Đại hội đồng LHQ là một trong 6 cơ quan chính của LHQ, bên cạnh Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế - Xã hội, Hội đồng Quản thác, Tòa án Công lý quốc tế và Ban thư ký LHQ; và là cơ quan có tính đại diện rộng rãi nhất trong hệ thống LHQ, với sự tham gia của tất cả các thành viên.
Đại hội đồng LHQ có thẩm quyền rộng rãi trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội; có quyền thảo luận và đưa ra các nghị quyết, quyết định về các vấn đề thuộc phạm vi Hiến chương hoặc bất kỳ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của các cơ quan của LHQ, nhằm mục đích thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu.
Với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin, khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn cầu: Đẩy nhanh hành động Chương trình nghị sự 2030 và Các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người”, các đại biểu tham dự Khóa họp thứ 78 Đại hội đồng LHQ sẽ tập trung thảo luận về những vấn đề thời sự nhất như: biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, ngăn ngừa đại dịch, giải giáp vũ khí hạt nhân...
Theo giới chức LHQ, khóa họp lần này của Đại hội đồng được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt trên con đường hướng tới việc hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 và nhu cầu cấp thiết đưa 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trở lại đúng quỹ đạo. Các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ sẽ nhóm họp để thống nhất việc chuyển đổi và tăng tốc hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu này vào năm 2030. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, từ ngày 17-26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng LHQ.
Tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam
Với việc kết thúc Khoá 77, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Phó Chủ tịch Đại hội đồng từ tháng 9/2022 tới tháng 9/2023. Trong quá trình đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch Khóa 77, Việt Nam đã cùng một số nước đề xuất các sáng kiến, giải pháp trên nhiều vấn đề lớn của LHQ như: đề cao luật pháp quốc tế, đại dương và luật biển; an ninh nguồn nước; trách nhiệm bảo vệ và phòng ngừa tội ác chống lại nhân loại; tiếp cận công lý bình đẳng. Việt Nam cũng tham gia chuẩn bị cho hội nghị cấp cao về phòng chống dịch bệnh, bảo hiểm y tế toàn cầu, bệnh lao, cải tổ hoạt động của Đại hội đồng LHQ, báo cáo của Tổng thư ký LHQ về hoạt động của tổ chức, báo cáo của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), báo cáo của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), theo Bộ Ngoại giao.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ trì Đại hội đồng LHQ thảo luận và thông qua nghị quyết yêu cầu ICJ đưa ra ý kiến tư vấn đối với vấn đề biến đổi khí hậu, các nghị quyết liên quan tổ chức phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh, bao phủ bảo hiểm y tế toàn cầu, bệnh lao, thúc đẩy các nội dung thảo luận tại Hội nghị của LHQ về nước. Việt Nam cũng đã hỗ trợ Chủ tịch Đại hội đồng điều hành các công việc chung của LHQ, trong đó có các sự kiện lớn cấp cao và các phiên họp quan trọng, cũng như trong điều phối và dẫn dắt quá trình thảo luận, thương lượng xây dựng các văn kiện, tiến trình mang tính định hướng chiến lược lâu dài của LHQ cho các năm tiếp theo. Việt Nam là nước được Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Khóa 77 tín nhiệm, giao chủ trì điều hành nhiều cuộc họp của Đại hội đồng.
Sự kiện Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ với nhiều đóng góp thiết thực một lần nữa khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời cho thấy, sự ghi nhận xứng đáng của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu và nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy bảo vệ quyền con người trên tất cả các lĩnh vực. Đây là minh chứng sinh động, đầy sức thuyết phục để phản bác những luận điệu xuyên tạc, cố tình phủ nhận những tiến bộ và thành tựu kinh tế, xã hội, đối ngoại nước ta.
Nhân tố cho hòa bình ổn định của khu vực và thế giới
LHQ là tổ chức đa phương lớn nhất thế giới với sứ mệnh duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác hữu nghị và phát triển của các quốc gia trên thế giới. Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Mỹ, tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng LHQ, diễn ra đúng dịp kỷ niệm Việt Nam gia nhập LHQ. Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của LHQ và kể từ đó, Việt Nam luôn là một đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng vào thực hiện các sứ mệnh của LHQ.
Trong gần 5 thập kỷ qua, các chương trình, dự án của LHQ đã đóng góp quan trọng vào quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhất là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, chia sẻ kinh nghiệm phát triển trong nhiều lĩnh vực. Với những đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều tổ chức quan trọng của LHQ như Hội đồng Bảo an (2008-2009, 2020-2021), Hội đồng Kinh tế - Xã hội (1998-2000, 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017-2021, 2023-2027), Hội đồng Chấp hành Chương trình Phát triển LHQ (UNDP)...
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển quan trọng, được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Theo Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực đối với công việc chung của LHQ, đồng thời, đề cao việc Việt Nam tham gia có trách nhiệm vào lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, triển khai hiệu quả các mục tiêu SDG và nỗ lực thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy hợp tác phát triển vì lợi ích chung của cộng đồng.
Cùng chung nhận định này, Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Khóa 76 Abdulla Shahid và Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia hình mẫu của LHQ, có nhiều đóng góp quan trọng củng cố chủ nghĩa đa phương và tham gia công việc của LHQ, đặc biệt là tích cực thúc đẩy thực hiện các cam kết toàn cầu như triển khai các SDG và ứng phó với biến đổi khí hậu, mang lại nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu cho LHQ và cộng đồng quốc tế.
Trong chuyến thăm đến Hà Nội tháng 8/2022, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký về hành động vì khí hậu Selwin Hart cho biết, ông đã tận mắt chứng kiến sự nghiêm túc và nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết đưa ra tại Hội nghị COP 26. Việt Nam còn thể hiện vai trò một thành viên trách nhiệm tại Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Trong 3 năm thực hiện nhiệm vụ, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến được bạn bè quốc tế ủng hộ, trong đó có thúc đẩy quyền của các nhóm yếu thế, chống biến đổi khí hậu, được hơn 100 quốc gia đồng tình.
Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet đánh giá cao các thành tựu kinh tế, xã hội, tạo nền tảng cho việc nâng cao đời sống, bảo đảm các quyền cho người dân Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong thời gian đại dịch và phục hồi sau dịch. Bà nhất trí với các ưu tiên của Việt Nam về bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương trước tác động biến đổi khí hậu. Chính việc luôn nỗ lực thúc đẩy các chương trình nghị sự nhằm bảo vệ các nhóm yếu thế tại LHQ, cũng như đặt ưu tiên thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, chống bạo lực và phân biệt đối xử về giới khi triển khai chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đã giúp Việt Nam tích lũy đủ về lượng, tạo thành động lực để Việt Nam trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từng đánh giá, Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Năm ngoái, Tổng Thư ký LHQ thăm chính thức Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 45 năm hợp tác Việt Nam-LHQ, sau khi Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 và vừa trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Chuyến thăm thể hiện LHQ coi trọng hợp tác với Việt Nam, vai trò của Việt Nam tại LHQ và các diễn đàn đa phương, ghi nhận những thành tựu quan trọng về đổi mới, phát triển cũng như vị thế của Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm, đóng góp có hiệu quả vào hoạt động của LHQ và cộng đồng quốc tế.
Cũng trong chuyến thăm này, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá cao hệ thống cảnh báo sớm trong giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng như công tác dự báo thời tiết, thủy văn của Việt Nam. “Tôi thấy rất vui vì các sản phẩm dự báo của Việt Nam không những phục vụ người dân trong nước mà còn chia sẻ với các cơ quan khí tượng của các nước trong khu vực và trên thế giới. Rõ ràng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, chúng ta không thể sống thiếu dự báo, đặc biệt là dự báo sớm…Tôi hy vọng sau này, khi cháu tôi đến Việt Nam, sẽ thấy đây là một khu vực xanh tươi, năng động với những hoạt động kinh tế phát triển và cuộc sống thịnh vượng”, Tổng Thư ký LHQ nói.
Chuyến thăm tháng 10/2022 của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres là chuyến thăm thứ tư của một Tổng Thư ký LHQ đến Việt Nam (trước đó là các chuyến thăm của ông Boutros Ghali vào năm 1993, ông Kofi Annan vào tháng 5/2006 và ông Ban Ki-moon vào tháng 5/2015).
Đón tiếp Tổng Thư ký LHQ thăm chính thức, Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả. Đây là bước tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, nhất là tại LHQ.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 283 Trong tuần: 94 Trong tháng 510431 Tất cả: 17066773