Bà con người Mông râm ran kháo nhau rằng đi theo Vàng Chứ thì sẽ có nhà cao cửa rộng, sẽ không phải làm gì mà cũng có ăn, rồi tha hồ được đi Thái Lan, đi cả Mỹ. Thậm chí nói rằng đi theo Vàng Chứ sẽ trở thành người Giời, biết bay…
Nghèo khó… ló nổi loạn
Thời đó, tỉnh Lai Châu chưa chia tách làm 2 như hiện nay. Đó là một tỉnh rộng nhất Việt Nam nhưng cũng nghèo nhất Việt Nam. Nghèo đến mức độ mà ở một số nơi như huyện Mường Tè, cứ vào trước mùa mưa, Nhà nước lại phải tổ chức lập “cầu hàng không” chở gạo, muối, dầu hoả, thuốc men và các loại hàng hoá thiết yếu khác đến hỗ trợ bộ đội, công an, giáo viên và bà con ở các xã vùng ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào. Thậm chí, bà con một số xã huyện Mường Tè được cấp không muối, dầu hoả và vải mặc. Năm 1984, tôi đi bộ từ huyện lỵ Mường Tè lên xã Sín Thầu mất đúng 7 ngày. Ngày nào đi ngắn thì khoảng 25 cây số, còn ngày đi chặng dài nhất là gần 60 cây…
Trong bối cảnh người Mông đang đua nhau theo Vàng Chứ thì Công an tỉnh Lai Châu ngày ấy do Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp làm Giám đốc đã phải rất vất vả để ngăn chặn. Người có công đầu trong việc vận động bà con người Mông không nghe lời kẻ xấu là Phó Giám đốc Giàng Páo Ly.
Ông Giàng Páo Ly là người Mông, đi Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) từ năm 1959, ông là chiến sĩ Công an vũ trang đầu tiên của người Mông được gặp Bác Hồ. Ông còn là người nổi tiếng khi sáng tác bài hát “Anh lại về” mà rất nhiều cán bộ Công an thế hệ sau vẫn còn đang nhớ. Bài hát có câu: “Cầu mùng, cầu cháo lù/Cầu mùng cầu cháo lu…”. Nghĩa là “anh bộ đội ơi, anh công an ơi, anh đi rồi anh lại về, anh về với bản của mình nhé…”. Phó Giám đốc Giàng Páo Ly có biệt tài nói chuyện với người Mông và cách xử lý của ông bao giờ cũng được bà con tâm phục khẩu phục...
Bà con người Mông sống nghĩa hiệp nhưng rất cả tin và hay có cái lý sự riêng của mình. Họ không ưa nói dài dòng văn tự, lý thuyết suông mà ưa dẫn chứng bằng những hình tượng cụ thể, dễ hiểu. Chính vì vậy, mà cán bộ làm công tác vận động quần chúng với người Mông phải “có duyên”, phải nói tiếng nói và tư duy theo kiểu người Mông.
Trở lại vụ Huổi Khon, vào những ngày cuối tháng 4/2011, tại huyện Mường Nhé, tình hình căng như dây đàn. Đã có nhiều phương án dẹp vụ bạo loạn này được đặt ra, trong đó đáng chú ý nhất là phương án dùng Bộ đội đặc công đột nhập vào bắt những tên cầm đầu. Tuy nhiên trở ngại lớn nhất là các đối tượng cầm đầu nhóm “6 sao” di chuyển liên tục. Còn anh em đặc công hầu hết là người Kinh, không ai biết tiếng dân tộc là người Mông thì làm sao biết đứa nào cầm đầu, đứa nào không.
Lại có một phương án nữa đó là dùng Cảnh sát cơ động của Bộ Công an và Công an tỉnh tấn công tổng lực vào Huổi Khon nhưng phương án này dễ gây đổ máu và lãnh đạo Bộ Công an luôn nhất quán chỉ đạo phải bảo đảm an toàn cho người dân và lực lượng làm nhiệm vụ…
Trong lúc còn đang bàn tính, thì tên cầm đầu nhóm “6 sao” là Vàng Ía đề nghị được đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn. Nhận được thông tin này, sau khi bàn bạc kĩ với lực lượng chức năng, anh Mùa A Sơn quyết định đi cùng hai cán bộ Công an không mang theo vũ khí vào gặp bọn chúng.
Buổi gặp gỡ diễn ra khá bất ngờ, các đối tượng nhóm “6 sao” tỏ ra khá ôn hoà nêu những yêu sách của chúng. Đó là phải để cho người Mông thành lập vương quốc riêng, bao gồm toàn bộ các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, một phần của Hòa Bình, một phần Thanh Hoá và cả bốn huyện biên giới Hà Giang là Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần.
Chủ tịch Mùa A Sơn đã đối thoại với chúng bằng tiếng Mông. Anh khuyên giải chúng nếu có đề nghị gì thì cứ bình tĩnh để lãnh đạo tỉnh trình lên Trung ương xem xét, còn việc quan trọng nhất bây giờ là phải để Hội Chữ thập đỏ của tỉnh mang nước uống, thuốc men và thực phẩm vào cho người già và con trẻ. Chủ tịch tỉnh cũng nói dứt khoát: “Nếu để một người bị ốm chết ở Huổi Khon thì chính quyền sẽ xử lý các anh”.
Cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ thì nhóm cầm đầu để Chủ tịch Mùa A Sơn trở về an toàn.
Tháo ngòi nổ “quả bom Mường Nhé”
Ngày 4/5/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng một số đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đi trực thăng lên Mường Nhé. Trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an (hiện là Đại tướng, Bộ trưởng) đã có mặt trước khi Thủ tướng lên, cùng với một trung đoàn Cảnh sát cơ động do Thiếu tướng Nguyễn Văn Vượng - Tư lệnh Cảnh sát cơ động chỉ đạo trực tiếp.
Sau khi nghe Bộ Công an, Công an tỉnh báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận: Phải giải quyết xong vụ bạo loạn này trước ngày 20/5/2011 vì đó là ngày bầu cử toàn quốc nên không thể kéo dài. Trong phương án giải quyết, dứt khoát không được đụng độ với dân và Thủ tướng nói thẳng quan điểm để bà con nghe theo lời kẻ xấu dẫn đến thế này, chính quyền cũng có lỗi. Thủ tướng cũng giao việc giải quyết vụ bạo loạn này cho Bộ Công an giải quyết chính và yêu cầu chở gấp lên lương thực, thực phẩm để giúp bà con.
Trước khi lên máy bay về Hà Nội, Thủ tướng còn nhắc lại yêu cầu: “Trừng trị bọn cầm đầu nhưng phải bảo vệ dân”. Sau khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp lúc này của Thứ trưởng Tô Lâm, đã xây dựng một kế hoạch hết sức tỉ mỉ, cụ thể và tính toán đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Cũng qua các công tác nghiệp vụ, Công an tỉnh Điện Biên xác định được bọn cầm đầu có rất ít vũ khí nóng, mà chủ yếu là dao, gậy và nỏ. Anh em trinh sát cũng đã đánh giá được sự nguy hiểm của những tên cầm đầu “có mức độ”… Tuy nhiên điều làm Trung tướng Tô Lâm và lãnh đạo Công an tỉnh Điện Biên lo lắng đó là tình trạng mất vệ sinh, thiếu đồ ăn, nước uống đang rất trầm trọng. Đã có một số trẻ em, người già bị ốm, suy kiệt.
Ngày 6/5/2011, Công an tỉnh Điện Biên cử hai cán bộ vào “đàm phán” với nhóm “6 sao” về việc để tổ chức Hội Chữ Thập Đỏ của tỉnh mang lương thực, nước uống vào cho bà con, và khám bệnh phát thuốc. Sau một hồi suy nghĩ bọn chúng đồng ý nhưng với điều kiện chỉ cho 10 người vào, còn lương thực, thực phẩm xếp ngoài hàng rào dây thép gai, chúng sẽ cho người ra lấy. Sau khi giải thích mãi, chúng đồng ý cho 15 người.
Phương án tác chiến đặt ra là khi Hội Chữ Thập Đỏ lọt qua được hàng rào thì lập tức khống chế ngay những tên có mặt ở đấy và phá bung hàng rào để lực lượng phía sau ập vào... Bên cạnh xây dựng kế hoạch tác chiến, Trung tướng Tô Lâm cũng chỉ đạo phải làm ngay phương án “hậu chiến” là đưa bà con trở về quê cũ. Thế là hàng chục xe khách được huy động, trên xe có sẵn bánh mì, nước uống, có cả nhân viên y tế của tỉnh, huyện, bộ đội quân y đi cùng.
Đúng 9h30 sáng ngày 6/5/2011, cuộc tấn công được bắt đầu.
Trung tướng Tô Lâm đích thân chỉ huy tại Sở Chỉ huy cách Nậm Kè chỉ chưa đầy cây số. Còn Thiếu tướng Nguyễn Văn Vượng thì trực tiếp chỉ huy Cảnh sát đặc nhiệm. Ở phía dưới chân đồi cách xa khoảng hơn một cây số, 200 Cảnh sát đặc nhiệm ngồi sẵn trên các xe chờ lệnh. Còn các nữ Cảnh sát đặc nhiệm thì mặc trang phục quần áo blu trắng như nhân viên y tế, nhân viên Hội Chữ thập đỏ và đi trên hai xe tải nhẹ chở mì tôm, nước uống đến xếp ngoài phía hàng rào.
Bọn cầm đầu cho người ra kiểm tra từng nhân viên “Chữ thập đỏ” xem có mang vũ khí không và khi thấy tất cả chỉ đi tay không, hoặc mang theo ống nghe khám bệnh thì chúng yên tâm hẳn. Khi cả đội qua được hàng rào thì ngay lập tức, lệnh tấn công được phát ra. Các nữ Cảnh sát đặc nhiệm và cả anh em lái xe, nhân viên y tế quật ngã ngay những đứa ở hàng rào. Anh chị em hành động nhanh đến mức có tên còn bảo: “Ấy, ấy, đừng có đùa thế!”, và không tên nào chạy được hai chục mét.
Những kẻ nổi loạn làm nhiệm vụ bảo vệ ở hàng rào hoàn toàn không phải là đối thủ của Cảnh sát đặc nhiệm. Cuộc tấn công diễn ra chớp nhoáng chỉ khoảng vài phút, hơn chục tên ngoan cố bị khóa tay, hàng rào được mở toang. Từ dưới chân đồi, các xe chở Cảnh sát đặc nhiệm vùn vụt lao lên. Khi xe đến nơi, các Cảnh sát đặc nhiệm trong vai nhân viên Hội Chữ thập đỏ được sự dẫn đường của một cơ sở đã lao thẳng vào phía lán của bọn cầm đầu. Bà con từ các lán cũng ùa ra và thay vì “bảo vệ” bọn cầm đầu thì lại mau mắn chỉ cho cảnh sát nơi trú ngụ của chúng… Hóa ra là những ngày qua, bà con cũng đã quá cơ cực vì phải sống chui rúc trong những căn lều tạm bợ, thiếu thốn từng cốc nước. Và họ cũng nhận ra đã bị bọn “6 sao” lừa bịp… Nhưng muốn về cũng không được vì chúng đe dọa sẽ giết những ai bỏ trốn. Bây giờ có Công an đến, bà con nhận thấy cơ hội giải thoát đã tới nên nhất nhất nghe theo chỉ dẫn của Công an.
Cuộc tấn công của Cảnh sát cơ động vào Huổi Khon diễn ra khá nhanh chóng. Chỉ sau nửa giờ, toàn bộ những tên cốt cán của nhóm “6 sao” đã bị bắt giữ. Và không có một ai bị thương…
Những người dân nhẹ dạ được đưa xuống chân đồi và ở đây, đã có hàng chục xe chở khách xếp hàng sẵn. Ai lên xe thì được phát bánh mì, nước uống và kèm theo cả… phong bì! Khỏi phải nói là bà con mừng đến như thế nào.
Lời kết
Gần đây, tôi cùng đoàn công tác xã hội từ thiện của Công ty Thời Mới và Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị Công an tỉnh Điện Biên mang hơn 300 phần quà Tết lên tặng bà con nghèo Huổi Khon. Tình hình ANTT của xã bây giờ đã tốt. Người Mông ở đây đã rất yên tâm sản xuất, tuy cuộc sống vẫn còn khó khăn…
Và khi nhìn lại cách giải quyết vụ bạo loạn Huổi Khon thì mới thấy lực lượng Công an đã hết sức đúng đắn về cách xử lý điểm nóng và quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ… Quan trọng nhất là lãnh đạo Bộ Công an và Công an tỉnh luôn lấy việc bảo đảm an toàn cho người dân làm tiêu chí đầu tiên và đã kết hợp khéo léo, nhuần nhuyễn giữa các mặt công tác nghiệp vụ; làm tốt công tác vận động quần chúng… Việc giải quyết dứt điểm vụ bạo loạn Huổi Khon là một bài học quý trong công tác bảo đảm an ninh ở cơ sở trong bối cảnh hiện nay.
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3081 Trong tuần: 90 Trong tháng 346343 Tất cả: 16902530