảo
Các tin khác
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 13299 Trong tuần: 65866 Trong tháng 127998 Tất cả: 17221552