Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua mạng
Cập nhật ngày: 27-06-2022
Tạo tài khoản mạng xã hội giả, giả danh lãnh đạo, giả mạo lực lượng Công an, toà án, cán bộ ngân hàng hay đại diện công ty điện lực, công ty của các sàn thương mại điện tử…để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang xuất hiện ngày càng nhiều với thủ đoạn vô cùng tinh vi. Mặc dù lực lượng Công an đã tập trung đấu tranh, xử lý mạnh đối với các đối tượng này nhưng tình trạng này vẫn còn nhiều trường hợp “nhẹ dạ cả tin” của người dân mà sập bẫy các đối tượng.
Công an Bạc Liêu cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mang Internet, bưu chính, viễn thông… để người dân phòng ngừa.
(ảnh minh họa: nguồn Internet)
Tạo tài khoản giả mạo lãnh đạo
Xuất hiện một số trường hợp giả mạo tài khoản Facebook, Zalo, hộp thư điện tử của các đồng chí lãnh đạo, bằng cách thiết lập tài khoản Facebook, zalo, hộp thư điện tử với tên tương tự, hình ảnh đại diện là hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo kết bạn với cán bộ, nhân viên cấp dưới sau đó mạo danh chỉ đạo chuyển tiền phục vụ công việc hoặc vay mượn xử lý việc cá nhân để chiếm đoạt.
Giả mạo lực lượng thực thi pháp luật
Giả mạo lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ việc nghiêm trọng như: mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, lừa đảo xuyên quốc gia; giả danh nhân viên bưu điện thông báo nhận bưu phẩm, nhân viên viễn thông thông báo nợ cước, nhân viên điện lực thông báo nợ tiền điện... Khi nạn nhân trả lời mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến, các đối tượng lừa đảo sẽ khai thác thông tin cá nhân hoặc nói rằng có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của đối tượng.
Giả mạo cán bộ, nhân viên các cơ quan, tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội
Giả mạo nhân viên của sàn thương mại điện tử, trung tâm mua sắm, đài truyền hình, công ty sổ xố... gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng giá trị cao của một chương trình nào đó, thúc giục nạn nhân nếu không thực hiện ngay những yêu cầu đưa ra thì sẽ không có cơ hội nhận được phần thưởng giá trị nữa. Từ đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP gửi về điện thoại hay đưa ra bất kỳ lý do nào khác để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm trộm tiền trong tài khoản; Giả danh ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn, email... chào mời, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng. Các đối tượng thường tiếp cận với nạn nhân bằng cách gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email qua các ứng dụng nhắn tin miễn phí. Sau đó hướng dẫn nạn nhân làm thủ tục vay hoặc mở thẻ tín dụng qua trang web giả mạo ngân hàng; gửi các văn bản giả “xác nhận phê duyệt khoản vay” cho nạn nhân để tạo niềm tin và yêu cầu nạn nhân nộp tiền lệ phí hoặc tiền trả góp đợt đầu vào tài khoản chỉ định rồi chiếm đoạt.
Lừa đảo bằng cách gửi tin nhắn rác vào tài khoản người dùng với nội dung tuyển dụng cộng tác viên, nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà với thu nhập cao. Khi nạn nhân làm theo hướng dẫn trong tin nhắn, các đối tượng sẽ tự xưng là nhân viên tư vấn, tuyển dụng của một công ty nào đó hay giả mạo là nhân viên của sàn thương mại điện tử để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng sau đó chiếm đoạt tiền.
Tự giới thiệu là người nước ngoài, liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân, sau đó đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam; đề nghị nạn nhân nộp các khoản tiền như thuế, phí, cước vận chuyển,... vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để nhận quà.
(ảnh minh họa: nguồn Internet)
Thời gian qua, lực lượng Công an đã chủ động mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; tập trung điều tra, khởi tố, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội... Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo, nhất là tội phạm lừa đảo qua mạng.
Tuy nhiên, để tự bảo vệ mình, hơn ai hết người sử dụng các thiết bị thông minh hoặc mạng xã hội tuyệt đối không bấm vào đường link lạ, không bấm xem các bài viết bị gắn thẻ có chứa đường link độc hại. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, thư điện tử cho người khác nếu chưa xác minh chính xác được người nhận là ai. Khi nhận được tin nhắn của bạn bè, người thân qua mạng xã hội hỏi vay, mượn tiền thì cần gọi điện thoại lại hoặc trực tiếp gặp để xác minh thông tin. Người dân nên tuyên truyền rộng rãi về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng để mọi người cùng biết và phòng tránh.
Khi phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản./.
Bích Ân
Các tin khác
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 13219 Trong tuần: 65 Trong tháng 238583 Tất cả: 17332157