Vở kịch “Người tù trao áo” xây dựng dựa trên câu chuyện về người cán bộ cách mạng trung kiên Vũ Văn Hiếu, Bí thư Khu ủy đầu tiên ở vùng mỏ Quảng Ninh bị bắt giam tại nhà tù Côn Đảo.
Trước lúc hy sinh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung ấy đã trao lại tấm áo duy nhất cho đồng chí Ba Duẩn (Tổng Bí thư Lê Duẩn sau này). Hình ảnh cao đẹp này này đã được khai thác khá nhiều trong văn học, nghệ thuật, kể cả sân khấu kịch nói trong nhiều năm trở lại đây.
Nhiều năm sau đó, vở diễn tiếp tục được các nghệ sĩ, chiến sĩ của Đoàn Kịch nói CAND lưu diễn khắp cả nước, phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân dưới tên gọi “Khát vọng của những linh hồn”.
Thực hiện kế hoạch của Đảng ủy Công an Trung ương về việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng Xuân Canh Tý 2020, những ngày cuối năm 2019, vở diễn được Nhà hát CAND phục hồi, nâng cao. Đây là bản dựng do NSND Lê Hùng, NSND Nguyễn Công Bẩy đạo diễn, kịch bản của NSƯT Bùi Vũ Minh; Trung tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND chỉ đạo nghệ thuật.
Vở kịch bắt đầu bằng bối cảnh của nhà tù Côn Đảo, khu nhà lao được Pháp xây dựng nhằm giam giữ những người tù bị chúng cho là đặc biệt nguy hiểm đối với chế độ thực dân, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” tại Việt Nam ở thế kỷ 20, thời Pháp thuộc.
Người nữ anh hùng trẻ tuổi Võ Thị Sáu (diễn viên Kim Thoa thủ vai) vừa hy sinh. Linh hồn chị thoát xác, gặp linh hồn của người tù cộng sản kiên trung Vũ Văn Hiếu (diễn viên Ngọc Thân).
Từ cuộc đối thoại của 2 linh hốn bất tử ấy, người xem ngược trở về những chặng đường đấu tranh cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của các chiến sĩ cộng sản kiên trung. Ở đó, người chiến sĩ cộng sản trẻ Vũ Văn Hiếu quyết tâm lên đường, theo tiếng gọi của cách mạng, để lại người bạn gái thủy chung chờ đợi ở quê hương.
Những cuộc đấu tranh sục sôi nhưng cũng thấm đẫm máu và nước mắt của nhân dân, đặc biệt là công nhân khu mỏ chống lại sự đàn áp của thực dân Pháp tại khu mỏ Quảng Ninh. sau đó là tại nhà tù Côn Đảo. Bí thư Khu ủy vùng mỏ Vũ Văn Hiếu, bị bắt, giam cầm tại nhà tù Côn Đảo, vẫn sát cánh chiến đấu cùng các đồng chí, đồng đội. Những giây phút cuối của cuộc đời, người cán bộ cộng sản ấy vẫn kiên quyết không ăn quả trứng cầm hơi, nhường lại tất cả cho đồng đội, kể cả tấm áo duy nhất…
Cảnh trong vở “Người tù trao áo” tối ngày 17-1 tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội |
Câu chuyện bi tráng nhưng đậm chất lãng mạn cách mạng ấy đã tạo xúc động cho đông đảo khán giả, các cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CAND, nhân dân Thủ đô Hà Nội, giúp người xem không chỉ hiểu hơn về những cống hiến, hy sinh của một thế hệ chiến sĩ cộng sản tiền bối đã đi vào sử sách như Vũ Văn Hiếu, Lê Duẩn, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Cừ…
Chia sẻ về vở diễn lần này, Trung tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền cho biết: Thông qua câu chuyện của liệt sĩ Vũ Văn Hiếu và anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, vở diễn phần nào tái hiện lại những khó khăn, gian khổ cùng cực của các chiến sĩ cộng sản thế hệ tiền bối trong nhà tù Côn Đảo. Ngục tù, xiềng xích không ngăn được ý chí đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản kiên trung. Họ không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Tinh thần đấu tranh bất khuất, ý chí kiên cường của họ là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau, đặc biệt là các đảng viên hôm nay noi theo. Vở kịch cũng là tấm lòng thành kính của cán bộ, chiến sĩ, nghệ sĩ Nhà hát CAND kính dâng lên các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Côn Đảo nói riêng, trên cả nước nói chung trong những ngày cả nước tiễn năm cũ đi, đón năm mới về, đồng thời hướng đến lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước sắp tới – kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 7826 Trong tuần: 53545 Trong tháng 402530 Tất cả: 16551818