Sức mạnh hàng thủ vô tình thành điểm yếu
Dưới thời HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam luôn gặt hái những thành công ngoài sức tưởng tượng, từ đấu trường Đông Nam Á cho đến châu Á. Khi những chiến thắng diễn ra như một thói quen thì ngay cả việc đội tuyển Việt Nam thua Saudi Arabia, thất bại trước Australia, bị Oman ngược dòng hay đặc biệt là gục ngã trước Trung Quốc khiến người hâm mộ khó nuốt trôi.
Đúng là trong 4 thất bại đã qua của đội tuyển Việt Nam, chúng ta nhìn thấy những điểm mà HLV Park Hang-seo cùng các học trò phải khắc phục. Đội tuyển Việt Nam cũng bộc lộ vấn đề về chiều sâu lực lượng, lối chơi thiếu đổi mới và sự tự tin khi gặp các đội tuyển mạnh hơn mình ở tầm cỡ châu Á. Nhưng chắc chắn, bên cạnh những điểm tối, những nguyên nhân đang được đem ra mổ xẻ thì một điểm cộng lớn trong 4 trận đấu đã qua của đội tuyển Việt Nam chính là hàng tấn công.
Dưới thời HLV Park Hang-seo, Việt Nam luôn mạnh trong phòng ngự. Ở VCK U23 châu Á 2018, tài năng của thủ môn Bùi Tiến Dũng trên chấm phạt đền là mấu chốt giúp đội tuyển Việt Nam vào đến trận chung kết. Tại ASIAD 2018, thủ thành người Thanh Hóa kết hợp với hàng thủ vững vàng đã giúp đội tuyển Olympic Việt Nam giữ sạch lưới cho đến trận bán kết. Ở AFF Cup 2018, thủ môn Đặng Văn Lâm tạo ra chuỗi 405 phút liên tiếp không để thủng lưới lần nào. Hay tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam có tới 5 trên tổng số 8 trận không để đối phương lập công.
Nền tảng hàng phòng ngự vững vàng là lý do giúp đội tuyển Việt Nam thành công trong giai đoạn đã qua. Đối lập cho sự xuất sắc của hàng thủ ở giai đoạn đó lại là những nỗi lo thường trực trên hàng tấn công. Riêng ở vòng loại thứ 2 của giải đấu, ở 5 trận đấu đầu tiên của năm 2019, hàng công của Việt Nam chỉ ghi đúng 5 bàn. Đáng nói hơn, hàng tiền đạo chỉ có duy nhất tiền đạo Nguyễn Tiến Linh lập công với 2 bàn thắng.
Phần còn lại, Duy Mạnh, Ngọc Hải và Quang Hải mỗi người thay nhau ghi 1 bàn. Phải sang giai đoạn thi đấu 3 trận tập trung ở UAE, Việt Nam mới cải thiện hàng công khi ghi thêm 8 bàn thắng nữa. Nhưng đây cũng là giai đoạn đánh dấu bước lùi của hàng thủ Việt Nam. Chấn thương của Đình Trọng cùng thể lực không tốt đến từ Văn Hậu và sự vắng mặt thường xuyên hơn ở thủ môn Văn Lâm chính là một trong những lý do khiến hàng thủ xộc xệch. Ở 3 trận đấu cuối cùng của vòng loại thứ 2, Việt Nam để thủng lưới tới 5 bàn. Nên nhớ trong 5 trận trước đó, số bàn thua của Việt Nam chỉ là 1 bàn.
Hàng công từ sở đoản thành tín hiệu lạc quan
Sự đối lập giữa công và thủ tiếp tục hiện diện ở 4 trận đấu đã qua của Việt Nam tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Việt Nam thủng lưới tới 10 bàn trong khi ghi 4 bàn thắng. Không đội nào ở bảng B, vòng loại cuối cùng World Cup 2022 thủng lưới nhiều như Việt Nam. Nhưng trái lại, hàng tấn công của Việt Nam lại không phải là tệ nhất sau 4 trận đã qua của giải đấu. Bởi Nhật Bản mới là đội có sức tấn công yếu nhất với chỉ vỏn vẹn 3 bàn.
Vậy là đội tuyển Việt Nam lại đang có điểm sáng từ chính sở đoản của mình. Nghịch lý hơn, nếu so sánh với chính Thái Lan, đội tuyển Đông Nam Á khác từng thi đấu ở vòng loại cuối cùng World Cup 2018 cách đây 4-5 năm về trước, Việt Nam thậm chí còn hiệu quả hơn với số bàn thắng gấp 4 lần đối thủ. Gọi là nghịch lý bởi dưới thời HLV Kiatisak Senamuang, Thái Lan là đội có xu hướng tấn công. Chính lối chơi đẹp mắt này đã giúp Thái Lan đứng đầu bảng vòng loại thứ 2 World Cup 2018 để giành vé trực tiếp đi tiếp. Nhưng sức tấn công vũ bão của Thái Lan đã hoàn toàn xịt ngóm trước đẳng cấp châu lục. Sau 4 trận đầu tiên ở vòng loại World Cup 2018, Thái Lan chỉ ghi đúng 1 bàn và thủng lưới không khác Việt Nam: 10 bàn. Đó cũng có thể xem là nguồn cơn đẩy Kiatisak đến việc phải từ chức ở khoảng thời gian sau đó.
Thêm một yếu tố nữa cần phải nói, đội tuyển Việt Nam thật ra tấn công không hay. Thậm chí trong thời gian vừa rồi, đoàn quân của HLV Park Hang-seo còn bị chỉ trích là không mạnh dạn trong tổ chức tấn công hay có lên bóng phối hợp thì dàn xếp không đồng bộ. Bản thân các cầu thủ trên hàng tấn công cũng không quá nổi trội. Quang Hải, Công Phượng, Văn Đức, Văn Toàn đều thi đấu dưới mức độ kỳ vọng của người hâm mộ hay so với chính họ của những giải đấu trước đó cùng đội tuyển Việt Nam.
Nhưng giá trị cá nhân lại được một số gương mặt kể trên thể hiện đúng lúc đúng chỗ. Quang Hải có bàn thắng vào lưới Saudi Arabia ở một khoảnh khắc xuất thần xuyên suốt 4 trận đấu có phần mờ nhạt của mình. Cũng chính anh trong một khoảnh khắc lóe sáng hiếm hoi khác thực hiện đường chọc khe để Tiến Linh chạy chỗ khôn ngoan đánh bại thủ môn Trung Quốc. Tương tự, Hồ Tấn Tài cũng có những thời điểm chơi hay như vậy. Anh là người di chuyển khôn ngoan và xử lý tình huống quá hay để ghi bàn vào lưới Trung Quốc. Cũng chính Tấn Tài lập công chuộc tội với tình huống mạnh dạn dâng cao trước khi tung cú sút căng buộc thủ môn Oman không thể bắt gọn, mở ra cơ hội để Tiến Linh đệm bóng vào gôn trống.
Những tình huống ghi bàn của đội tuyển Việt Nam suy cho cùng là sự tỏa sáng của các cá nhân đơn lẻ trong những tình huống đơn lẻ trong 4 trận đấu đã qua. Vậy nên, nếu nói chính xác về mặt nhận định, đánh giá giữa khởi đầu của Việt Nam và Thái Lan tại hai vòng loại World Cup 2018 và 2022 khu vực châu Á thì sự tỏa sáng và tận dụng tình huống tốt của cá nhân Việt Nam tốt hơn hẳn so với Thái Lan.
Tất nhiên tư duy tổ chức tấn công đồng bộ, có ý đồ, có bài bản và có chiến lược thì Việt Nam vẫn cần phải học hỏi thêm từ Thái Lan, nhất là khi HLV Park Hang-seo cần có thêm ý tưởng để ĐT Việt Nam tự tin cầm bóng và tấn công. Dẫu sao, với những gì đã thể hiện sau 4 trận đầu tiên, với lần đầu tiên tham dự vòng loại thứ 3 World Cup trong lịch sử thì việc Việt Nam ghi được đến 4 bàn thắng cũng là một giá trị đáng để ghi nhận.
Việt Nam ghi bàn nhiều nhất so với các đội cuối bảng cùng thời điểm
Thực tế nếu so sánh với các đội đứng cuối bảng cùng thời điểm ở vòng loại World Cup 2014, 2018 và 2022 thì đội tuyển Việt Nam thuộc diện ghi bàn cao thứ 2. Cụ thể, sau 4 lượt trận, tại bảng A, Syria cũng chỉ ghi 4 bàn thắng. Tại vòng loại cuối cùng World Cup 2018, ở bảng A, Trung Quốc sau 4 vòng đấu đứng bét bảng và ghi được 2 bàn. Tại bảng B, như đã nói, Thái Lan chỉ có vỏn vẹn 1 pha lập công.
4 năm trước nữa, Lebanon chỉ có 2 bàn thắng sau 4 trận tại bảng A. Ở bảng B, Iraq cũng chỉ có 3 bàn. Nói như thế như một sự khích lệ. Đó không phải là kiểu AQ an ủi để đội tuyển Việt Nam thấy như thế là đủ. Mà để cho các trận đấu tiếp theo, dù gặp những đối thủ mạnh, Việt Nam có thể tự tin hơn vào chính hàng công từng bị xem là sở đoản trong suốt mấy năm trước đó dưới thời thầy Park.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1873 Trong tuần: 13550 Trong tháng 362517 Tất cả: 16511809