Thời gian qua, có không ít đối tượng tội phạm đã lợi dụng các nguồn thông tin tuyển dụng lao động đến với các địa phương miền núi còn nhiều hạn chế, cũng như trình độ học vấn, khả năng nhận thức xã hội của một số bà con các dân tộc thiểu số còn thấp, nên đã cò mồi, lừa đảo việc làm để trục lợi.
Ở xã biên giới A Vao, huyện miền núi Đakrông, Quảng Trị, đã có hơn 20 thanh niên đã bị bọn lừa đảo đưa vào các bãi vàng ở tỉnh Quảng Nam để làm việc khổ sai…
Sáng 7-5, chính quyền, cơ quan chức năng xã A Vao và huyện Đakrông đã tổ chức buổi họp dân, thông báo chính thức sự việc hơn 20 thanh niên ở xã này bị lừa đảo lao động, làm việc khổ sai tại các hầm vàng của huyện miền núi Phước Sơn, Quảng Nam.
Cuộc họp đã thông tin, tuyên truyền cho người dân về các thủ đoạn của đối tượng lừa đảo, cò mồi lao động, nhằm giúp bà con nêu cao cảnh giác, kịp thời phối hợp với lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý đối tượng phạm tội.
Vào đầu tháng 3-2018, có 2 đối tượng lạ mặt, ăn mặc lịch sự, đến hỏi thăm một số người dân ở A Vao về nhu cầu việc làm. Sau đó, bọn chúng mời một số thanh niên ở đây ra khu vực thị tứ Tà Rụt, cách xã A Vao chừng 8km để ăn nhậu.
Trong lúc ăn nhậu, 2 đối tượng gợi ý và hứa hẹn cho họ một công việc nhẹ nhàng, lương cao và ổn định nếu chấp thuận vào huyện Phước Sơn.
Tin lời mật ngọt, hơn 20 thanh niên ở A Vao và xã Tà Rụt đã ký tên, điểm chỉ vào những tờ đơn xin việc do các đối tượng soạn sẵn. Đến sáng sớm hôm sau, họ lên xe khách cùng với 2 đối tượng này vào trụ sở Công ty TNHH Phước Minh tại thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn để nhận việc làm.
Nhưng thực tế không như lời hứa hẹn của các đối tượng, tất cả họ đều bị ép buộc làm việc khổ sai tại các hầm vàng sâu hun hút, tối tăm và ngột ngạt. Khi họ không chịu đựng được sự cực khổ và có ý muốn xin về thì bị đánh đập, đối xử rất tàn nhẫn.
Vượt quá sự chịu đựng, trưa 12-4, một nhóm 13 lao động ở đây đã tổ chức bỏ trốn. Họ chạy thục mạng ra khỏi bãi vàng, trốn sự truy đuổi gắt gao của các đối tượng quản lý, bảo kê. Họ chạy bằng chân trần và sau đó bị lạc nhau trong rừng, phải ăn lá cây, uống nước suối cầm cự qua nhiều ngày.
Điều may mắn, đến ngày thứ 3, một thanh niên trong số họ đã điện thoại được gia đình ở A Vao và người thân của em liền cấp báo sự việc với Đồn Biên phòng La Lay đóng trên địa bàn. Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Trị đã tổ chức lực lượng vào tới các khu vực rừng núi của huyện Phước Sơn giải cứu, đưa được 10 thanh niên về an toàn.
Riêng Hồ Văn Tài (18 tuổi, xã Tà Rụt), bị lạc trong rừng, đi lang thang đến 8 ngày sau mới tìm về được quê nhà. Hồ Cu Đan (41 tuổi, cũng xã Tà Rụt) bị khuyết tật cẳng chân nên chạy chậm, đã bị bọn chúng bắt lại và đánh đập đến ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của những người tốt xung quanh, anh này mới được giải cứu về quê…
Một số thanh niên xã A Vao và Tà Rụt được giải cứu khỏi các hầm vàng ở Phước Sơn, Quảng Nam. |
Theo Phòng LĐ,TB&XH huyện Đakrông, tình trạng lao động là người các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, nhất là những vùng xa xôi hẻo lánh, địa hình rừng núi hiểm trở bị chia cắt với bên ngoài, bị các đối tượng tìm đến hứa hẹn việc làm, nhưng thực tế sau đó ép buộc họ phải làm việc khổ sai, không phải là hiếm và lần đầu.
Tháng 5-2010, trên địa bàn huyện từng xảy ra một vụ việc tương tự, 14 thanh niên ở 2 xã vùng sâu là A Ngo và A Bung đã bỏ bản đi một cách bí ẩn.
Qua một thời gian dài, vợ con, người thân trong gia đình họ đi tìm kiếm khắp nơi mà không thấy. Mãi tới 3 tháng sau, từ một cuộc gọi điện thoại cầu cứu của một trong số 14 thanh niên này về cơ quan Công an, họ sau đó mới được giải cứu khỏi sự ép buộc lao động cực nhọc tại một địa phương ở tỉnh Lâm Đồng.
Trước vấn nạn cò mồi, lừa đảo lao động ở miền núi, Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Trị chia sẻ: “Với vai trò quản lý tuyến biên giới, Bộ chỉ huy đã yêu cầu các đồn Biên phòng tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu và không nghe theo những lời dụ dỗ ngon ngọt của các đối tượng cò việc làm khi chưa biết rõ người đó là ai và địa điểm lao động mà mình sẽ đến.Việc chúng tôi giải cứu 11 lao động ở hầm vàng Phước Sơn vừa rồi là nỗ lực lớn nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế bắt buộc, chứ không phải là lối ra cho câu chuyện này”.
Ông Lê Văn Trắc, Trưởng phòng Việc làm- an toàn lao động thuộc Sở LĐ,TB&XH Quảng Trị cũng có không ít trăn trở: “Nhiều trường hợp doanh nghiệp tư nhân không tuân thủ phép tắc, họ tự tìm về địa phương, gặp gỡ người dân rồi tự thỏa thuận lao động. Trong khi đó, cơ quan chức năng không thể nào nắm bắt, quán xuyến hết được các sự việc có liên quan”.
Theo số liệu của Sở LĐ,TB&XH Quảng Trị, trong năm 2017, đơn vị đã tổ chức được 16 lớp dạy nghề (chủ yếu dạy kỹ thuật xây dựng, dạy làm chổi đót, dệt thổ cẩm và các nghề nông nghiệp như trồng hoa, trồng dưa dấu, nuôi gia súc gia cầm…) cho 456 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa, Quảng Trị.
Năm 2018, bằng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đơn vị dự kiến sẽ mở 22 lớp dạy nghề cho 550 lao động miền núi Đakrông và Hướng Hóa.
Những lao động này khi đi học được miễn học phí, được hưởng tiền ăn trưa mỗi ngày 30.000 đồng/người. Những việc làm thiết thực trên của cơ quan chức năng không ngoài mục đích giảm thiểu tình trạng người lao động ở miền núi thiếu việc làm dễ dẫn đến bị đối tượng xấu lừa đảo.
Theo http://cand.com.vn/
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 8534 Trong tuần: 69395 Trong tháng 220330 Tất cả: 17313890