Ngày 25/2, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã khởi tố 4 bị can: Lê Minh Đức (SN 1996, ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh), Lê Hồng Công (SN 1990, ngụ tỉnh Gia Lai), Lê Phước Hưng (SN 1996, ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh), Đỗ Hương Dung (SN 1991, ngụ tỉnh Gia Lai) cùng về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Các bị can Đức, Công bị bắt tạm giam; các bị can Hưng, Dung được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Liên quan đến vụ án này, trước đó Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt giam Lê Tiến Danh (SN 1992, ngụ quận Bình Thạnh, cầm đầu đường dây lừa đảo), Lê Thanh Hiền (SN 1996, ngụ quận Gò Vấp), Lê Trọng Nghĩa (em ruột Danh, SN 1994, ngụ quận 7) với cùng tội danh trên.
Quá trình điều tra được biết, từ năm 2018 đến nay, một Ngân hàng TMCP (gọi ngân hàng A) và một Công ty tài chính (gọi Công ty tài chính B) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhận được nhiều đơn khiếu nại của khách hàng về việc họ không có vay tiêu dùng tại công ty tài chính B nhưng bị Ngân hàng A và công ty tài chính B thông báo yêu cầu thanh toán nợ vay, hoặc họ chưa nhận được tiền vay thì đã bị chiếm đoạt.
Kết quả điều tra ban đầu, xác định: Nhóm tội phạm do Lê Tiến Danh chủ mưu đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Bằng nhiều cách, Lê Tiến Danh và đồng bọn có được USER đăng nhập vào hệ thống FinOne hoặc SaigonPPo (hệ thống lưu trữ thông tin khách hàng) của Công ty tài chính B và nắm được các dữ liệu thông tin khách hàng của công ty này.
Với việc đăng nhập vào hệ thống này, bọn chúng lấy được 2 nguồn thông tin của khách hàng, sau đó, Lê Tiến Danh tổ chức cho đồng bọn giả danh nhân viên công ty tài chính B và ngân hàng A, gọi điện thoại đến khách hàng, chủ động đọc đầy đủ tên, năm sinh, chỗ ở, CMND, tài khoản, khoản vay của khách hàng...
Mục đích để khách hàng tin đó chính là nhân viên thật của công ty tài chính và ngân hàng, từ đó khách hàng sẽ đồng ý cho chúng hỗ trợ giải ngân nhanh.
Có được mã OTP, chúng chuyển tiền vay của khách hàng bằng Internet Banking đến 55/185 tài khoản mạo danh rồi rút ra chiếm đoạt.
Nguồn thứ 2, đó là những khách hàng bị công ty tài chính B không duyệt cho vay. Với nguồn này, Lê Tiến Danh chuyển các thông tin cá nhân của các khách hàng cho Lê Minh Đức, để Đức cung cấp cho Lê Thanh Hiền, Lê Phước Hưng, Đỗ Hương Dung để cùng giả danh nhân viên công ty tài chính B, gọi điện thoại cho khách hàng với lý do hỗ trợ vay vốn.
Cũng để tạo niềm tin cho khách hàng, bọn chúng cũng chủ động đọc các thông tin vay trước đây của khách hàng, nếu khách hàng đồng ý vay thì cung cấp lại các thông tin cá nhân, số tài khoản, để lập hồ sơ vay. Nếu khách hàng chưa có tài khoản tại Ngân hàng A thì chúng yêu cầu tự mở tài khoản tại ngân hàng A nhưng không đăng ký Internet Banking.
Các thông tin cá nhân, số tài khoản, thu được từ khách hàng đồng ý vay, sẽ được giao về một “đầu mối” do Đức xử lý. Tiếp theo, Đức lập hồ sơ vay bằng cách giả chữ ký, chữ viết khách hàng, mỗi hồ sơ vay bọn chúng liên kết tối thiểu với 3 số điện thoại khuyến mãi (do Danh và Đức mua sẵn) và chọn hình thức giải ngân qua tài khoản ngân hàng A của khách hàng.
Khi hồ sơ đến giai đoạn thẩm định, chuyên viên công ty tài chính B gọi đến các số điện thoại trên hồ sơ thì ngay lập tức Danh yêu cầu Hưng, Đức, Công, Dung, Hiền đóng giả khách hàng và người tham chiếu để trả lời thẩm định.
Khi hồ sơ đạt yêu cầu, công ty tài chính giải ngân vào tài khoản khách hàng thì Đức can thiệp vào tài khoản ngân hàng A của khách hàng, đưa ra các thông tin gian dối, để yêu cầu khách hàng cung cấp mã xác thực OTP và chuyển tiền đến 55/185 tài khoản mạo danh khác do Danh quản lý, sử dụng, sau đó rút ra chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Bằng thủ đoạn này, đến nay xác định có 49 trường hợp khách hàng có vay bị chiếm đoạt số tiền gần 1,9 tỷ đồng và 26 trường hợp khách hàng không vay nên công ty tài chính bị chiếm đoạt số tiền 410 triệu đồng. Tổng cộng số tiền bị chiếm đoạt gần 2,3 tỷ đồng.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 9607 Trong tuần: 68 Trong tháng 138377 Tất cả: 17231936