Tiếng “kêu cứu” của đất
Cập nhật ngày: 7-09-2022
Đất đai là nguồn tài nguyên có giá trị rất lớn đối với con người và tự nhiên, mặc dù được giao quyền cho người dân quản lý, sử dụng, nhưng để khai thác nguồn tài nguyên này cần phải được sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xuất hiện tình trạng người dân ngang nhiên khai thác, vận chuyển, mua bán đất trái phép. Điều này không chỉ gây mất ANTT địa phương, mà còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và gây cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Khai thác đất trái phép – tăng về số lượng, tinh vi về thủ đoạn
01 xe cuốc, 02 xe ôtô tải chứa đầy đất ruộng là những tang vật Công an huyện Vĩnh Lợi tạm giữ khi bắt quả tang vụ khai thác đất trái phép xảy ra trên địa bàn. Theo đó, khoảng 12 giờ ngày 07/4, Công an huyện Vĩnh Lợi phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Vĩnh Lợi bắt quả tang: Lý Minh Khoa, Phan Văn Mến và Tào Văn Hiền, đang thực hiện hành vi khai thác đất trái phép tại khu đất nông nghiệp trên địa bàn ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi. Làm việc với cơ quan Công an, những người này khai nhận được thuê điều khiển xe cuốc đất chở đi san lấp mặt bằng với tiền công 30.000 đồng/chuyến.
Một khu đất trên địa bàn ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi bị khai thác trái phép
Trước đó, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh cũng bắt quả tang 02 vụ khai thác đất trái phép trên địa bàn ấp Bình Lễ, xã Vĩnh Phú Tây và ấp Phước Thành, xã Phước Long, huyện Phước Long, do Phạm Văn Tân, Lâm Xương, Ngô Văn Cấn, Nguyễn Văn Thường thực hiện. Tại hiện trường, những chiếc máy cuốc liên tục đào bới, múc đất rồi vận chuyển bằng cả đường bộ lẫn đường thủy để đi nơi khác tiêu thụ. Hậu quả để lại là những bãi đất bị đào khoét, xới tung ngổn ngang, thậm chí bị khai thác thành hố lớn.
Chia sẻ với phóng viên về thực trạng này, Thượng tá Mai Văn Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Trước đây tình trạng khai thác đát trái phép tại Bạc Liêu diễn biến khá phức tạp, nhưng lực lượng Công an đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ phối hợp với các ngành, các cấp tăng cường công tác đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán đất trái phép trên địa bàn. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, điều tra 70 vụ, 79 đối tượng liên quan đến hành vi khai thác đất trái phép”.
Cứ nghĩ là đất ruộng nên cuốc đi san lấp, đến khi bị Công an bắt quả tang, Phan Minh Trường mới biết việc làm của mình là trái pháp luật
Không chỉ xảy ra tại các vùng nông thôn, tình trạng khai thác đất trái phép này còn diễn ra ngay tại các khu vực vùng ven thành phố Bạc Liêu, cách trung tâm đô thị chỉ vài kilomet. Thậm chí khi bị lực lượng chức năng bắt quả tang, các một số người mới biết hành vi của mình là trái pháp luật. Điển hình là vụ việc Cảnh sát môi trường Công an tỉnh bắt quả tang gồm: Phan Minh Trường và Sơn Nga, đang thực hiện hành vi khai thác đất trái phép tại bãi đất nằm trên tuyến Tỉnh lộ 38 thuộc địa bàn ấp An Trạch Đông, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu. Làm việc với cơ quan Công an, Phan Minh Trường khai nhận: “Tôi cuốc đất để san lấp mặt bằng tại ao nuôi trồng thủy sản ở ấp Thào Lạng, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu với tiền thuê là 300.000 đồng/ngày. Tôi thấy đất ruộng nên cuốc thuê vậy thôi, chứ cũng không biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật”.
Mặc dù lực lượng Công an đã phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác đấu tranh, xử lý; song, cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập. Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng còn tổ chức khai thác đất trái phép vào cả ban đêm. Theo đó, khoảng 19 giờ ngày 19/3, Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp với Công an thị xã Giá Rai bố trí lực lượng bắt quả tang: Ngô Trí Phương, Phan Hoàng Giang, Trần Hoàng Phúc, Phạm Chí Hữu và Nguyễn Hoàng Hiển, đang thực hiện hành vi khai thác đất trái phép tại bãi đất trên địa bàn ấp 1, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai. Qua điều tra, xác minh, lực lượng Công an xác định bãi đất trên do ông Lâm Thanh An, sinh năm 1975, ngụ Khóm 2, Phường 1, thị xã Giá Rai làm chủ đầu tư; đồng thời, thuê nhóm người trên cuốc đất với tiền công 10 triệu đồng/tháng và chở đất đi san lấp mặt bằng với tiền công 40.000 đồng/chuyến.
Siết chặt công tác quản lý nguồn tài nguyên đất
Hoạt động khai thác đất trái phép tác động rất lớn đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Việc khai thác đất trên bề mặt ruộng lúa, ao nuôi trồng thủy sản không chỉ gây thất thoát tài nguyên đất, làm biến dạng địa hình mà hiện trường nơi đã khai thác đất để lại sẽ không thể sử dụng tiếp tục vào mục đích sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để đối phó với lực lượng chức năng, một số trường hợp còn tổ chức khai thác đất trái phép vào cả ban đêm…
Chia sẻ về tác hại của việc khai thác đất trái phép, Thượng tá Lê Châu Pha, Phó Trưởng Công an thị xã Giá Rai cho biết: “Việc khai thác, vận chuyển, mua bán đất trái phép bên cạnh tác động đến môi trường thì cũng gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT địa phương, nhất là việc vận chuyển đất đi san lấp bằng các xe tải, xe ben sẽ gây khói bụi ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đất rơi vãi trên quốc lộ cũng gây mất trật tự an toàn giao thông…”.
Hoặc ngụy trang thành ghe chở vật liệu xây dựng để vận chuyển bằng đường thủy đi tiêu thụ
Để siết chặt công tác quản lý khai thác nguồn tài nguyên đất, đảm bảo khai thác theo đúng quy hoạch, hiệu quả, tiết kiệm, rất cần sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng như những hậu quả, hệ lụy của hành vi khai thác tài nguyên trái phép. Mọi hành vi khai thác tài nguyên trái phép sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thượng tá Mai Văn Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP, ngày 24/3/2020 của Chính phủ “quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản”; phạt tiền từ 01 triệu đến 50 triệu đồng tùy vào tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm. Đặc biệt, đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản trái phép với quy mô, tính chất, mức độ nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về “Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo Điều 227, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, xử lý góp phần chấm dứt thực trạng đất bị “cắt xẻ” như hiện nay, thì mọi người dân cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên nhiên nhiên, nhất là tài nguyên đất. Hãy nhớ: Bảo vệ đất chính là bảo vệ sự sống con người!
Trọng Nguyễn
Các tin khác
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 2 Hôm nay: 16232 Trong tuần: 84774 Trong tháng 230046 Tất cả: 16379352