Kết nối dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thực hiện hiệu quả Đề án 06/CP
Cập nhật ngày: 9-05-2024
Số hóa Sổ hộ tịch là đưa các tài liệu về hộ tịch của công dân từ các Sổ hộ tịch gốc vào Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử. Thông tin hộ tịch số hóa là các thông tin hộ tịch đã được đăng ký trước thời điểm địa phương triển khai, đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp. Sau khi hoàn thành, các dữ liệu hộ tịch cũ sẽ được chuyển đổi vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Đến cuối năm 2022, Bạc Liêu đã hoàn thiện việc số hóa dữ liệu hộ tịch, là đơn vị đứng thứ 3 trong cả nước hoàn thành số hóa Sổ hộ tịch với 1.179.085 thông tin và chính thức chuyển dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp để khai thác, sử dụng. Ngay khi Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp thống nhất quy trình thực hiện việc đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu và quy trình này được triển khai đến từng địa phương trên cả nước. Ngày 24/4/2023, Công an tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch liên tịch về việc rà soát kết quả số hóa Sổ hộ tịch, đối chiếu dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên địa bàn tỉnh.
Bạc Liêu tổ chức hội nghị đánh giá kết quả đạt được, tháo gỡ những
khó khăn, vướng mắc sau 02 năm thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh
Để kế hoạch liên tịch được triển khai, thực hiện mang lại hiệu quả cao, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông lựa chọn mỗi đơn vị cấp huyện một xã, phường, thị trấn để tiến hành việc rà soát, đối chiếu dữ liệu thí điểm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc làm cơ sở để triển khai thực hiện trên toàn tỉnh. Với sự quyết liệt của các sở, ngành, địa phương, đến cuối năm 2023, Bạc Liêu là một trong 7 tỉnh, thành phố thực hiện việc đối sánh, làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo 100% thông tin hộ tịch đều được quản lý trên nền tảng điện tử.
Đây là kết quả rất quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số tại Bạc Liêu. Điều này được Đại tá Hồ Việt Triều, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác Đề án 06/CP tỉnh nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vào ngày 20/02/2024 vừa qua: “Việc số hóa dữ liệu hộ tịch mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ quan nhà nước và công dân. Nhất là góp phần khắc phục tình trạng lưu trữ hồ sơ giấy cồng kềnh, gặp khó khăn trong bảo quản, dễ hư hỏng, thất lạc. Khi công dân có yêu cầu liên quan đến hồ sơ hộ tịch, chỉ cần tra cứu dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, giúp giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, số hóa dữ liệu hộ tịch cũng đồng nghĩa xóa bỏ sự lệ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu cấp trích lục hộ tịch; người dân có thể đề nghị cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch ở bất cứ nơi nào hoặc thực hiện việc đăng ký trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, góp phần giảm đáng kể chi phí, thời gian đi lại trong thực hiện thủ tục hành chính về hộ tịch”.
Công an tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng và triển khai thực hiện
Kế hoạch liên tịch về việc rà soát kết quả số hóa Sổ hộ tịch
Hiện nay, trên lĩnh vực Tư pháp có 116 thủ tục hành chính được tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã được cung cấp, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, cũng đã triển khai tích hợp, cung cấp 4 dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch (đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp) kết nối, liên thông dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công/Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp.
Việc chuyển đổi dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy sang dữ liệu số theo hướng thiết lập hệ thống thông tin hộ tịch đồng bộ tại các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh sẽ bảo đảm toàn bộ Sổ hộ tịch còn lưu trữ bằng thủ công được số hóa, tạo lập dữ liệu điện tử và liên thông, kết nối chuyển đổi lưu trữ vào cơ sở dữ liệu điện tử, hoàn thành cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử dùng chung trên toàn tỉnh. Qua đó, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đăng ký, quản lý hộ tịch theo Luật Hộ tịch và giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch trực tuyến; phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; kết nối để cung cấp thông tin hộ tịch cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan.
Lực lượng Công an, Tư pháp các xã, phường, thị trấn tiến hành đối sánh
dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu hộ tịch
Trên cơ sở dữ liệu hộ tịch đã được số hóa, Sở Tư pháp trích xuất dữ liệu đăng ký hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, sắp xếp dữ liệu theo đơn vị hành chính, thời gian sau đó bàn giao cho Công an tỉnh theo phương thức đã thống nhất và phối hợp với Công an tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát đối sánh dữ liệu hộ tịch và dữ liệu dân cư, chỉ đạo thực hiện việc nhập dữ liệu hộ tịch đã được đối khớp trên nền tảng dữ liệu dân cư. Trường hợp dữ liệu thống nhất, thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa có số định danh cá nhân thì sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gắn số định danh cá nhân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Trường hợp dữ liệu không thống nhất giữa 2 cơ sở dữ liệu, Công an tỉnh sẽ xác định tổng số dữ liệu sai lệch, phân loại lỗi, trao đổi, thống nhất với Sở Tư pháp về hướng xử lý.
“Để thực hiện nhiệm vụ rà soát, đối sánh dữ liệu công dân trong 2 cơ sở dữ liệu chính xác, thống nhất, đồng bộ, Công an tỉnh và Sở Tư pháp đã tập trung nguồn nhân lực để tiến hành rà soát, kiểm tra, đối sánh làm sạch dữ liệu theo đúng tiến độ, thời gian đã quy định. Cụ thể, trong năm 2023 đã thực hiện ở các địa phương trong tỉnh, đến hết tháng 4/2024, tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, rà soát theo hình thức “cuốn chiếu”, chỉ đạo Công an các địa phương đối chiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để điều chỉnh, nhập dữ liệu hộ tịch bổ sung vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm tra, rà soát, đối sánh làm sạch dữ liệu” - Đại tá Hồ Việt Triều chia sẻ thêm.
Việc số hóa Sổ hộ tịch mang lại rất nhiều lợi ích cho đội ngũ công chức, người dân và xã hội. Quá trình này sẽ tích hợp đầy đủ các thông tin cá nhân, giúp người dân thuận tiện hơn trong quá trình làm việc, giải quyết các thủ tục pháp lý một cách hiện đại và nhanh chóng; tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch trên địa bàn tỉnh trong việc tra cứu hồ sơ, cấp bản sao trích lục hộ tịch, thống kê, báo cáo, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Điều này đã và đang góp phần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, đổi mới phương thức đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền đăng ký hộ tịch của người dân, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư. Mặt khác, còn giúp công chức làm công tác hộ tịch thay đổi về tư duy, thủ tục hành chính phải chuyển đổi từ phương thức truyền thống sang môi trường điện tử, mạnh dạn chuyển từ thủ công sang ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ ngày càng tốt hơn cho Nhân dân.
Với mục tiêu sớm về đích trong cuộc đua chuyển đổi số, Công an tỉnh cũng như các sở, ban, ngành chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong thực hiện công tác chuyên môn, nhất là tại những đơn vị thực hiện chức năng giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ ngành và kết nối, chia sẻ dữ liệu an toàn với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; đảm bảo kết nối, liên thông và thực hiện chia sẻ dữ liệu một cách thông suốt, đồng bộ, an ninh, an toàn với nền tảng dữ liệu quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án 06/CP, tiến tới xây dựng Chính phủ số, xã hội số trong thời gian tới ./.
Trọng Nguyễn
Các tin khác
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 9799 Trong tuần: 139 Trong tháng 138569 Tất cả: 17232128