Trước đó, vào ngày 5/8, khách hàng Trần Thị P. (trú tại xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo) đến Agribank chi nhánh huyện Vĩnh Bảo để yêu cầu chuyển 13 triệu đồng vào tài khoản có tên H.P.T, mở tại SHB. Trong quá trình xử lý giao dịch chuyển tiền, khách hàng liên tục nhận các cuộc điện thoại hối thúc việc chuyển tiền.
Nhận định đây có thể là kiểu lừa đảo của bọn tội phạm nhằm chiếm đoạt tài sản, giao dịch viên với tinh thần trách nhiệm và cảnh giác cao đã thuyết phục chị Trần Thị P. chia sẻ sự việc.
Khách hàng Trần Thị P. cho biết, từ hình thức kết bạn qua Facebook, khách hàng được đối tượng hứa hẹn tặng quà có giá trị lớn từ nước ngoài. Sau đó, đối tượng yêu cầu người nhận quà chuyển tiền phí hải quan 13 triệu đồng để làm thủ tục nhận hàng...
Khi được tư vấn, khách hàng Trần Thị P. đã hiểu ra hành vi lừa đảo qua mạng của đối tượng, và không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng.
Cũng theo Công an TP Hải Phòng, thời gian qua trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều vụ việc khách hàng bị mất tiền vì sa bẫy những đối tượng lừa đảo trên mạng. Xâu chuỗi từ các vụ việc, Công an TP đã cảnh báo 8 thủ đoạn phổ biến mà các đối tượng thường thực hiện, thông báo rộng rãi tới toàn bộ người dân.
Cụ thể là các thủ đoạn: Giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn và yêu cầu mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp; giả danh cán bộ Ngân hàng thông báo bị hại có người chuyển tiền vào tải khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được nên yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra, sau đó truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại; giả danh Công an, Tòa án thông báo người dân có liên quan đến vi phạm pháp luật, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra.
Cùng với đó là lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, lừa bị hại tham gia các chương trình rồi tìm cách chiếm đoạt tài sản khi có cơ hội; thông qua các sàn giao dịch trên mạng, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ cho ngừng hoạt động (sập sàn) để chiếm đoạt tiền người tham gia; sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của các lãnh đạo các cơ quan chính quyền, đoàn thể... để thiết lập tài khoản mạng xã hội, kết bạn và sau đó nhắn tin trao đổi vay, mượn tiền của bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cấp dưới... để chiếm đoạt.
Một trong những thủ đoạn phổ biến khác là cho vay tiền qua app (vay tiền online) làm mồi nhử, tiếp đó lừa đảo bị hại bằng nhiều hình thức giao dịch tùy theo mức độ nhẹ dạ cả tin của bị hại. Đồng thời lợi dụng tình hình dịch bệnh, các đối tượng tạo các tài khoản mạng xã hội để đăng bán các dụng cụ, thiết bị y tế chống dịch... và chiếm đoạt tiền đặt cọc, hoặc tiền thanh toán số tiền theo thỏa thuận.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2050 Trong tuần: 37627 Trong tháng 386605 Tất cả: 16535895