Chùa Bình Long (hay còn gọi chùa Bát Nhã) thuộc xã Huyền Sơn (Lục Nam) là một trong số các di tích đang được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam phối hợp với ngành văn hóa Bắc Giang tổ chức khai quật khảo cổ học và phát hiện nhiều tư liệu, hiện vật quan trọng, đồng thời vẫn còn đó những bí ẩn chưa có lời giải.
Ngược núi tìm trầm tích
Gần hai mươi người, gồm các chuyên gia Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cán bộ Bảo tàng tỉnh Bắc Giang và người dân địa phương đã rất nỗ lực để hoàn thành công việc khai quật khảo cổ học tại địa phế tích chùa Bát Nhã. Theo đánh giá của giới chuyên môn, trong số rất nhiều cuộc khai quật khảo cổ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thì đây là điểm khai quật gian nan nhất bởi trên gần đỉnh núi, xa khu dân cư.
Các thành viên trong đoàn phải ăn rừng, ngủ rừng đầy bất tiện. Dẫu vất vả nhưng những thông tin thu thập được là minh chứng quan trọng để địa phương có cơ sở khoa học, đánh giá toàn diện hơn về công trình chùa tháp cổ bên sườn Tây Yên Tử.
Vào một ngày cuối tuần chớm thu, theo chân đoàn công tác Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang lên thăm công trường khai quật tại đây, chúng tôi không những được mở mang nhiều kiến thức về lịch sử văn hóa mà còn hiểu thêm về sự gian nan, công việc đặc biệt của những nhà khảo cổ học – những người đi tìm thông tin, tư liệu từ quá khứ trong lòng đất. Sáng sớm, đoàn chúng tôi xuất phát tại thành phố Bắc Giang cốt mong sao trời không mưa để chuyến leo núi Bát Nhã được suôn sẻ.
Dẫu không mưa nhưng nắng hanh gắt gỏng cũng cản trở không nhỏ đối với hiệu suất leo núi. Đúng hẹn, khi mặt trời mới ló rạng chúng tôi được đoàn cán bộ UBND xã Huyền Sơn dẫn đường, phải để ô tô ngoài làng rồi “tăng bo” bằng xe máy đến chân núi và tiếp tục hành trình leo bộ với 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Đã từng leo núi nhiều lần nhưng với tôi chưa bao trải qua một hành trình khắc nghiệt đến thế.
Đoàn chia làm hai ngả, một nhóm men theo suối từ hạ nguồn ngược lên, lối này tuy gần hơn nhưng thách thức bởi đá suối trơn trượt và khó đi hơn. Một nhóm đi theo lối mòn của dân vẫn quen đi rừng lấy măng, lấy hạt dẻ... Với đường này, những con dốc dựng đứng không phải là điều đáng ngại so với nỗi sợ hãi bởi muỗi rừng, vắt núi. Ban đầu chúng tôi vừa đi vừa cầm cành lá phất phẩy làm tan các mạng nhện phía trước và xua muỗi. Dưới tán rừng oi ả, mồ hôi vã ra như tắm. Nhưng khổ nỗi đã thấm mệt chẳng ai còn muốn đuổi muỗi nữa, mọi người không dám đứng nghỉ, chỉ cố gắng đi một mạch vì hễ đứng lại vắt sẽ bám, muỗi bu quanh người.
Tuy mệt nhưng chúng tôi được toại tâm, toại ý hành hương về một vùng danh thắng huyền thoại để cảm nhận một miền thiên nhiên với núi non hùng vĩ, tươi đẹp. Rừng núi vẫn khá nguyên sơ, cây cỏ rậm rạp và ít người qua lại. Chim muông líu lo, hoa dại ngát hương, quả rừng lúc lỉu, măng trúc, măng mai, chuối rừng bạt ngàn. Bất giác tôi nhớ đến một trước tác của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông mấy thế kỷ trước: “Véo von chim hót, liễu đầy hoa/Thềm vẽ mây in bóng xế tà/Khách đến chẳng bàn chi thế sự/Lan can cùng tựa ngắm trời xa” (Xuân Canh).
Đi sau tôi là ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang. Với thanh niên chúng tôi đã thấy như “đứt hơi” vậy mà ở tuổi đã gần 60, ông Cầm vẫn bền bỉ từng bước, thật đáng phục. Vừa đi, những cán bộ UBND xã Huyền Sơn vừa kể những câu chuyện huyền bí, những lời truyền miệng chứa đầy yếu tố tâm linh liên quan đến di tích Bát Nhã. Thì ra do chùa cổ ở trên núi, lại xa dân nên sau này bà con đã di chuyển một phần vật chất về dưới thấp và dựng ngôi chùa mới lấy tên là Bình Long để thờ tự.
Ngược dòng lịch sử, theo những trang tư liệu địa chí Bắc Giang đều có nói về chùa Bát Nhã. Theo đó, chùa nằm trên núi Bát Nhã, ngọn núi do chính các vị cao tăng tu tại đây đặt tên. Chùa ban đầu có nguồn gốc thời Lý - Trần và liên hệ chặt chẽ với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nhà sư trụ trì tại đây theo lối tu luyện khổ hạnh nên đã để lại truyền tích về giếng nước ăn. Truyền rằng: Mỗi ngày giếng chảy nước ra chỉ đủ cho một người ăn. Một ngày nhà sư có khách, nên đã khơi giếng cho nước chảy đủ hai người ăn nên giếng không chảy nữa, thế là chùa không còn người tu hành. Giếng nước trong mát, bên khối đá lớn, trên vách đá này người xưa khắc hai chữ Hán lớn “Thanh Thủy” (chữ ngày nay vẫn còn rõ nét).
Núi Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều, sườn Đông thuộc tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, sườn Tây thuộc tỉnh Bắc Giang. Trên dải ấy có nhiều ngọn núi, địa danh mang tên nhà Phật như: Núi Phật Sơn, núi Bát Nhã, núi Am Vãi, đèo Bụt... Theo cổ nhân, nếu Đông Yên Tử được xem là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, thì Tây Yên Tử chính là con đường hoằng dương, truyền bá, mở mang đạo Phật của vị vua từng rũ bỏ vinh hoa, chuyên tâm tu hành và tạo dựng một dòng Thiền mang bản sắc Việt.
Ở sơn hệ phía Tây núi Yên Tử có nhiều thắng tích nổi tiếng gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đó là: Chùa Vĩnh Nghiêm, khu Am Vãi, Suối Mỡ - Hồ Bấc, Hòn Tháp, Yên Mã… Hầu hết, những di tích có từ thời Lý - Trần (thế kỷ XI đến thế kỷ XIV). Những công trình kiến trúc chùa tháp cổ kính nguy nga một thời đó đã được sử sách ghi lại, đây đều là những ngôi chùa lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Bởi đa phần chùa được xây trên đỉnh núi cao, hẻo lánh, xa dân cư. Theo sự xoay vần của vũ trụ, trước lưỡi hái của thời gian và biến cố lịch sử, giờ đây nhiều Phật đường ấy chỉ còn là phế tích mà chùa Hồ Bấc, Bát Nhã, Mã Yên... là ví dụ.
Thắng tích bên sông Lục - núi Huyền
Miền đất sông Lục – núi Huyền (sông Lục Nam - núi Huyền Đinh) được thiên nhiên ưu ái ban tặng với địa hình có sông núi xen cài từ miền thượng du đến hạ nguồn. Ở đâu có núi là ở đó có sông, suối, phong thủy giao hòa. Con sông Lục Nam hiền hòa được tiếp nhựa sống từ trăm suối, ngàn khe. Giải thích như ông Nguyễn Hữu Phương, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì Bát Nhã là một khái niệm của Phật giáo Đại thừa, có nghĩa là trí tuệ, sự hiểu biết một cách toàn diện.
Tìm hiểu thêm được biết, con người đạt được bát nhã đồng nghĩa với giác ngộ và là một trong những yếu tố quan trọng của Phật quả. Bởi thế bát nhã cũng được xem như sự hiểu biết vô tận. “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh” là một bộ kinh ngắn của Đại Thừa Phật giáo nói về trí tuệ thâm sâu, nhằm đưa chúng sinh vượt qua bể khổ, sông mê sang cõi Niết bàn.
Tại công trường khai quật khảo cổ, ông Nguyễn Ngọc Chất, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chủ trì khai quật kể: Đã thực hiện nhiều đợt khai quật nhưng không ở đâu đặc biệt, đáng nhớ như ở chùa Bát Nhã. Một tháng trời ăn ở trên núi chưa về Hà Nội, trong hoàn cảnh không điện, không sóng điện thoại thì đó quả là những kỷ niệm đáng nhớ. Bởi thế lúc đầu khảo sát tiếp cận địa điểm là một khu rừng rậm rạp um tùm ai cũng nản chí.
Phải mất nhiều ngày phát quang dây leo, cây bụi, xác định vị trí mặt bằng khai quật, rồi dựng lán, căng bạt bên suối, khuân vác dụng cụ, nồi niêu, lương thực, thực phẩm từ dưới lên. Hết giờ làm một số người lại bắt cua núi, hái rau rừng để… cải thiện. Ông Chất bảo: “Đó là chưa kể vào mùa mưa nên tiến độ khai quật bị gián đoạn, nay làm, mai nghỉ, có khi đang ăn cơm nước lũ tràn mạnh qua tưởng như sắp cuốn phăng cả người lẫn lán”.
Sau một tháng miệt mài, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các nhà khoa học đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Theo đánh giá bước đầu của ông Nguyễn Ngọc Chất với diện tích khai quật 170 mét vuông, đoàn khảo cổ đã phát hiện nền móng kiến trúc hai nếp nhà (tiền đường và thượng điện) với một lối lên và một lối xuống độc lập hai bên. Ở đó có nền móng một gian bếp với những vết đất cháy đỏ rực và các hiện vật tìm thấy như bát đĩa, đồ dùng sinh hoạt gần như nằm hết ở gian bếp này. Đối diện bếp là một tăng phòng của nhà sư. Còn dấu vết ống muống không rõ ràng nên chưa thể kết luận công trình có kiến trúc hình chữ công (I).
Chùa nhìn theo hướng Tây Bắc, ở độ cao gần 350m so với mực nước biển. Điều đáng quan tâm là các tài liệu cổ đều viết chùa Bát Nhã có từ thời Trần nhưng qua khai quật dấu tích thời kỳ này khá mờ nhạt, rõ nhất là thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17, 18) và thời Nguyễn (thế kỷ 19) với hai cấp nền mặt bằng rõ nét. Trong đó chiều dài của toà tiền đường thời Lê Trung Hưng 14,8m, rộng 5,8m thế nhưng đến thời Nguyễn bị thu lại còn 12,7m và 4,7m.
Tuy vậy các nhà khảo cổ cho rằng, không bỗng dưng mãi thế kỷ 17 các cụ mới lên đây xây chùa mà trước đã có di tích cổ hơn. Điều này cũng phù hợp với đặc điểm chung ở các ngôi chùa thời Lý - Trần vùng Yên Tử là dựa vào núi, trước mặt hướng ra sông suối lớn, nằm trên đỉnh núi cao, xa khu dân cư (có ý nghĩa quan trọng về quân sự, hơn nữa tư tưởng Phật giáo thời bấy giờ chùa phải ở xa dân và lánh xa cuộc sống trần tục).
Nếu có thể mở rộng khai quật và đào sâu hơn rất có thể sẽ phát lộ dấu tích thời Trần nhờ nghiên cứu địa tầng và tìm thấy hiện vật. Ông Chất bảo: Ngạc nhiên là khai quật được rất nhiều chân tảng đá lớn của cột quân, cột cái, cột hiên song qua nhiều ngày không thấy vật liệu đất nung. Trước đó giả thiết được đặt ra là các cụ xưa vẫn dùng cột gỗ dựng chùa nhưng sử dụng khung tre và cỏ tranh lợp mái. Tuy nhiên gần cuối đợt khai quật thì lại phát hiện một mảnh trang trí bằng rồng xám đen, một mảnh gạch xây và một mảnh ngói. Như vậy là có vật liệu xây dựng gạch, ngói nhưng rất ít và câu hỏi đặt ra là phải chăng nó đã được di chuyển đi đâu hay vẫn nằm sâu dưới lòng đất?.
Cũng hiếm gặp tại các cuộc khảo cổ trước đây, tại chùa Bát Nhã các nhà khảo cổ đã tìm thấy một tảng đá có nhiều lỗ hình tròn bằng đầu ngón tay. Theo nhận định ban đầu có thể đó là một công cụ lấy lửa của các cụ theo phương pháp truyền thống cổ xưa, bởi thời kỳ đó trên này rất hoang vắng, điều kiện khó khăn. Về hiện vật đoàn đã tìm thấy một số mảnh gốm thời Trần, còn lại đa số là gốm men, đồ sành thế kỷ 17 gồm bát, đĩa, đồ thờ.
Chùa Bát Nhã là một trong những điểm thuộc hệ thống chùa, tháp dọc sườn Tây Yên Tử. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang Nguyễn Sĩ Cầm: Đợt khai quật khảo cổ này là cơ sở để nghiên cứu, đánh giá cụ thể giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, đồng thời làm rõ mối liên hệ của di tích này trong hệ thống chùa tháp giai đoạn Lý - Trần trên địa bàn, thu thập tư liệu phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích và Danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương), trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Đồng thời tỉnh Bắc Giang có chủ trương khôi phục, tôn tạo các di tích lịch sử trở thành quần thể kiến trúc thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân, góp phần quảng bá, tạo điểm nhấn cho du lịch. Dự kiến tại khu vực chùa Bát Nhã sẽ được phục dựng một ngôi chùa gỗ, đồng thời giữ nguyên khu nền móng chùa cổ làm bảo tàng ngoài trời.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 5272 Trong tuần: 46150 Trong tháng 297641 Tất cả: 17391197