Đưa chuyển đổi số đến với người dân nơi xứ biển
Cập nhật ngày: 6-12-2022
Với mục tiêu đưa chuyển đổi số ngày càng đến gần với người dân hơn, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, thời gian qua Công an tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều việc làm thiết thực hiệu quả trong việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Bạc Liêu là tỉnh đồng bằng ven biển thuộc bán đảo Cà Mau, có diện tích tự nhiên 2.669 km2, với chiều dài bờ biển 56km và vùng đặc quyền kinh tế biển rộng 20.742,4 km2, có ngư trường rộng lớn gần 40.000 km2 với trữ lượng hải sản, đa dạng phong phú về chủng loại, hoạt động khai thác thủy sản diễn ra quanh năm, là điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng các loài thủy sản và phát triển hậu cần nghề cá,… Đây là những điều kiện thuận lợi và là yếu tố quan trọng để Bạc Liêu phát triển kinh tế biển, mở rộng hợp tác quốc tế, bảo vệ vững chắc quốc phòng an ninh. Kinh tế biển là ngành tổng hợp, bao trùm nhiều lĩnh vực, nhiều ngành liên quan mà một tỉnh ven biển như Bạc Liêu hội tụ tương đối đầy đủ. Việc triển khai chuyển đổi số, nền kinh tế số sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế biển phát triển. Vì vậy, việc lực lượng Công an triển khai rộng rãi các dịch vụ công trực tuyến sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho người dân về công tác chuyển đổi số.
Tại huyện Đông Hải, địa phương có ngư trường rộng, với chiều dài bờ biển hơn 23km, gồm hai cửa sông lớn Gành Hào và Cái Cùng thông ra biển và một cảng biển, là địa phương có tiềm năng lớn về khai thác, nuôi trồng thủy sản, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển và vùng ven biển của cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Người dân nơi đây có truyền thống lâu đời gắn bó với biển, để người dân có dịp tiếp cận với chuyển đổi số và các dịch vụ công trực tuyến, Công an thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải đã tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn người dân, đặc biệt là ngư dân thường xuyên đánh bắt xa bờ, bằng cách trực tiếp đến bến cảng hoặc xuống tận các ghe tàu đang neo đậu để tuyên truyền, hướng dẫn về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến. Qua đó giúp cho người dân tiếp cận kịp thời với những thông tin về chuyển đổi số và các dịch vụ công trực tuyến, nhất là cách đăng ký, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử.
Ông Nguyễn Văn Hòa, người dân thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải chia sẻ: làm nghề biển nên tôi thường xuyên phải đi đánh bắt xa bờ, không có nhiều thời gian cập nhật thông tin và tiếp cận với công nghệ, nhưng khi tàu thuyền cặp bến vào bờ, tôi được các anh Công an thị trấn Gành Hào trực tiếp đến tuyên truyền, hướng dẫn cho tôi cài đặt các ứng dụng và sử dụng tài khoản định danh điện tử. Vì vậy, mà tôi cũng am hiểu được cơ bản quy trình khi cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử, từ đó mà tôi có thể hướng dẫn lại cho những người thân trong gia đình và các thành viên trong “Tổ ngư dân tự quản về ANTT trên biển”…
Còn tại xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, một xã ven biển, có diện tích tự nhiên hơn 4.400 ha, có chiều dài bờ biển 4,5km, 04 tuyến kinh thông ra biển, xã có tổng số hơn 2.560 hộ, có hơn 10.734 khẩu. Thế mạnh của xã là nuôi trồng thủy sản, khai thác biển, người dân sinh sống bằng nghề đánh cá, thường xuyên vắng mặt tại địa phương. Để thực hiện có hiệu quả Đề án 06/CP của Chính phủ, Công an xã Vĩnh Hậu đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn công dân đăng ký, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của công dân khi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị sử dụng vào ngày 31/12/2022. Tận dụng những ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần và nhất là thời gian ngư dân đi biển vào bờ, Công an xã Vĩnh Hậu đã phối hợp Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Hòa Bình tổ chức đến tận nhà trao thẻ Căn cước công dân và hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân trên địa bàn xã.
Công an xã Vĩnh Hậu, huyện Hoà Bình hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử
Theo đó, đối với những công dân đã hoàn tất hồ sơ đề nghị cấp Căn cước công dân và số định danh điện tử cá nhân, ngay khi Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự gửi trả thẻ Căn cước công dân, Công an xã Vĩnh Hậu đã tiến hành đến tận nhà để trao cho người dân, đồng thời hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử thông qua cài đặt và sử dụng phần mềm VNeID.
Chị Nguyễn Thị Kim Đoan, người dân ấp 13, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình chia sẻ: “Khi tôi đi làm Căn cước công dân, tôi được các anh Công an hướng dẫn rất là nhiệt tình, làm rất nhanh. Đến khi có thẻ Căn cước công dân, các anh Công an xã không kể ngày nghỉ, đến tận nhà để trao cho tôi, và còn hướng dẫn tôi kích hoạt tài khoản định danh điện tử, tôi cảm thấy rất phấn khởi và hài lòng”.
Trung tá Nguyễn Quốc Khải, Trưởng Công an xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình cho biết: Công an xã tham mưu Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo Tổ công tác Đề án 06/CP của xã, của ấp thành lập các tổ lưu động để đến tận nhà người dân trao trả căn cước công dân cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử”.
Lực lượng Công an đến tận nhà trao trả căn cước công dân cho người dân
ở những địa phương vùng sâu, vùng xa
Với cách làm này, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại của người dân, vừa giúp cho người dân kích hoạt được tài khoản định danh điện tử một cách thuận lợi và dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, từ đó tạo sự đồng thuận và ủng hộ của người dân, tích cực sử dụng các dịch vụ công do ngành Công an cung cấp; qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh./.
Bích Ân - Văn Sum
Các tin khác
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2650 Trong tuần: 15320 Trong tháng 160570 Tất cả: 16309875