Thói quen đã dần trở thành nếp sinh hoạt hằng ngày anh và gia đình. Thấu hiểu với công việc gian khổ của chồng, vợ và các con luôn là điểm tựa để anh vượt lên, giúp anh giải tỏa áp lực để tiếp tục cống hiến, góp phần cùng đồng đội mang lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.
Đầu năm 2008, thời điểm mới vào nghề, Trung tá Phạm Quang Ngọc được điều động tham gia một ca cực khó, đó là giám định bộ hài cốt tại xóm Mường Vọ, xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi. Khi công nhân khai thác mỏ than lộ thiên phát hiện dưới đáy hầm có tử thi bị phân huỷ, chỉ còn lại hài cốt.
Anh không khỏi lo lắng khi tiếp xúc với tử thi bị phân huỷ, mùi hôi thối nồng nặc. Hơn nữa, tử thi nằm ở độ sâu trên 100m, nền đất yếu, dễ sụt, lún nên việc tiếp cận nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn. Các anh phải dùng dây thừng tạo thành thang để xuống dưới hầm. Không gian chật hẹn, bộ hài cốt ghê rợn trước mắt làm anh thoáng e sợ. Mặc dù đã được đồng đội cảnh báo, tuy nhiên trong thâm tâm, anh không nghĩ rằng nghề pháp y là khó khăn, vất vả đến thế.
Tuy nhiên, được các anh cán bộ lớn tuổi động viên, Phạm Quang Ngọc đã tiếp cận được hiện trường. Thông qua công tác khám nghiệm, các giám định viên phát hiện xương sọ bộ hài cốt bị rạn nứt, phía sau gáy đỉnh đầu có một vết lõm tròn và vỡ một mảnh nhỏ. Quá trình khám nghiệm còn thu được 1 đôi giày, 1 bộ quần áo và 1 chùm chìa khóa.
Tiến hành đánh giá chứng cứ, dấu vết tử thi, các anh xác định nạn nhân chết do bị tác động ngoại lực do vật tày, rắn gây ra. Từ đó xác định đây là vụ án mạng, hung thủ đã giết chết nạn nhân sau đó đẩy xuống hầm than để che giấu hành vi phạm tội. Từ chi tiết đặc biệt quan trọng đã định hướng điều tra giúp Ban chuyên án bắt giữ thành công đối tượng sau đó không lâu.
Theo bác sỹ Phạm Quang Ngọc, trung bình hằng năm, bác sỹ pháp y Công an tỉnh Hòa Bình phải khám nghiệm trên 200 tử thi. Theo quy định của Luật Tố tụng hình sự, không chỉ các vụ việc có dấu hiệu hình sự mà ngay cả tai nạn rủi ro, tai nạn lao động đều phải có kết luận từ cơ quan giám định. Điển hình là lở đất chôn vùi cả một bản ở xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc làm 18 người chết vẫn ám ảnh các anh. Nhiều tử thi không còn lành lặn, cơ thể bị đứt rời, việc nhận dạng gặp vô cùng khó khăn.
Ngoài việc giám định tử thi để xác định nguyên nhân chết, các anh còn phải sắp xếp các bộ phận cơ thể, xác định danh tính người chết. Sau đó, bàn giao tử thi cho gia đình mai táng theo phong tục địa phương. Vì đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với người chết nên chuyện "ăn cơm ma" với các giám định viên pháp y là việc bình thường. Bác sỹ Phạm Quang Ngọc đùa rằng, nhiều lúc "ăn cơm ma" còn nhiều hơn cơm nhà. Có những ngày dồn dập án mạng, tai nạn giao thông.., các anh phải di chuyển liên tục, trắng đêm bên tử thi.
Để hoàn thành nhiệm vụ, anh và đồng đội thay phiên nhau trực ban tại đơn vị, đảm bảo quân số trực 100% và sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, bất kể mưa nắng, giá rét hay những nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Là một cảnh sát điều tra nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, là Giám định viên pháp y thì nhiệm vụ lại càng nặng nề gấp bội. Xét ở góc độ khác, việc khám nghiệm tử thi là một manh mối đầu tiên để tìm ra lẽ phải, thay người chết "tố giác tội phạm", trả lại sự công bằng cho xã hội.
Theo Đại tá Bùi Đức Nhật, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, vai trò của bác sỹ pháp y là đặc biệt quan trọng, góp phần định hướng các bước điều tra tiếp theo. Những kết luận do bác sỹ Phạm Quang Ngọc và đồng đội cung cấp đã góp phần quan trọng giúp cho cơ quan điều tra khám phá hàng trăm vụ án phức tạp.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 11041 Trong tuần: 142 Trong tháng 61447 Tất cả: 17154946