Chỉ cần nhập từ khóa "giấy khám sức khỏe" trên Google, chưa đầy 1 giây sau đã ra hàng chục triệu kết quả tìm kiếm đối với từ khóa này. Tương tự như vậy, nếu bạn là người có nhu cầu làm văn bằng, chứng chỉ giả; sổ đỏ giả; thậm chí là căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ khẩu giả để xuất khẩu lao động; tín chấp ngân hàng cũng có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng. Thử nhấp chuột vào một đường link, chúng tôi thấy các đối tượng ngang nhiên mời chào, rao bán giấy khám sức khỏe trên mạng xã hội chỉ với giá từ 50 đến 150 ngàn đồng...!
Báo động về tình trạng mua bán giấy tờ giả
Trong vai người có nhu cầu mua một tờ giấy khám sức khỏe để làm giấy phép lái xe, tôi đã vào một website được thiết kế khá chuyên nghiệp. Trong website này có ghi chi tiết từng loại giấy khám sức khỏe, bao gồm loại mẫu cũ 1 trang dùng để xin việc, giá 50.000đ/1 tờ; loại 4 trang không đóng dấu giáp lai ảnh 100.000đ/1 tờ và 4 trang giáp lai, có ảnh theo mẫu Thông tư số 14/2013 của Bộ Y tế, giá 150.000đ/1 tờ. Nếu người nào cần thêm thông tin thì có thể gọi điện, hoặc nhắn tin qua zalo theo số máy được ghi trên website.
Giao diện một số website công khai bán giấy tờ giả trên mạng. |
Tôi đã nhắn tin để hỏi cụ thể hơn thì được biết, người có nhu cầu lấy giấy khám sức khỏe chỉ cần gửi thông tin qua tin nhắn: họ và tên, ngày tháng năm sinh là đủ; các thông tin còn lại do họ tự điền; thậm chí họ cũng không yêu cầu cung cấp thông tin chiều cao, cân nặng...!? Giấy khám sức khỏe sau khi làm xong sẽ được chuyển tận nơi cho người có nhu cầu với chi phí vận chuyển trong nội thành từ 20 đến 25.000đ. Trên website còn ghi, nếu làm với số lượng lớn cho cơ quan, doanh nghiệp thì sẽ có mức giá rẻ hơn?
Giả vờ xin được xem tận mắt con dấu đóng trên giấy khám sức khỏe để xác định có phải là cơ sở khám chữa bệnh cấp tỉnh hay không? Tôi được đối tượng bán gửi cho một số bản ảnh chụp tờ giấy khám sức khỏe của một số người đã mua trước, thì được biết, con dấu ghi trên tờ giấy khám sức khỏe là của Công ty cổ phần Bệnh viện G, nhập nhèm tên gọi của một bệnh viện cấp ngành?
Song, dù con dấu đó có phải là của Công ty cổ phần Bệnh viện G hay do đối tượng làm giả con dấu của công ty này đóng vào, thì việc bán khống giấy khám sức khỏe cũng đã là hành vi làm giả.
Không để đối tượng làm giả có "đất sống"
Qua công tác nắm tình hình, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đã đưa vào "tầm ngắm" một đối tượng rao mời công khai mua bán giấy tờ giả trên mạng xã hội. Ngày 15-5, tổ công tác đã bắt quả tang Trần Nguyên Đức, ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội khi đối tượng này đang cầm một con dấu cũng nhiều bộ hồ sơ như đơn xin việc, hợp đồng lao động, hộ khẩu... đi giao cho người mua tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.
Tất cả những giấy tờ này đều là giả. Đức khai có đồng phạm là Trần Quang Hoàng, trú tại quận Bắc Từ Liêm. Khám xét căn phòng của Hoàng, Công an quận Hoàn Kiếm đã thu giữ nhiều máy móc, thiết bị, con dấu dùng để làm giả.
Trong một diễn biến khác, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội cũng vừa triệt phá một nhóm đối tượng làm giả giấy tờ, chứng minh nhân dân, hộ khẩu để lừa đảo tín chấp ngân hàng chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Đào Mỹ Linh, trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội; Nguyễn Phú Đạt, trú tại thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình và Phạm Thu Diệu, trú tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Quá trình điều tra xác định, Diệu từ một đối tượng đi vay tín chấp ngân hàng nhưng không đủ điều kiện nên qua đó đã nắm bắt được sơ hở của một số ngân hàng trong việc làm thẻ tín chấp.
Do vậy, Diệu đã đứng ra cấu kết với một số đối tượng để làm giả giấy tờ như hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hợp đồng lao động... để cung cấp cho một số "đối tác" có nhu cầu vay tiền. Mỗi một bố giấy tờ làm giả để vay tín chấp ngân hàng, Diệu kiếm được từ 30 đến 50 triệu đồng. Đối tượng sử dụng bộ hồ sơ giả để vay tiền sẽ chiếm đoạt được từ 600 đến 800 triệu đồng của ngân hàng...
Tại cơ quan công an các đối tượng khai báo giá cả mua hộ khẩu giả tùy theo từng tỉnh, thành phố khác nhau giá từ vài triệu đến 9 triệu đồng một sổ hộ khẩu giả. Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đang mở rộng điều tra để làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan.
Trước đó, Công an huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thị Oanh, trú tại thị trấn Dương, huyện Phú Quốc để điều tra làm rõ hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Oanh đã lên mạng xã hội, đặt làm "sổ đỏ" giả, thông tin trên sổ là một số mảnh đất mà công ty bất động sản đang rao bán. Sau đó, sử dụng "sổ đỏ" giả thế chấp tại hiệu cầm đồ để vay tiền. Bằng cách này, từ tháng 3/2019 đến tháng 12/2019, Oanh đã sử dụng 12 "sổ đỏ" giả để chiếm đoạt trên 2,8 tỷ đồng.
Theo chúng tôi, dù lực lượng công an có cố gắng phát hiện, triệt phá các ổ nhóm làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức cũng không thể "xóa sổ" tận gốc vấn nạn này nếu không có sự chung sức của toàn xã hội.
Ngoài việc sử dụng các giấy tờ giả như "sổ đỏ" đem đi cầm cố, khi bị phát hiện sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng; sử dụng văn bằng giả để xin việc làm hoặc để thăng tiến, khi bị phát hiện cũng sẽ bị đuổi việc, kỷ luật, cắt chức... Thì với những giấy tờ giả mà chúng ta tưởng như "vô hại" như giấy khám sức khỏe, nếu sử dụng cũng đã tiếp tay cho các đối tượng làm giả và cũng có thể, vì một tờ giấy khám sức khỏe giả mà gây ra hậu quả khôn lường trong tương lai.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị người dân hãy nói không với giấy tờ giả, để xây dựng một xã hội văn minh, không tạo điều kiện "nuôi sống" những đối tượng làm giả giấy tờ của cơ quan, nhà nước. Đó cũng là cách để chúng ta tôn trọng thành quả của những người học thật, thi thật, có tài thật và thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của bản thân mình.
Sắp tới, Quốc hội đang xem xét đề xuất bỏ quyển sổ hộ khẩu, quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Nếu làm được việc này sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng để các cơ quan, ngân hàng đối chiếu, tránh tình trạng làm giả như một số vụ đã xảy ra nêu trên.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 4358 Trong tuần: 29 Trong tháng 133123 Tất cả: 17226677