Sáp Tết Nguyên đán, do có nhu cầu vay tiền để trang trải các khoản chi tiêu nên khoảng đầu tháng 12/2022, chị Nguyễn Thị H.G (SN 2001), trú tại phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Quá trình lên mạng Internet để tìm kiếm nguồn vay thì chị này thấy tài khoản Zalo “Nguyễn Đình Chiến” giới thiệu là nhân viên bộ phận phê duyệt của Ngân hàng Á Châu (ACB).
Trao đổi với người này, chị H.G được giới thiệu thủ tục vay đơn giản, nhanh gọn, không cần thế chấp mà chỉ cần cung cấp hình ảnh CCCD nên đã quyết định làm thủ tục vay tiền trực tuyến qua Ngân hàng ACB, với số tiền cần vay 130 triệu đồng. Quá trình sau đó, lấy lý do cần chuyển tiền trước để làm phí dịch vụ hồ sơ giải ngân, phí bảo hiểm, phí bảo lưu hồ sơ… Nguyễn Đình Chiến đã khiến cho chị H.G phải 7 lần chuyển tiền qua số tài khoản mà đối tượng này cung cấp, với số tiền hơn 60 triệu đồng.
Sau khi nhận được số tiền trên, đối tượng đã chặn liên lạc nên chị Nguyễn Thị H.G đã làm đơn trình báo cơ quan Công an. Vào cuộc điều tra, Công an TP Hà Tĩnh đã nhanh chóng làm rõ, tài khoản Zalo nói trên là của Nguyễn Đình Chiến (SN 1994), trú tại xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội.
Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2022 đến nay, Chiến đã cấu kết với Vi Quốc Tùng (SN 1998), trú tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An sử dụng sim rác để tạo lập tài khoản mạng xã hội Zalo, tài khoản ngân hàng mua trôi nổi trên mạng rồi giả danh nhân viên ngân hàng, lừa vay tiền trực tuyến với thủ tục đơn giản, nhanh gọn.
Với thủ đoạn như vậy, hai đối tượng đã thuê chung cư ở căn hộ 5A02, tòa S2.10, khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Hà Nội) để thực hiện hành vi lừa đảo hàng trăm bị hại, chiếm đoạt số tiền gần 1 tỉ đồng. Hiện, Công an TP Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng nói trên về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức vay tiền trực tuyến”.
Cũng thời gian này, ông Lê Văn N. (SN 1968), trú tại thôn Thông Tự, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) nhận được tin nhắn của một người bạn trên Facebook, đề nghị chuyển số tiền 8.668.000 đồng vào số tài khoản Công ty TNHH ZBIZWORLD tại Ngân hàng Quân đội (MB) với nội dung, giới thiệu khách hàng vào Zoom, tham gia chương trình làm giàu trên Internet cùng ZBIZWORLD.
Do là chỗ bạn bè thân thiết, ông N. không mảy may nghi ngờ, ngày 29/12/2022 đã mang tiền tiết kiệm đến Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Đức Thọ để chuyển vào tài khoản. Quá trình làm thủ tục, cán bộ ngân hàng Lê Thị Thanh Nga đã phát hiện dấu hiệu lừa đảo nên không làm thủ tục. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của giao dịch viên này, ông N. gọi điện cho bạn thì mới biết, Facebook của người này đã bị hack, chiếm đoạt mất quyền truy cập từ nhiều ngày qua.
Cũng với thủ đoạn tương tự, trước đó chị Đặng Thị H. (SN 1976), trú tại xã Đức Hương, huyện Vũ Quang sau khi nhận được tin nhắn qua Facebook của con trai nhờ mẹ chuyển 60 triệu đồng vào tài khoản của một người bạn, chị này đã gom tiền mang đến ngân hàng để làm thủ tục thì được cán bộ tại Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Vũ Quang phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Liên lạc với con trai, chị H. mới biết có đối tượng đã mạo danh Facebook của con trai chị để nhắn tin nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt, cuối tháng 12/2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phá thành công đường dây lừa đảo bằng hình thức giả danh nhân viên ngân hàng cho vay tiền qua mạng Internet quy mô lớn, qua đó khởi tố 10 đối tượng trú tại các địa bàn Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh và Thái Nguyên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là sử dụng tài khoản Facebook ảo đăng bài, đăng bình luận quảng cáo, kêu gọi cho vay tiền với lãi suất thấp, không cần thế chấp tài sản, thủ tục nhanh gọn và để lại thông tin số điện thoại rác để khách hàng liên hệ qua Zalo. Khi khách hàng có nhu cầu vay tiền liên hệ, các đối tượng sẽ sử dụng điện thoai có chức năng chuyển đổi giọng nói, giả danh nhân viên ngân hàng tư vấn các gói vay, thời hạn, lãi suất, hình thức vay và đưa ra các thông tin gian dối nhằm tạo lòng tin cho người vay. Đồng thời, yêu cầu người vay phải đóng các khoản phí thẩm định hồ sơ, phí bảo hiểm vay vào tài khoản ngân hàng không chính chủ do đối tượng cung cấp …
Khi người khách hàng đã chuyển các khoản phí nêu trên thì các đối tượng chặn thông tin liên lạc và chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn này, ổ nhóm này đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm bị hại trên khắp cả nước, với số tiền chiến đoạt hàng tỷ đồng.
Thực tế trong thời gian gần đây, nhất là những ngày cận Tết Nguyên đán, gia tăng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, trong đó tập trung vào giao dịch ngân hàng điện tử. Phần lớn các nạn nhân của thủ đoạn này đều sử dụng dịch vụ internet Banking, có sẵn tiền trong tài khoản nên khi bị dụ dỗ, thường ngay lập tức chuyển khoản và lúc này, việc lấy lại số tiền đã mất là hoàn toàn không thể.
Ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Giám đốc Viettinbank chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: Một số phương thức, thủ đoạn mà tội phạm thường sử dụng hiện nay là giả mạo nhân viên ngân hàng mời chào các khoản vay, dụ dỗ nạn nhân phải đóng phí để chiếm đoạt tài sản; chiếm đoạt quyền truy cập tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook rồi mạo danh để may mượn, nhờ chuyển tiền; thông báo hình thức trúng thưởng, nhận quà từ nước ngoài…
Gần đây, xuất hiện thủ đoạn các đối tượng gọi điện tự nhận là người chuyển nhầm tiền vào tài khoản nạn nhân, đồng thời kết bạn Zalo, Facebook rồi gửi đường link giả với lý do xin lại tiền rồi dẫn dụ cung cấp thông tin bảo mật để chiếm đoạt tài sản.
Để bảo vệ khách hàng trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngành ngân hàng đã tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao tính bảo mật khi triển khai ngân hàng số điện tử; phối hợp với các ngành chức năng phục vụ công tác điều tra khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo; thường xuyên hướng dẫn khách hàng phương thức giao dịch an toàn và khuyến cáo khách hàng bảo vệ an toàn trong quá trình giao dịch.
Trong khi đó, theo Thượng tá Nguyễn Trường Diệu - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hà Tĩnh, thì để không trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo núp bóng không gian mạng trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, người dân cần hạn chế công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội.
Tuyệt đối không tùy tiện cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại, mật khẩu đăng nhập các ứng dụng… cho bất kỳ ai nếu không có mối quan hệ. Khi được yêu cầu chuyển tiền, cần xác nhận trước với người quen và hạn chế chuyển tiền vào số tài khoản lạ. Tuyệt đối không tham gia vào các sàn giao dịch điện tử mà không biết rõ nguồn gốc, khi nhận được các đường link lạ qua mạng xã hội, tuyệt đối không đăng nhập vào.
Khi có người gọi điện thoại thông báo hành vi vi phạm pháp luật thông qua điện thoại cần nâng cao cảnh giác, vì các cơ quan tư pháp đều không làm việc thông qua gọi điện thoại. Sau cùng, theo Thượng tá Diệu, người dân không nên vay tiền qua các ứng dựng hoặc các trang website, rất dễ bị dụ dỗ đến các đường dây lừa đảo khiến tiền mất, Tết chẳng còn vui.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1492 Trong tuần: 864 Trong tháng 130255 Tất cả: 17223810