Cẩn trọng với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng
Cập nhật ngày: 24-02-2025
Thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm lừa đảo trực tuyến qua không gian mạng diễn ra hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, hiện đại gây thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và đời sống Nhân dân.
.jpg)
Ảnh minh họa
Theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia năm 2024, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì sẽ có 01 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng và đang có chiều hướng gia tăng trong năm 2025.
Dưới đây là một số phương thức, thủ đoạn phổ biến của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
1. Giả mạo cơ quan chức năng gọi điện thông tin điều tra vụ việc, vụ án
Các đối tượng giả danh cán bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm sát… gọi điện để thông tin đến chủ thuê bao đó có liên quan đến các vụ việc, vụ án đang được điều tra, làm rõ. Với phương thức, thủ đoạn trên, các đối tượng tiến hành khai thác thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp với lý do phục vụ công tác điều tra, sau đó chiếm đoạt.
2. Thông báo trúng thưởng tiền, tài sản có giá trị cao
Đối tượng gọi điện trực tiếp hoặc gửi tin nhắn đến số thuê bao của người bị hại thông báo trúng thưởng xe máy, ti vi, điện thoại hoặc tiền mặt trên danh nghĩa của một công ty, tổ chức nào đó. Sau đó, đối tượng yêu cầu người bị hại chuyển tiền để làm thủ tục nhận thưởng và chiếm đoạt.
3. Chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội nhắn tin để mượn tiền
Có thể, đây là hình thức lừa đảo đã không còn mới mẻ với nhiều người nhưng vẫn được các đối tượng sử dụng phổ biến trong giai đoạn hiện nay. Các đối tượng lợi dụng việc đánh cắp thông tin cá nhân, sau đó chiếm đoạt các tài khoản Facebook, Zalo, Telegram… rồi nhắn tin bạn bè, người thân của nạn nhân để mượn tiền với mục đích chiếm đoạt tài sản.
4. Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng
Các đối tượng cố ý chuyển một khoản tiền nhất định nào đó vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân và mặc định đó là khoản vay với lãi suất rất cao, sau đó các đối tượng liên hệ yêu cầu chủ tài khoản trả lại tiền kèm theo lãi suất. Nếu nạn nhân không trả, chúng sẽ liên tục gọi điện quấy rối, đe dọa buộc trả cả tiền gốc và lãi cho chúng.
5. Gọi điện thông báo khóa sim
Các đối tượng mạo danh lực lượng chức năng hoặc nhân viên viễn thông để gọi điện thông báo chủ thuê bao di động sẽ bị khóa với lý do như sai thông tin thuê bao hoặc vi phạm hành chính trên lĩnh vực viễn thông, an toàn thông tin. Sau đó, các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và thực hiện các bước tiếp theo để kiểm soát tài khoản, chiếm đoạt tiền trong ví điện tử, tài khoản ngân hàng.
6. Thực hiện cuộc gọi video sử dụng phần mềm Deepface, Deepvoice
Deepfake, Deepvoice là những công nghệ ứng dụng AI để tạo ra video, hình ảnh, âm thanh giả mạo giống như thật khiến người dùng khó phân biệt. Lợi dụng các công nghệ mới Deepface, Deepvoice và các công cụ AI khác, nhiều nhóm đối tượng đã tạo ra những video, hình ảnh, âm thanh sao chép chân thực hình ảnh, giọng nói của lực lượng chức năng, người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi video thay vì cuộc gọi thoại thông thường nhằm củng cố sự tin tưởng của nạn nhân với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
7. Mạo danh nhân viên các công ty tài chính, ngân hàng
Một số đối tượng mạo danh là nhân viên các công ty tài chính, nhân viên ngân hàng và tiến hành tạo lập các website, ứng dụng với các lời chào mời hấp dẫn (lãi suất đặc biệt thấp; hồ sơ, thủ tục vay đơn giản; vay không cần thế chấp…). Sau đó, các đối tượng tìm kiếm, lôi kéo, dụ dỗ người vay cung cấp thông tin cá nhân (họ và tên, số điện thoại, CCCD...) để phục vụ làm hồ sơ vay. Sau khi dụ dỗ người vay chuyển tiền phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt các khoản vay, các đối tượng tiếp tục viện các lý do khoản vay không được giải ngân do lỗi khai hồ sơ và yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay tiếp tục được thực hiện. Khi người vay chuyển thêm tiền vào số tài khoản do các đối tượng cung cấp, các đối tượng ngay lập tức chiếm đoạt, ngắt liên lạc.
8. Dụ dỗ mua xe gắn máy, điện thoại, laptop giá rẻ
Các đối tượng lập ra các trang mạng bán xe máy, điện thoại, laptop giá rẻ... Sau đó, chúng cho chạy quảng cáo ở các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok...) nhằm đánh vào tâm lý ham rẻ của người dân. Khi có người liên hệ để mua, chúng sẽ yêu cầu chuyển tiền cọc và làm thủ tục mua bán, thông báo thời gian giao, nhận hàng. Tuy nhiên, đến thời gian giao hàng, chúng sẽ gọi điện thông báo người mua cần chuyển thêm tiền để làm thêm một số thủ tục nhất định, khi người mua chuyển thêm tiền chúng sẽ chiếm đoạt.
9. Gửi các đường link giả mạo đánh cắp thông tin
Các đối tượng gửi tin nhắn có chứa các đường link giả mạo các ngân hàng trong và ngoài nước, đồng thời yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản, mã OTP và một số thông tin khác để bẻ khóa, xâm nhập và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
10. Lợi dụng kêu gọi từ thiện, quyên góp, ủng hộ
- Các đối tượng tạo, lập các trang, tài khoản mạng xã hội, sau đó cắt ghép hình ảnh, dàn dựng, đăng tải những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Bằng thủ đoạn này, các đối tượng lợi dụng niềm tin, lòng tốt của các nhà hảo tâm để kêu gọi, chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.
Mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên không gian mạng. Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng để nhận diện, phát hiện và báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn kịp thời, xử lý theo quy định của pháp luật./.
Văn Bào
Các tin khác
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 22342 Trong tuần: 1118 Trong tháng 457728 Tất cả: 19243816