Để quảng bá cho hoạt động của chương trình, trên các trang mạng xã hội, RISE đưa đậm các hình ảnh sự kiện “Ngày hội trở về phong trào xã hội và một số định hướng đáng chú ý của RISE trong thời gian tới” (gọi tắt là SMF) sẽ diễn ra tại Nhật Bản và online; đồng thời đưa ra nhiều thông tin để đánh bóng sự kiện này nhằm thu hút nhiều người tham gia.
Đây là lần thứ 2 RISE tổ chức cái gọi là “Ngày hội trở về phong trào xã hội và một số định hướng đáng chú ý của RISE trong thời gian tới”. Liên quan đến RISE, trước đó Báo CAND đã đăng tải các thông tin về tổ chức này. Là “sân sau” của tổ chức phản động lưu vong Việt Tân, mục đích, ý đồ của RISE và các đối tượng cộm cán sẽ không thay đổi. Đó là việc triệt để khai thác các vấn đề, vụ việc được dư luận xã hội quan tâm nhằm kích động tư tưởng, quan điểm phản kháng đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; từng bước hình thành các điểm “nóng” về an ninh, trật tự, làm tiền đề cho các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”… Đây cũng chính là ý đồ, phương thức, thủ đoạn nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Vạch trần bản chất của chương trình
Để thấy rõ được mục đích sâu xa của RISE khi thực hiện chương trình này, cần nhìn lại chương trình lần đầu tiên do các đối tượng tổ chức vào cuối năm 2022 với tên gọi “Ngày hội trở về phong trào xã hội”.
Chương trình diễn ra từ ngày 5 đến 6/11/2022 do RISE phối hợp với các cơ quan, tổ chức Open Culture. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chương trình này được tổ chức thành 3 phiên gồm: Hội thảo công khai bằng hình thức trực tuyến thông qua ứng dụng zoom dành cho cái gọi là “các nhà hoạt động dân sự” ở trong và ngoài nước với chủ đề “Tiềm năng phong trào xã hội: Bài học từ các biến động xã hội”.
Tại phiên hội thảo công khai có khoảng 50 đối tượng tham gia, tập trung trao đổi về các chủ đề như chính sách, pháp luật, tình hình chính trị, xã hội ở Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy “phong trào xã hội”. Trong phiên họp này, đã có một số dự án của một số hội, nhóm, tổ chức xã hội dân sự ở trong nước được trình bày. Đồng thời, các đối tượng cũng lên kế hoạch xây dựng các mô hình hỗ trợ đối với “phong trào địa phương” mới nổi lên ở Đông Nam Á.
Trong chương trình này, còn có một hoạt động là “Bàn tròn NGO - CSO” do Trinh Nguyễn - thành viên cốt cán của RISE điều phối cùng sự tham gia của một số trường hợp khác. Trong quá trình này, các đối tượng đã lên kế hoạch hỗ trợ đối với “phong trào địa phương” mới nổi ở Đông Nam Á. Chương trình có sự tham gia của các đối tượng cốt cán của Việt Tân như Hoàng Tứ Duy, đối tượng tự phong là “Tổng Bí thư Việt Tân”; Hà Đông Xuyên là “phát ngôn viên Việt Tân”... tham gia điều phối chương trình, đồng thời giám sát chỉ đạo trực tuyến từ xa.
Hoàng Tứ Duy, bí danh Đoàn Quốc Huy, sinh ngày 29/11/1971, quốc tịch Mỹ, hiện giữ vai trò “Tổng Bí thư Việt Tân”. Hoàng Tứ Duy xuất thân trong gia đình có người thân là các đối tượng cầm đầu Việt Tân (bố của y là Hoàng Cơ Định, nguyên “Ủy viên trung ương Việt Tân”) nên có ý thức chống đối sâu sắc, đối tượng đã sớm gia nhập Việt Tân và tham gia tích cực vào các hoạt động chống phá Việt Nam. Quá trình tham gia Việt Tân, Hoàng Tứ Duy có nhiều hoạt động chống Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức cực đoan, nguy hiểm; cầm đầu các tổ chức ngoại vi của Việt Tân như: “Ủy ban vận động chính trị người Mỹ gốc Việt”, “Liên minh Việt Nam tự do”, “Diễn đàn tuổi trẻ và tương lai Việt Nam”…, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo, cản trở các hoạt động ngoại giao của Việt Nam.
Hà Đông Xuyến, bí danh Nguyễn Duy Nhiên, sinh ngày 23/9/1965, quốc tịch Mỹ, hiện giữ vai trò là phát ngôn viên Việt Tân. Tham gia Việt Tân từ năm 1997, Hà Đông Xuyên có tư tưởng chống đối sâu sắc, giữ vai trò quan trọng trong tổ chức, thường xuyên liên lạc, chỉ đạo số đối tượng trong nước tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam.
Thực chất, mục đích của các đối tượng khi thực hiện chương trình này là nhằm tăng cường tổ chức các khoá đào tạo về phong trào xã hội cho giới hoạt động dân sự; đánh bóng vai trò, xây dựng hình ảnh RISE như là tổ chức hoạt động nổi bật, hiệu quả. Từ đó, gia tăng khả năng thu hút vận động tài trợ từ Chính phủ Mỹ, phương Tây và các tổ chức NGO quốc tế… Sau đó, sẽ tổ chức khóa đào tạo để lôi kéo người tham gia mở rộng quy mô và tổ chức. Trong năm 2022, có hai đối tượng tham gia là N.X.H, người đồng sáng lập hiệp hội lái xe tại một tỉnh; trường hợp khác là một người lao động tự do tại Hà Nội. Song sau một thời gian tham gia, đến thời điểm này, hai trường hợp trên đã hiểu được bản chất của chương trình, tự nguyện từ bỏ tham gia vào các hoạt động của RISE.
Không ít đối tượng vì nhẹ dạ, cả tin, tham gia vào hoạt động này đã phải trả giá đắt về hành vi phạm tội đã gây ra. Điển hình như trường hợp của Lê Quốc Anh (SN 1991, ngụ phường 9, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Liên quan đến sự việc trên, ngày 28/11, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định truy nã đặc biệt đối với Lê Quốc Anh về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015. Trước đó, Lê Quốc Anh đã bị số cầm đầu RISE móc nối tham gia các khóa huấn luyện trực tuyến về “xã hội dân sự”, từng bước lôi kéo Lê Quốc Anh tham gia tổ chức. Sau đó, Lê Quốc Anh thường xuyên liên lạc, nhận tiền tiến hành các hoạt động chống Đảng, Nhà nước theo chỉ đạo của số cầm đầu RISE.
Đề cao cảnh giác, không đăng ký tham gia vào các hoạt động trực tiếp và online của RISE
Từ đầu tháng 10/2023, trên trang thông tin của hội nhóm, RISE đã bắt đầu quảng bá cho sự kiện các đối tượng chuẩn bị tổ chức vào tháng 12/2023. Theo quảng bá của các đối tượng thì hội thảo sẽ là bàn tròn, tạo không gian để các bên liên quan trong vấn đề xuất khẩu lao động, người lao động, môi giới, các tổ chức bảo vệ người lao động, doanh nhân ngồi lại với nhau cùng thảo luận làm sao để “xây dựng cộng đồng vững mạnh hơn”.
Rồi đến với SMF 2023, các nhà “hoạt động xã hội” và tổ chức NGOs có nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam và Đông Nam Á sẽ cùng nhau làm việc, chia sẻ các sáng tạo và xu hướng mới trong lãnh đạo phong trào xã hội trong khu vực… Trên thực tế, việc RISE tổ chức hội thảo SMF 2022 về “Tiềm năng phong trào xã hội - Bài học từ các biến động xã hội” với sự tham gia của nhiều thành phần, tầng lớp xã hội trong và ngoài nước nhằm khuếch trương thanh thế, vinh danh tổ chức, đẩy mạnh triển khai các khoá huấn luyện về “phong trào xã hội” trên không gian mạng. Qua đó lựa chọn, từng bước thúc đẩy, kích động “phong trào chính trị”, “bất tuân dân sự” ở trong nước; hướng đối tượng là số sinh viên, học sinh, người lao động, người nghèo trong xã hội để lôi kéo tham gia, tạo dựng ngọn cờ cho phong trào xã hội…
Đây thực chất là một trong những chương trình hoạt động trọng tâm của RISE vào năm 2023. Với hoạt động này, mục đích của các đối tượng là thu hút sự quan tâm, chú ý của những người tự nhận mình là dân chủ và các tổ chức phản động lưu vong. Khi tham gia, nhiều cá nhân không thể hiểu được mục đích sâu xa của các đối tượng, sẽ bị hướng lái, tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật, phạm tội.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3596 Trong tuần: 41800 Trong tháng 393350 Tất cả: 16949540