Đưa “Sắc xuân vùng cao” về Hà Nội
Những ngày này, hàng trăm đồng bào tại Làng và nhiều địa phương khác đang tất bật chuẩn bị rất nhiều hoạt động đặc biệt để chuẩn bị đón khách. Bà Phạm Thị Hương, cán bộ Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh do COVID-19, Làng đang dần nhộn nhịp trở lại với nhiều kỳ vọng về một mùa xuân mới tấp nập khách du xuân. Những “Sắc xuân vùng cao” đặc sắc nhất đang được đồng bào chuẩn bị phục vụ du khách.
Ghé thăm Làng dịp này, khách có dịp trải nghiệm lễ hội truyền thống độc đáo của đồng bào Thái tỉnh Sơn La. Đó là lễ Hạn khuống - lễ hội gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của người Thái. Theo tiếng Thái, “hạn” có nghĩa là tre, nứa và “khuống” là sân, đất trong bản. Hạn khuống có nghĩa là một cái sàn bằng tre, nứa dựng lên ở sân đất ngoài trời.
Sàn được làm bằng những cây tre to ghép lại, dài khoảng 6 mét, rộng 4 mét và cao khoảng hơn 1 mét, xung quanh có những chấn song đan hình mắt cáo, có một cửa ra vào, lên xuống bằng cầu thang và có từ 3 đến 5 bậc. Ở giữa sàn có một bếp lửa, cạnh bếp lửa người ta dựng cây vũ trụ, tiếng Thái gọi là cây “Lắc say”.
Cây này giống như cây nêu ngày Tết. Người tham gia chơi Hạn khuống phải làm sàn thật chắc bởi trên sàn còn bày đủ thứ đồ cho trai làng, gái bản trổ tài khéo tay như: Vòng quay, khéo sợi, đan lát, thêu thùa… Số lượng trai gái tham gia Hạn khuống không giới hạn, thường có khoảng từ 7 - 10 đôi. Các cô gái Thái duyên dáng trong trang phục váy áo truyền thống, vấn tóc đẹp, đội khăn piêu. Các chàng trai tay cầm nhạc cụ để đệm cho những câu khắp tình tứ lúc giao duyên. Ở Hạn khuống, lối hát giao duyên là lối hát chủ đạo, còn gọi là “Khắp báo xao”.
Các chàng trai người Thái phải hát khắp đối đáp với các cô gái cho đến khi được họ đồng ý cho lên sàn Hạn khuống. Các câu khắp xin lên sàn với những câu từ trêu ghẹo tình tứ, tế nhị nhưng đậm chất nhân văn. Các cô gái đáp lại với những câu khắp thay lời từ chối, ngỏ ý chưa dám hẹn hò, sợ chàng trai đã có vợ, đã có người yêu… Họ sẽ hát cho đến khi người con trai khẳng định rằng mình chưa có vợ và chiếm được lòng tin cho người con gái thì cô sẽ thả thang cho người con trai lên sàn Hạn khuống.
“Điệu xoè thương nhau” là một món quà đặc biệt khác của đồng bào các dân tộc dành tặng khách du xuân năm nay. Múa xòe là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc, một điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái Tây Bắc. Người Thái quan niệm: "Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ". Múa xòe là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái, từ yêu cuộc sống lao động cần cù đến tình yêu đôi lứa. Người Thái thường tổ chức múa xòe trong hội xuân, hội mùa và hội cưới. Khách du xuân đến làng không chỉ được trải nghiệm múa xòe Thái mà còn có dịp giao lưu, tìm hiểu về văn hoá nghệ thuật của người Thái, về một biểu tượng văn hoá của đồng bào vùng Tây Bắc của đất nước.
Nỗ lực quảng bá văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc
Nghệ nhân Y Sinh, dân tộc Xơ Đăng, người có nhiều năm gắn bó tại Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, Tết đến xuân về luôn là dịp đồng bào tại Làng náo nức chuẩn bị đón khách.
Các làng đều trang trí không gian nhà theo đúng phong tục ngày Tết của dân tộc, từ cổng vào đến các khu vực xung quanh, chuẩn bị cả các tiểu cảnh khách chụp hình làm kỷ niệm và chuẩn bị nhiều trò chơi dân gian. Các nghệ nhân giàu kinh nghiệm, vốn sống nhất được chọn tham gia giới thiệu văn hoá truyền thống dân tộc, từ biểu diễn nhạc cụ dân tộc đến văn hoá ẩm thực, trình diễn nghề thủ công…
Nghệ nhân Đinh Thị Tớp và nghệ nhân Đinh Thị Hrỡ dân tộc Ba Na cũng chia sẻ, không chỉ đồng bào Ba Na mà đồng bào các dân tộc tại Làng luôn tự hào được giới thiệu những nét văn hoá truyền thống đặc sắc nhất của dân tộc mình đến du khách. Đến nay, rất nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn đón xuân tại Làng đã, đang được các nghệ nhân chuẩn bị. Ngoài biểu diễn nghệ thuật, các dân tộc tại đây đều tổ chức trò chơi dân gian tiêu biểu nhất cùng nhiều hoạt động giàu tính trải nghiệm như hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc Nam...
Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam, ông Trịnh Ngọc Chung cho hay, trong suốt tháng 1/2022, “Hương xuân vùng cao” sẽ được gần 100 đồng bào của 13 dân tộc (Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer) và nhiều địa phương giới thiệu rộng rãi đến du khách. Riêng các ngày 22-23/1, tại Làng còn có thêm khoảng 20 đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La tham gia hoạt động.
Hiện tại, Ban Quản lý và đồng bào các dân tộc tại Làng vẫn đang nỗ lực để tạo một không khí đón xuân đầu năm đặc sắc nhất, từ đó góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ cùng phát triển, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19.
Theo: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 4629 Trong tuần: 98 Trong tháng 347901 Tất cả: 16904084