Không chỉ là tình cảm và trách nhiệm
Chỉ một ngày sau khi 3 CBCS Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội hy sinh, đã có rất nhiều đoàn lãnh đạo các cấp, các sở, ban, ngành của TP Hà Nội, Công an các đơn vị, địa phương và người dân, bạn bè đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình các đồng chí. Cả những người dân không hề quen biết cũng muốn đến tận nơi thắp nén tâm nhang, chia sẻ nỗi đau như của chính người thân, ruột thịt. Đặc biệt, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an với tình cảm và trách nhiệm đã đến động viên tinh thần, sẻ chia với nỗi mất mát quá lớn của các thân nhân.
Với niềm tiếc thương vô hạn, Bộ trưởng Tô Lâm đã sẻ chia với các gia đình, đây là nỗi mất mát không thể bù đắp được, nhưng đây là sự hy sinh dũng cảm, là những tấm gương tiêu biểu không ngại hiểm nguy, gian khó. Những cái nắm tay thật chặt gửi gắm biết bao nỗi niềm, Bộ trưởng đồng thời khẳng định sẽ chỉ đạo Công an TP Hà Nội phối hợp các cơ quan có liên quan chăm lo chu đáo các chế độ, chính sách cho các đồng chí đã hy sinh.
Từ nhà riêng Thượng tá Đặng Anh Quân sang nhà bố mẹ Thượng úy Đỗ Đức Việt, hay căn hộ tập thể tầng 5 của mẹ Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc, Bộ trưởng đều trân trọng ghé thăm, động viên tinh thần những người làm cha, làm mẹ bất ngờ mất con trong một khoảnh khắc làm nhiệm vụ không ai mong muốn, đầy thương xót... Người đứng đầu Bộ Công an, người thủ trưởng của toàn lực lượng CAND còn quan tâm, hỏi thăm tận tình điều kiện, hoàn cảnh của gia đình từng CBCS và dặn dò các đơn vị chức năng liên quan kịp thời cạnh bên tìm hiểu, động viên tinh thần, chia sẻ, giúp đỡ thân nhân các đồng chí vượt qua đau thương mất mát, sớm ổn định cuộc sống.
Và hơn cả là những ý kiến chỉ đạo ý nghĩa, đầy nhân văn của lãnh đạo Bộ Công an đã được hiện thực hóa kịp thời, những việc làm khẩn trương, thiết thực của các Cục nghiệp vụ, Công an TP Hà Nội mà không cần thêm một lời diễn tả nào nữa. Ngay khi sự việc xảy ra, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã có mặt hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy và CNCH.
Một ngày sau khi 3 CBCS hy sinh, các đồng chí đã được Bộ trưởng Bộ Công an truy thăng cấp bậc hàm trước niên hạn, được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, được Thủ tướng ký Bằng "Tổ quốc ghi công" công nhận liệt sĩ CAND.
Quả đúng, sự hy sinh là không thể bù đắp. Song, những phần thưởng cao quý, chế độ chính sách và sự ghi nhận kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an hy vọng phần nào sẽ giúp an ủi tinh thần, làm ấm lòng người ở lại...
Sự hy sinh chạm tới trái tim cả những người xa lạ
Nhiều tài khoản Facebook chia sẻ hình ảnh Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc và cùng chung suy nghĩ, chưa bao giờ họ lại rơi nước mắt vì những người xa lạ, không quen biết nhiều tới như vậy. Sự hy sinh quả cảm giữa thời bình của những CBCS Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã chạm tới trái tim của những người dân bình thường: "Con trai tôi, một em bé 3 tuổi, hôm nay cũng biết tên em! Yên nghỉ nhé, chàng lính dũng cảm! (tài khoản Vũ Vũ viết).
"Đọc được tin, mình chỉ muốn tìm Facebook của những người hy sinh để gửi lời cảm ơn vì đã hy sinh cho sự bình yên của mọi người. Dù bạn không đọc được, nhưng bạn đã là người hùng. Cảm ơn vì đã cống hiến... Yên nghỉ nhé" - Facebook Thanh Trinh chia sẻ.
Những ngày qua, nhiều người dân tìm đến đặt hoa dưới chân Tượng đài "CAND vì dân phục vụ" tại ngã 3 Quang Trung - Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để tưởng niệm 3 liệt sĩ Cảnh sát PCCC vừa ngã xuống. Có cả những người già, học sinh, sinh viên, hay trẻ nhỏ được bố mẹ đưa đến. Họ, cũng là những người xa lạ đã đau nỗi đau đồng bào khi câu chuyện về sự hy sinh anh dũng, lao vào lửa dữ cứu người được lan tỏa sâu rộng trên truyền thông và mạng xã hội.
"Luôn sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ"
Đến thăm gia đình 3 CBCS, tôi được lắng nghe những câu chuyện xúc động từ người đồng đội thân thiết với các anh, như Trung tá Đặng Thị Thu Hương, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy. Chị coi Thượng tá Đặng Anh Quân như em trai, hay tâm sự kể chuyện công việc, cuộc sống. "Quân là người Đội trưởng cực kỳ mẫu mực, từ khi ở Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH số 3, Cảnh sát PCCC Hà Nội, Quân đã là Đội trưởng Đội chữa cháy và chúng tôi đã làm việc cùng nhau. Khi sáp nhập về Công an TP Hà Nội, Quân làm Phó Đội trưởng. Trước Tết một tuần, Quân được phân về Đội, tôi vẫn nói vui là "trả lại tên cho em rồi Quân ơi", chị kể.
Đặc thù địa bàn phức tạp, nhiều nhà cao tầng, nhưng trước đây anh từng là Đội trưởng trực tiếp phụ trách địa bàn Cầu Giấy với trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn tốt nên cấp trên và đồng nghiệp rất tin tưởng. "Mới về khoảng 6 tháng thôi, nhưng Đội hơn 50 người tất thảy đều yêu quý Quân, con người hiền lành, lúc nào cũng vì người khác, lo cho người khác, không bao giờ nghĩ cho bản thân mình...", Trung tá Đặng Thị Thu Hương nghẹn giọng, rồi chị lại mở tấm hình Thượng tá Đặng Anh Quân trong điện thoại với nụ cười hiền hậu, bảo tôi, nhìn ảnh như nào thì ngoài đời như thế, lúc nào cũng giản dị, gần gũi với anh em.
"Quân có nguyện vọng muốn tổ chức một cuộc gặp mặt gia đình CBCS, cả dâu rể, con cái trong đơn vị dịp kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng CAND 19/8, hoặc Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy 4/10 để anh chị em có dịp hiểu nhau hơn. Vậy mà... bao nhiêu điều Quân muốn làm còn đang dang dở...", chị nói mà nước mắt giàn dụa. Hôm sự việc xảy ra là ngày Thượng tá Đặng Anh Quân trực chỉ huy, vừa đi chữa cháy về, tắm rửa xong, chị Hương sang phòng định trò chuyện thì anh lại nhận tin báo cháy chạy đi luôn. Đó cũng là lần gặp cuối... Mấy hôm nay, dù đau đớn, chị vẫn cố gắng rắn rỏi, tỏ ra mạnh mẽ để động viên tinh thần, giúp đỡ mẹ và vợ đồng đội, người chị xem như em trai. Nhưng nhớ lại những kỷ niệm, nữ Trung tá không sao cầm lòng được.
Chia sẻ về Thượng úy Đỗ Đức Việt, Trung tá Đặng Thị Thu Hương cho biết, thời điểm trước khi vụ cháy quán karaoke 231 Quan Hoa xảy ra, do có việc bận nên Việt đã chủ động đổi ca trực, đáng ra là không đi làm. "Nhưng, thanh niên mà, các em ấy có nề hà gì đâu, thấy cháy là xung phong lên đường làm nhiệm vụ. Ngờ đâu, đó cũng là lần làm nhiệm vụ cuối cùng...", chị nghẹn ngào.
Trên Facebook những người đồng đội, dù công tác ở những đơn vị khác nhau song điểm chung là rất nhiều bài thơ xúc động được sáng tác trong khoảnh khắc nghe tin 3 CBCS hy sinh. Nhiều người trắng đêm vì nỗi đau thắt lòng khi nghĩ đến 3 đồng đội đã ngã xuống trong thời bình. Chỉ ngày mai thôi, các anh sẽ được Đảng ủy, lãnh đạo Công an TP Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ tang theo nghi thức của lực lượng CAND và yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Thế nhưng, các anh xứng đáng là những tượng đài bất tử trong lòng Nhân dân. Xin mượn những vần thơ của Trung tá, PGS.TS Hồ Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Quản lý đào tạo và bồi dưỡng nâng cao, Học viện An ninh nhân dân thay cho lời kết:
"Đồng đội ơi!
Đồng đội đi rồi anh em ơi
Lửa dữ, tường cao nuốt mất rồi
Chiều nay bữa cơm thừa ba đũa
Phòng trực kia, vắng hẳn tiếng người
Anh bảo trận này cũng nhỏ thôi
Như bao trận chiến trải qua rồi
Ta sẵn sàng đi vì dân gọi
Dập lửa xong, ta lại mỉm cười
Vậy mà anh nỡ đi rồi đi
Để mặc anh em, thét gào trong vô vọng
Giây phút cuối kia, tôi biết anh đau lắm
Anh lịm dần vào đất mẹ anh hùng
Mẹ già ơi, mẹ buồn lắm phải không?
Mùa Vu lan, con lại rời xa mẹ
Vợ yêu ơi, dù biết em mạnh mẽ
Nhưng đêm trường, cô quạnh lắm phải không em?
Nói hộ lòng anh mà nước mắt chảy vào trong
Đồng đội ơi, đêm này anh yên nghỉ
Một nén tâm nhang, thay bao điều suy nghĩ
Có một tượng đài, sống mãi với thời gian!"
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 8058 Trong tuần: 49225 Trong tháng 111355 Tất cả: 17204911