PSG của Việt Nam
Ngay cả “đại gia” mới nổi của V.League là Sông Lam Nghệ An (SLNA) cũng không chơi trội như CLB Bình Định ở giai đoạn tiền mùa giải 2022. Trong khi SLNA tập trung giữ cầu thủ và chiêu mộ các ngôi sao gốc Nghệ An thì Bình Định cởi mở hơn. Họ thay máu gần như cả đội hình sau trải nghiệm không mấy thành công tại V.League 2021.
Trước khi mùa giải 2021 bị hủy bỏ, CLB Bình Đỉnh chỉ giành được 16 điểm và đứng ở vị trí thứ 8 trên bảng xếp hạng, kém Viettel 10 điểm và kém Hoàng Anh Gia Lai 13 điểm. Quan trọng hơn, lối chơi cống hiến mà HLV Nguyễn Đức Thắng hướng đến chưa xuất hiện tại Quy Nhơn. Đội bóng của ông chỉ ghi được vỏn vẹn 10 bàn sau 12 trận đấu - trung bình chưa được đầy 1 bàn mỗi trận và nằm trong nhóm các CLB có hàng công tệ nhất giải.
Một phần khiến Bình Định chơi không tốt ở mùa giải trước là không được đầu tư lực lượng như đã hứa. Gói đầu tư 300 tỷ kéo dài 3 năm từ nhà tài trợ giải ngân chậm khiến CLB này không kịp mua sắm tân binh. Thế nhưng, trong cái rủi lại có cái may. Nhờ không vung tiền quá trán ở mùa giải trước nên CLB Bình Định thoải mái chi tiêu ở mùa giải này. Trong lúc hàng loạt CLB tại V.League gặp khó khăn về tài chính, thậm chí phải giải thể như Than Quảng Ninh thì Bình Định có sẵn ngân sách lên đến 100 tỷ để “thay máu” đội hình.
CLB Bình Định đã nhanh chóng thanh lý hợp đồng 10 cầu thủ sau khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chính thức hủy bỏ V.League 2021, trong đó bao gồm 2 ngoại binh Gordon Rimario, Ahn Byung Keon, cầu thủ nhập tịch Đinh Hoàng Max và cầu thủ người Séc gốc Việt Tony Lê Tuấn Anh. Ngay sau đó, họ đưa về sân Quy Nhơn những ngôi sao hàng đầu để thay thế.
Trong vòng 2 tháng qua, 12 cầu thủ đã lần lượt gia nhập đội bóng dưới trướng HLV Nguyễn Đức Thắng. CLB Bình Định là một trong những đội bóng chốt ngoại binh sớm nhất với 3 cái tên Adriano Schmidt, Jermie Lynch và Rafaelson. Đây đều là những ngoại binh quen thuộc tại V.League và được giới mộ điệu đánh giá cao. Bên cạnh đó, CLB Bình Định cũng nhanh chân giành các ngôi sao lớn của Than Quảng Ninh như Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú và chiêu mộ các tuyển thủ trẻ giàu tiềm năng như Đỗ Thanh Thịnh, Lý Công Hoàng Anh.
Sức mạnh tài chính và sự quyết đoán của CLB Bình Định trên thị trường chuyển nhượng giúp họ được giới truyền thông ví von là “PSG của Việt Nam”. Tất cả hứa hẹn sẽ tạo thành một đội bóng đáng gờm ở mùa giải 2022 sắp tới.
Tâm tư của HLV Đức Thắng
Cuối năm 2019, HLV Đức Thắng gây bất ngờ khi nhận lời dẫn dắt CLB Bình Định - đội khi đó còn chơi ở giải hạng Nhất. Dưới bàn tay của cựu hậu vệ người Hà Nội, CLB Bình Định giành suất thăng hạng đầy kịch tính ở mùa giải 2020. Ít ai ngờ, đó cũng là thời điểm mà Đức Thắng định rời Quy Nhơn vì cảm thấy mệt mỏi và cảm giác CLB Bình Định vẫn làm chưa tới cái đích ông đặt ra.
Giống như thời còn thi đấu, Đức Thắng là người kỷ luật, nghiêm khắc với bản thân và luôn có kế hoạch rõ ràng. Sau mùa giải 2020 nhiều biến cố vì dịch bệnh, ông cho rằng những gì đã diễn ra “không đúng như mong đợi, nỗ lực, cố gắng của bản thân và tập thể”.
Một trong những lý do quan trọng thúc đẩy Đức Thắng về Bình Định là biến một CLB “địa phương” trở thành một CLB “chuyên nghiệp” đúng nghĩa. Với danh tiếng của mình - một huyền thoại của Thể Công, một cựu tuyển thủ Việt Nam và kinh nghiệm HLV dày dạn, Đức Thắng quả thực không thiếu lựa chọn. Ông thậm chí nhận được nhiều đề nghị tốt hơn CLB Bình Định, nhưng đều từ chối.
Hơn ai hết, Đức Thắng hiểu rõ bóng đá Việt Nam chuyên nghiệp đến đâu. Nếu về một CLB V-League với nền tảng nửa vời, HLV 45 tuổi này sẽ không thỏa chí xây dựng và sáng tạo. Về Bình Định, ông được xây mới cả CLB và đội bóng. Đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn với Đức Thắng và thôi thúc ông bắt tay vào công việc. Mối quan hệ tưởng như rạn nứt giữa Đức Thắng và CLB Bình Định ở cuối mùa giải 2020 cũng đến từ lý do này, khi cựu HLV của Sài Gòn và Thanh Hóa cảm thấy ban lãnh đạo can thiệp quá sâu vào chuyên môn.
Trong quan điểm của Đức Thắng, làm bóng đá phải chuyên nghiệp, và một HLV phải có quyền quyết định về chuyên môn. Với lãnh đạo, đó chỉ là sự phối hợp, dựa trên đường lối, chủ trương chứ quyền sau cùng phải là HLV trưởng. May mắn cho CLB Bình Định, Đức Thắng đã được giải tỏa mâu thuẫn kịp thời và đồng ý ở lại CLB đến hiện tại.
Bất cứ HLV nào cũng muốn đội bóng của họ có sẵn 300 tỷ đầu tư lực lượng, nhưng với chiến lược gia người Hà Nội, đó không phải là yếu tố tiên quyết. Bản thân chiến lược gia này luôn nói rõ từ đầu: ông muốn dựng lên một CLB chuyên nghiệp có thể vận hành tốt, một đội bóng mạnh mẽ, đoàn kết ngay cả sau khi ông ra đi.
Suy nghĩ của Đức Thắng không giống số đông. Trong mắt ông, V.League chưa thể gọi là chuyên nghiệp. Các bài học từ lịch sử - mới nhất là sự sụp đổ của Than Quảng Ninh càng khiến ông khao khát làm việc khoa học và hướng đến sự bền bỉ. “Các nhà tài trợ đến rồi đi. Hiếm có nhà tài trợ nào xây dựng nền tảng cho đội bóng. Họ chỉ làm thương hiệu và kết thúc nhiệm vụ khi đạt mục đích”, Đức Thắng chia sẻ. “Tại đây thì khác, từ nhà tài trợ cho đến đến các thành viên làm việc chuyên môn ở CLB đều là người con của Bình Định. Họ muốn đóng góp, xây dựng quê hương. Tinh thần gốc rễ đó rất quan trọng trong bóng đá và khiến tôi muốn chung tay xây lại ngôi nhà bóng đá Bình Định”.
Áp lực “nhà giàu”
HLV Đức Thắng đang được đi đúng con đường mà ông mong muốn tại CLB Bình Định. Tuy nhiên, sự mạnh tay của CLB này trên thị trường chuyển nhượng cũng tạo ra áp lực lớn lên cựu hậu vệ Thể Công.
Khi bắt đầu, mục đích lớn nhất của Đức Thắng chỉ là xây dựng một đội bóng chuyên nghiệp có khả năng kéo khán giả đến kín sân. Thế nhưng, sau khi 100 tỷ được chi ra đầu tư lực lượng, câu chuyện hoàn toàn khác. Mục tiêu của HLV lúc này không còn là chuyện chủ quan nữa. Ở bất cứ CLB nào trên thế giới, sự đầu tư luôn đi đôi với áp lực và kỳ vọng.
Ban lãnh đạo và người hâm mộ CLB Bình Định có thể chấp nhận vị trí giữa bảng xếp hạng V.League khi không có sự bổ sung nào đáng kể. Ngược lại, họ sẽ mong muốn - hay chính xác là đòi hỏi đội bóng lọt vào top đầu, thậm chí hướng đến ngôi vô địch khi đón nguyên một đội hình tân binh khủng. Biệt danh “PSG của Việt Nam” vô hình trung khiến sự chờ đợi vào CLB Bình Định ở mùa giải mới gia tăng gấp nhiều lần.
Áp lực này cũng là cơ hội tốt cho HLV Đức Thắng có thêm kinh nghiệm làm nghề. Trong sự nghiệp, ông hai lần nhận đội bóng từ hạng Nhất và dẫn lên V.League thành công. Thế nhưng, vượt qua giải hạng Nhất chưa bao giờ là thử thách khó nhằn với các CLB lắm tiền, nhiều của. Chinh phục V-League với một đội bóng mới toanh sẽ là câu chuyện thú vị hơn rất nhiều.
Theo nghiệp đá bóng từ rất sớm nên HLV Đức Thắng chỉ có thể hoàn thành chương trình và tốt nghiệp cấp 3 vào năm 30 tuổi. Cho dù có lúc ái ngại, nhưng Đức Thắng luôn giữ tư duy nghiêm túc với nghề. Ông hiểu rằng bản thân phải đi từng bước nhỏ để trở thành một HLV. Từ tốt nghiệp cấp 3, Đại học TDTT Từ Sơn cho đến theo học lấy các bằng cấp huấn luyện.
Sự cầu tiến và quyết tâm của Đức Thắng giúp ông lọt vào mắt xanh của HLV Henrique Calisto. Từ khi còn dẫn dắt CLB Long An vào năm 2006, HLV người Bồ Đào Nha đã muốn đưa Đức Thắng về làm trợ lý nhưng ông từ chối. Hai năm sau, khi trở lại ĐTQG Việt Nam, ông Calisto tiếp tục mời Đức Thắng và thành công. Ở thời điểm này, Đức Thắng mới có bằng C huấn luyện nhưng vẫn được tin tưởng vì kiến thức và kinh nghiệm bóng đá dày dặn.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định Đức Thắng là một trong những HLV Việt Nam có tư duy chiến thuật hiện đại nhất. Với ông, sơ đồ 3-4-3, 4-2-3-1 hay bất cứ hệ thống nào cũng có thể tạo ra khác biệt, miễn là nó phù hợp với phẩm chất của các cầu thủ sẵn có trong tay một HLV. Hồi đầu mùa giải 2020, Đức Thắng từng tự tin ông xây dựng được một đội hình “chuẩn V-League” tại Bình Định - một đội hình có thể đá sòng phẳng với bất cứ đối thủ nào nếu không dùng ngoại binh.
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 8508 Trong tuần: 8528 Trong tháng 357489 Tất cả: 16506784