Đặc sắc hơn, 2 kịch bản của chị đều đã giành giải cao tại Trại sáng tác do Bộ Công an tổ chức năm 2019 và được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao giải năm 2017. Có thể nói, tác phẩm của nhà biên kịch Minh Nguyệt là hiện tượng đáng chú ý, đáng trân trọng trong đời sống sân khấu hiện nay.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với biên kịch Minh Nguyệt để nghe chị trải lòng về những sáng tác đặc sắc này.
PV: Thưa nhà biên kịch Minh Nguyệt, điều gì đã khiến chị, một sĩ quan quân đội lại dành nhiều tình cảm, tâm huyết để viết về người chiến sĩ CAND như thế?
Nhà biên kịch Minh Nguyệt. |
Biên kịch Minh Nguyệt: Có lẽ do cùng công tác trong lực lượng vũ trang nên tôi luôn có sự trân quý khi nhìn thấy cán bộ chiến sĩ Công an. Qua tìm hiểu, tiếp xúc, tôi thấy các cán bộ, chiến sĩ Công an cũng có cuộc sống riêng tư bình dị như tất cả mọi người và có những cảm xúc nghề nghiệp đặc thù. Chính điều ấy đã làm nên đời sống tinh thần phong phú của họ, khơi nguồn cảm hứng cho các tác giả khi xây dựng nhân vật trong tác phẩm, không khó và khô như mọi người vẫn nghĩ.
Tôi rất tâm đắc với nhiệm vụ quan trọng của lực lượng CAND, đó là giữ gìn sự bình yên của nhân dân. Chính vì sự bình yên ấy mà không ít cán bộ chiến sĩ Công an đã thầm lặng hy sinh cuộc sống riêng tư, kể cả tính mạng quý giá của mình để bảo vệ nhân dân. Đó là phẩm chất rất cao quý được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ Công an cũng gặp không ít khó khăn, trắc trở… Những vấn đề ấy đã gợi mở “tính kịch” để các biên kịch khai thác nguồn cảm hứng khi xây dựng nhân vật trong tác phẩm của mình.
PV: Kịch bản “Vụ án Am Bụt Mọc” của chị được 3 đơn vị dựng 3 tác phẩm theo 3 thể loại gồm dân ca kịch, cải lương, kịch nói để tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” năm 2020. Theo chị, vì sao kịch bản này lại được chọn dựng nhiều như thế?
“Vụ án Am Bụt Mọc”, thể loại kịch nói, do NSƯT Bùi Như Lai đạo diễn. |
Biên kịch Minh Nguyệt: Kịch bản “Vụ án Am Bụt Mọc” là 1 trong 3 tác phẩm đạt giải B (không có giải A) Trại sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” năm 2019 của Bộ Công an. Kịch kể về xung đột quan điểm giải quyết vụ án của hai cán bộ Công an. Một bên là vì thành tích của đơn vị mà muốn giải quyết nhanh gọn vụ án, còn một bên thì hết sức thận trọng, trăn trở khi vụ án còn phát sinh tình tiết mới. Sự xung đột giữa các nhân vật đã làm nổi bật lên hình tượng người cán bộ Công an dũng cảm bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, tôn vinh tấm gương tận tụy, tâm huyết với nhân dân. Đồng thời tác phẩm cũng phản ảnh sự hy sinh thầm lặng của không ít cán bộ hình sự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để gìn giữ cuộc sống yên bình của nhân dân.
PV: Còn về kịch bản “Tình bạn và Công lý” thì sao, thưa chị?
Biên kịch Minh Nguyệt: Kịch bản “Tình bạn và Công lý” là tác phẩm đạt giải B của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2017. Chuyện kịch kể về tình cảm của hai người bạn, vốn là đồng đội hết sức thân thiết trong quá trình quân ngũ. Sau khi phục viên, mỗi người lại có những ngả rẽ nghề nghiệp khác nhau. Một người trở thành cán bộ điều tra, một người trở thành giám đốc doanh nghiệp. Họ phải đối diện nhau ở tình thế rất trớ trêu mà buộc người cán bộ điều tra phải lựa chọn giữa tình bạn và công lý. Xung đột kịch diễn tả sự đấu tranh nội tâm sâu sắc và phải chịu tác động không nhỏ của các nhân vật có liên quan. Nhưng công lý đã chiến thắng, dù để lại vết thương trong tình bạn hết sức đau đớn, nhưng đó là sự lựa chọn đúng đắn, không thể khác của một cán bộ điều tra chân chính .
PV: Có quan điểm cho rằng, viết về Công an khó, đòi hỏi người viết có những kiến thức nhất định về pháp luật. Chị có gặp khó khăn trong quá trình sáng tác về đề tài này không?
Biên kịch Minh Nguyệt: Để hoàn thành hai kịch bản, tôi đã nghiên cứu không ít tài liệu pháp luật và tham vấn ý kiến của những cán bộ trong ngành một cách nghiêm túc. Vì vậy, về cơ bản, các kịch bản đều xử lý đúng những tình huống trong thực tế. Tuy nhiên, còn có những vấn đề chưa thật sát vì chính sách, pháp luật ngành khá phong phú. Trong quá trình tổng duyệt, hội đồng nghệ thuật đã bổ khuyết vấn đề này và các đoàn diễn cũng đã tiếp thu, điều chỉnh phù hợp.
PV: Chị thấy các vở diễn dựng theo kịch bản của chị tham dự Liên hoan đã thực sự chuyển tải được đúng nội dung, tư tưởng, ý đồ của tác giả lên sân khấu chưa?
Biên kịch Minh Nguyệt: Qua việc theo dõi các vở diễn trên sân khấu, tôi xin phép được nói một cách dung dị dễ hiểu thế này. Tác giả là người kiến tạo nên "thửa ruộng", còn các đạo diễn là người "canh tác" trên "thửa ruộng" ấy. Có người trồng hoa, có người trồng quả, có người trồng rau… vì thế, chất lượng của vở diễn là sự kết hợp tư tưởng phong phú của đạo diễn và biên kịch… Điều ấy sẽ càng tốt hơn khi họ biết lắng nghe và tôn trọng nhau… Tôi hài lòng với các vở diễn và rất cảm ơn sự làm việc tâm huyết của các đạo diễn và toàn bộ ê kíp của các nhà hát đã tạo nên hình hài tác phẩm khá hoàn chỉnh. Đó thật sự là niềm vui không hề nhỏ.
PV: Theo chị, làm thế nào để tác giả và các đơn vị nghệ thuật dễ tìm được “tiếng nói chung” hơn khi khai thác về lực lượng CAND, về hình tượng người chiến sĩ CAND?
Biên kịch Minh Nguyệt: Thực ra, đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Vì hình tượng người chiến sĩ CAND thì vô cùng phong phú, còn sự lựa chọn của các đơn vị nghệ thuật thì có giới hạn. Để viết trúng chủ đề mà các đơn vị nghệ thuật tâm đắc, có lẽ phần nhiều do may mắn. Nhiều tác giả mong muốn, các đơn vị nghệ thuật thông tin những tiêu chí, chủ đề tác phẩm muốn dàn dựng trong tương lai, để từ đó, biên kịch có thể đáp ứng tốt nhất yêu cầu về tư tưởng tác phẩm.
PV: Trân trọng cảm ơn chị!
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 6195 Trong tuần: 30928 Trong tháng 379899 Tất cả: 16529187