Một số điều cần biết về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Cập nhật ngày: 24-08-2023
Trong những năm qua, công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã khẳng định vai trò to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp quốc phòng là Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, điều chỉnh lĩnh vực động viên công nghiệp là Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003. Tuy nhiên, qua 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng và 20 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp trên phạm vi toàn quốc, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực thi các Pháp lệnh về Công nghiệp quốc phòng, Động viên công nghiệp đã xuất hiện nhiều vướng mắc.
Kết quả tổng kết quá trình xây dựng và phát triển Công nghiệp quốc phòng từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay đã chỉ ra rõ một số bất cập như: Việc thực hiện chức năng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về Công nghiệp quốc phòng của Bộ Công an chưa tập trung và còn phân tán ở nhiều đầu mối cơ quan trực thuộc; thẩm quyền, trách nhiệm, phân cấp, phân quyền trong xây dựng, phát triển Công nghiệp quốc phòng chưa đồng bộ, kịp thời và hiệu quả; hệ thống cơ sở Công nghiệp quốc phòng chủ yếu là đơn vị sự nghiệp công lập lại bố trí phân tán, chưa hình thành hệ thống độc lập; khả năng tự chủ tài chính của một số cơ sở nghiên cứu còn thấp ảnh hưởng đến chuyển đổi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ về tài chính...
Với những bất cập nêu trên, cùng với việc thời gian qua, Quốc hội đã thông qua nhiều Luật, Nghị quyết có tác động đến công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp, Bộ Quốc phòng đã xây dựng dự án Luật công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Dự án Luật gồm 7 chương, 75 điều, trong đó, quy định rõ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về mục đích
Việc xây dựng Luật công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm tăng cường gắn kết và phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang Nhân dân.
Tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh phù hợp đặc thù công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp, gắn với phương thức tác chiến của quân đội, nhiệm vụ của Công an, thích ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp.
Về quan điểm
Thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Trong đó có giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù cho công nghiệp quốc phòng, an ninh. Tuân thủ mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu chiến lược trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Đảm bảo phù hợp, thống nhất với Hiến pháp 2013, Luật Quốc phòng 2018, Luật Công an nhân dân 2018 và các văn bản pháp luật liên quan. Bảo đảm tính kế thừa, phát triển những quy định của pháp luật hiện hành về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã được thực tiễn kiểm nghiệm còn phù hợp; đồng thời, bổ sung những vấn đề mới để giải quyết những nội dung về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Bảo đảm gắn kết chặt chẽ và tận dụng tối đa năng lực của công nghiệp quốc phòng, an ninh. Không đầu tư trùng lặp, những gì công nghiệp quốc phòng làm được và đã làm thì công nghiệp an ninh không đầu tư và ngược lại. Nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm của một số nước phù hợp với điều kiện và thực tiễn Việt Nam về tổ chức, hoạt động của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tập trung 05 chính sách
Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được xây dựng, tập trung thể chế hóa 05 chính sách nổi bật là: Phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; bảo đảm hiệu quả hoạt động viên công nghiệp.
Nội dung cơ bản của các chương, điều luật
Trên cơ sở các chính sách, dự án Luật được thể chế hóa thành các quy phạm trong từng điều luật cụ thể:
- Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 5).
Chương này quy định về: Phạm vi điều chỉnh; Giải thích từ ngữ; Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
- Chương II: Công nghiệp quốc phòng, an ninh (từ Điều 6 đến Điều 33)
Chương này gồm 05 mục quy định các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh từ Quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; tổ chức quản lý sản xuất quốc phòng, an ninh; đảm bảo nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh đến cơ cấu tổ chức của công nghiệp quốc phòng, cơ cấu tổ chức của công nghiệp quốc phòng. Trong đó quy định một số nội dung trọng tâm sau:
Xác định quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, là quy hoạch cụ thể hóa của Quy hoạch ngành quốc gia (Quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng và Quy hoạch hệ thống các công trình an ninh, khu công an, kho phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công nghiệp an ninh) (từ Điều 6 đến Điều 10).
Xác định nội dung quản lý sản xuất quốc phòng, an ninh với phân định rõ trường hợp giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu trong sản xuất quốc phòng, an ninh (từ Điều 11 đến Điều 16).
Các nguồn lực đảm bảo cho công nghiệp quốc phòng, an ninh gồm: nguồn vốn, nhân lực, đất đai phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và triển khai các hoạt động khoa học công nghệ. Trong đó, đối với nguồn vốn cho đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh quy định: Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách và được cơ cấu thành khoản mục riêng trong tổng số vốn ngân sách Trung ương được cấp có thẩm quyền phân bổ cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trung hạn, hàng năm; đảm bảo ổn định trong suốt quá trình phân bổ và giải ngân; Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng và quy định chi tiết về quản lý, thanh toán, quyết toán ngân sách đặc biệt phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh bổ sung cho các chương trình, đề án, dự án đầu tư, nhiệm vụ có tính cấp bách, đặc biệt quan trọng (Điều 17); Cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 19); Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt (Điều 20).
- Chương III - Chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp (từ Điều 34 đến Điều 47)
Chương này gồm 02 mục quy định các hoạt động chuẩn bị động viên công nghiệp trong thời bình và thực hành động viên công nghiệp khi có lệnh tổng động viên, động viên cục bộ và trong tình trạng chiến tranh. Trong đó, quy định một số nội dung trọng tâm sau:
Mở rộng phạm vi đối tượng động viên công nghiệp gồm các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà thành viên hoặc cổ đông nước ngoài có tỷ lệ vốn góp không có quyền quyết định.
Hoàn thiện phương thức thực hiện động viên công nghiệp với bổ sung phương thức đặt hàng.
Hoàn thiện quy định về phân cấp quản lý, thực hiện động viên công nghiệp với phân cấp cho UBND cấp tỉnh trách nhiệm, quyền hạn thực hiện động viên công nghiệp trong địa bàn quản lý phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ.
- Chương IV: Chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (từ Điều 48 đến Điều 53)
Chương này quy định về: Chế độ, chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh; Chế độ, chính sách đối với doanh nghiệp trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; Chế độ chính sách đối với người lao động tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh; Chế độ, chính sách đối với người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp. Trong đó, quy định một số chính sách về miễn thuế, phí và được hỗ trợ của Nhà nước với một số lĩnh vực đặc thù của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong một số trường hợp (Điều 48); cơ chế trả lương tương xứng cho nhân lực chất lượng cao, đảm bảo thu hút nhân lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 51, Điều 52).
- Chương V: Hợp tác quốc tế công nghiệp quốc phòng, an ninh (từ Điều 54 đến Điều 61)
Chương này quy định về: Nguyên tắc hợp tác quốc tế; Nội dung, hình thức hợp tác quốc tế; Liên doanh, liên kết trong hoạt động công nghiệp quốc phong, công nghiệp an ninh; Nhập khẩu hàng hóa phục vụ quốc phong, công nghiệp an ninh; Xuất khẩu dịch vụ, sản phẩm quốc phong, công nghiệp an ninh; Hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ; Hoạt động xúc tiến thương mại quân sự; Hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp an ninh.
- Chương VI: Trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (từ Điều 62 đến Điều 73)
Chương này quy định về: Nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; Trách nhiệm của Bộ Công an; Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Trách nhiệm của Bộ Tài chính; Trách nhiệm của Bộ Công Thương; Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ; Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trách nhiệm của UBND các cấp; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
- Chương VII: Điều khoản thi hành (Điều 74, Điều 75).
Thông qua việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý. Qua đó, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài./.
Phương Thảo
Các tin khác
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 11072 Trong tuần: 25 Trong tháng 236434 Tất cả: 17330007