Lập các Facebook có hình ảnh logo của BHXH Việt Nam để lừa đảo
Theo Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, BHXH Việt Nam, thời gian qua, nhiều NLĐ bị lừa đảo số tiền lớn khi truy cập vào các trang mạng xã hội không rõ cơ sở… để nhờ tư vấn giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) của ngành BHXH Việt Nam như: giải quyết chế độ BHXH một lần, chốt sổ BHXH, thoái thu do đóng trùng BHXH, giải quyết chế độ thai sản…
Đáng chú ý, các đối tượng lừa đảo lập các Facebook có hình ảnh logo của BHXH Việt Nam, trong đó có ghi các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn về việc thực hiện các TTHC của ngành BHXH Việt Nam. Khi NLĐ tương tác với Facebook này qua messenger thì đối tượng sẽ tự giới thiệu là nhân viên tư vấn của cơ quan BHXH và hướng dẫn NLĐ tương tác với Fanpage của cá nhân khác chuyên hỗ trợ về các dịch vụ của BHXH.
Một thủ đoạn nữa là, đối tượng lập Fanpage dùng hình ảnh của người khác trên mạng xã hội, thậm chí để tạo sự tin tưởng của NLĐ các đối tượng đã lấy hình ảnh của chủ Fanpage gắn vào hình ảnh CCCD, thay đổi thông tin cho trùng với họ, tên, ngày tháng năm sinh. Ngoài ra, các đối tượng còn cung cấp các số điện thoại giả để NLĐ liên hệ trao đổi thông tin…
Sau khi tương tác với NLĐ qua tin nhắn hoặc gọi điện qua Messenger để biết nhu cầu của NLĐ đang cần thực hiện các TTHC nào của cơ quan BHXH, các đối tượng lừa đảo sẽ tự giới thiệu mình là nhân viên tư vấn của cơ quan BHXH. Sau đó, những đối tượng này yêu cầu NLĐ cung cấp mã số BHXH và mã thẻ CCCD. Sau khi nhận được thông tin của NLĐ (mã số BHXH, chế độ NLĐ đang đề nghị giải quyết…) và gửi cho họ hình ảnh (hình ảnh giả mạo) thể hiện thông tin cá nhân và mức hưởng các chế độ (mức hưởng mà đối tượng lừa đảo đưa ra thường cao hơn thực tế rất nhiều) và tình trạng hồ sơ chưa được giải quyết…Tiếp đến, những đối tượng lừa đảo yêu cầu NLĐ nếu muốn được giải quyết thì cần chi trả phí hồ sơ (mức phí mà bọn chúng đưa ra là 900.000 đồng/hồ sơ cho tất cả các TTHC như cấp sổ BHXH, giải quyết hưởng BHXH một lần, giải quyết chế độ thai sản…).
Nếu NLĐ nào chưa tin tưởng hoặc tỏ ý nghi ngờ, thì những đối tượng này sẽ dùng hình ảnh Fanpage của cơ quan BHXH có dấu tích xanh để tạo lòng tin, hoặc giới thiệu NLĐ vào các nhóm kín của ứng dụng Telegram để trao đổi thông tin. Trong các nhóm kín này, các đối tượng đã tạo niềm tin bằng cách cho đồng bọn gửi tin nhắn có hình ảnh thể hiện hồ sơ được chúng giúp đã được giải quyết xong, kèm theo hình ảnh những hồ sơ được giải quyết thành công…
Khi NLĐ đồng ý nhờ giúp giải quyết, các đối tượng sẽ gửi cho NLĐ những hình ảnh giả mạo, trong đó thể hiện con dấu và chữ ký của lãnh đạo cơ quan BHXH Việt Nam, chứng minh việc cơ quan BHXH đã nhận được hồ sơ… để NLĐ kiểm tra. Sau đó, bọn chúng yêu cầu NLĐ phải đóng phí hồ sơ và ghi cú pháp chuyển tiền theo một nội dung: PHI DV BHXH, TEN NGƯƠI LAO DONG SO DIEN THOẠI hoặc những ký hiệu về SO HO SO BHXH 1234ZYTV…
Sau khi NLĐ chuyển tiền, các đối tượng lập tức thông báo tin nhắn của NLĐ sai cú pháp, rồi yêu cầu NLĐ nộp thêm tiền và ghi đúng lại cú pháp hoặc bọn chúng cho người gọi điện, nhắn tin cho NLĐ giờ giải ngân của hồ sơ sắp hết để yêu cầu đóng thêm tiền Để tạo niềm tin, đối tượng cũng chuyển cho NLĐ một số điện thoại ghi kèm theo tên người và giới thiệu là cán bộ của cơ quan BHXH đang giải quyết hồ sơ để NLĐ liên hệ. Đến khi NLĐ biết mình bị lừa và liên hệ lại, thì đối tượng lập tức khóa các trang cá nhân, chặn số cuộc gọi điện thoại.
BHXH Việt Nam không có hình thức làm dịch vụ các thủ tục hành chính
Theo BHXH Việt Nam, không ít trường hợp NLĐ bị lừa bởi thủ đoạn tinh vi của các đối tượng qua những tin nhắn mạo danh và giấy tờ giả mạo. Điển hình như trường hợp của chị C.T.N.T, trú tại xã Nhân Bình (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Khi chị C.T.N.T truy cập mạng xã hội thì có đối tượng tự xưng là nhân viên BHXH yêu cầu chị chuyển tiền để được giải quyết chế độ thai sản (mã số BHXH của chị T là 3520754xxx).
Theo phản ánh của chị T, chị tham gia đóng BHXH từ tháng 5/2022 tại Công ty CP May xuất khẩu Nhân Bình, đến tháng 1/2023 thì chị sinh con. Chị T. đã nộp hồ sơ cho Công ty để được hưởng chế độ thai sản.
Ngày 5/7/2023, chị T. truy cập mạng xã hội và nhắn tin thông qua Messenger cho tài khoản có tên là Trần Thị Lan - tự giới thiệu là nhân viên BHXH hỗ trợ giải quyết sớm hồ sơ thai sản. Sau đó, đối tượng Lan đã gửi cho chị T. hình ảnh CCCD mang tên Trần Thị Lan (sinh ngày 5/4/1984, quê quán xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; nơi thường trú thôn Đông Khê, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; số CCCD là 030184011834) để tạo lòng tin. Bằng cách thức trên, đối tượng đã lừa chị T. chuyển tổng cộng hơn 30.000.000 đồng vào số tài khoản do đối tượng lừa đảo chỉ định.
Ngoài trường hợp trên, còn một số trường hợp NLĐ bị các đối tượng lừa đảo mất từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi nhờ thực hiện các TTCH của ngành BHXH Việt Nam..
BHXH Việt Nam khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác khi tương tác trên mạng xã hội, để tránh bị đối tượng xấu lợi dụng và lừa đảo; đồng thời khẳng định, BHXH Việt Nam không có hình thức làm dịch vụ các TTHC của bất kỳ lĩnh vực nào cũng như yêu cầu người dân chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân, người dân cần lưu ý về nội dung này.
Trường hợp khi thực hiện các TTHC của ngành BHXH Việt Nam nếu gặp vướng mắc đề nghị liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH địa phương nơi gần nhất, hoặc liên hệ trực tiếp tới Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng (BHXH Việt Nam) qua số hotline: 1900.9068; hoặc số 0243.7899999 (trong giờ hành chính) để được hỗ trợ.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 7512 Trong tuần: 60070 Trong tháng 122203 Tất cả: 17215759