Là cửa ngõ vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ với tuyến quốc lộ 1A, nên nhiều năm qua, tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy quy mô lớn vẫn xem Đồng Nai là nơi trung chuyển để tiếp cận các tỉnh, thành trong khu vực. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều quán bar, vũ trường một thời mọc lên như nấm và là nơi để hàng trăm thanh, thiếu niên hư hỏng “đãi tiệc” ma túy thâu đêm suốt sáng, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội và phát sinh các loại tội phạm khác gây bức xúc trong nhân dân.
Cuối năm 2019, Công an tỉnh Đồng Nai đã mở đợt cao điểm tập trung truy quét ma túy, tệ nạn xã hội từ các quán bar, vũ trường trá hình. Qua đó, đã phát hiện, xử lý hàng nghìn người nghiện, khởi tố hàng chục đối tượng là đầu mối cung cấp ma túy và tổ chức cho khách sử dụng.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, sau một loạt quán bar, vũ trường phải đóng cửa do chủ, quản lý bị khởi tố cũng như bị tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch COVID -19, nhiều đối tượng cho rằng lực lượng Công an chỉ đánh phần “ngọn” nên chuyển qua hoạt động mua bán vận chuyển ma túy với số lượng lớn để “ém” hàng, chờ ngày hoạt động trở lại. Đây cũng là thời điểm mà Công an tỉnh Đồng Nai xác lập chuyên án “chặt” phần gốc về ma túy.
Một trong những chuyên án điển hình là Công an Đồng Nai đã thu giữ tại chỗ hơn 50 kg ma túy đá. Đúng như kế hoạch của chuyên án, 10 giờ 30 phút ngày 30/9/2021, trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với Công an huyện Xuân Lộc và các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành “cất vó” 8 đối tượng, thu giữ hơn 50kg ma túy đá; 1 khẩu súng, 10 viên đạn, một quả lựu đạn cùng nhiều tang vật liên quan đến đường dây mua bán, vận chuyển ma túy.
Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, khi đó là Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai và Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo các lực lượng triệt phá chuyên án. Tổng số ma túy đã phát hiện, tịch thu trong chuyên án này lên đến trên 70kg với 16 đối tượng liên quan bị bắt.
Một cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, để triệt phá thành công chuyên án này, cán bộ chiến sĩ đã phải vượt qua nhiều khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch COVID -19, rất phức tạp. Đặc biệt là các đối tượng lợi dụng tình hình dịch để thay đổi phương thức, thủ đoạn vận chuyển ma túy khi chúng lợi dụng các xe nhận diện luồng xanh để “thông” chốt.
Tội phạm hoạt động kiểu băng nhóm "xã hội đen", chuyên cho vay lãi nặng và bảo kê tại Đồng Nai trước năm 2019 cũng từng là vấn đề nhức nhối, không có “thuốc” trị. Nhưng hơn 2 năm trở lại đây, các băng nhóm này lần lượt bị bóc gỡ và hầu như không còn đất để hoạt động. Chỉ trong hơn 2 năm qua, lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá thành công gần 40 băng nhóm tội phạm với hàng trăm đối tượng, trong đó nhiều băng nhóm và đối tượng cộm cán liên quan đến hoạt động tín dụng “đen".
Một trong những băng nhóm tội phạm chuyên hoạt động tín dụng “đen" có máu mặt trên địa bàn TP Biên Hòa phải kể đến băng nhóm của Đặng Quang Toàn, biệt danh Toàn "đen", quê Hải Phòng. Toàn là đàn em một thời của trùm giang hồ Đặng Duy Hưng, tức Hưng "Vườn điều". Cuối năm 2019, Toàn “đen” đã bị Công an tỉnh Đồng Nai và Công an TP Biên Hòa khống chế bắt giữ trong vụ cướp 500 triệu đồng của một giám đốc bệnh viện.
Cụ thể, chiều 21/12/2019, băng nhóm xăm trổ này đã xông thẳng vào phòng của bác sĩ, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tâm Hồng Phước ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, uy hiếp toàn bộ những người có mặt ở đây để đòi nợ giám đốc bệnh viện. Trong lúc uy hiếp, giằng co đòi nợ, Toàn “đen” đã cướp đi số tiền 500 triệu đồng của vị giám đốc bệnh viện này. Hành vi hống hách, coi thường pháp luật ngay giữa ban ngày của Toàn “đen” và đồng bọn khiến hàng nghìn người dân bức xúc và hiếu kỳ tập trung theo dõi vụ việc.
Trong chốc lát, hàng trăm Cảnh sát thuộc các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Đồng Nai, Công an TP Biên Hòa và Cảnh sát cơ động đã được huy động bao vây bệnh viện, bắt giữ Toàn "đen" cùng 6 đồng bọn để điều tra về hành vi cướp tài sản. Khi vụ án được mở rộng điều tra, nhiều đối tượng liên quan đã khai nhận về việc tổ chức chiếm đoạt tài sản cho vay lãi nặng. Riêng Toàn “đen” đã phải nhận cái kết đắng với bản án 16 năm tù về tội cướp tài sản.
Để thực hiện trót lọt việc buôn lậu xăng dầu nói trên, các đối tượng bằng mọi cách tiếp cận để đưa tiền hối lộ nếu bị theo dõi, kiểm tra. Cụ thể, trong quá trình Phan Thanh Hữu điều hành các tàu vận chuyển xăng nhập lậu về tỉnh Vĩnh Long thì Nguyễn Hữu Tứ nhận được thông tin có lực lượng điều tra của Cục chống buôn lậu -Tổng cục Hải quan đang triển khai lực lượng theo dõi để bắt giữ. Ngay lập tức Hữu đã yêu cầu Tứ bằng mọi cách phải tiếp cận Ngô Văn Thụy là Đội trưởng Đội 3 - Cục điều tra Chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan.
Để tiếp cận được Thụy, Tứ đã nhờ đến sự môi giới của Nguyễn Đức Quyền là cán bộ hải quan thuộc Đội 3, một người quen biết trước đó của Tứ. Ngày 25/1/2021, trong khi Thụy cùng lực lượng của Đội 3 triển khai bắt giữ các tàu mang tên Nhật Minh của Hữu đang vận chuyển xăng lậu từ TP Cần Thơ đến tỉnh Vĩnh Long thì Tứ đã tiếp cận được Ngô Văn Thụy để đưa 10.000 USD nhưng bị Thụy từ chối. Sau đó vợ chồng Tứ đến nhà riêng của Thụy ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh để đưa hối lộ 1 phong bì đựng 10.000 USD và 1 thẻ ngân hàng có số dư tài khoản là 100 triệu đồng với mục đích xin cho Hữu chở xăng lên Vĩnh Long bán cho Tứ.
Sau khi đưa trót lọt số tiền trên, Hữu tiếp tục thông qua Tứ xin gặp Thụy tại nhà riêng và đưa hối lộ cho Thụy 500 triệu đồng để được chở xăng lậu bán cho Tứ. Không chỉ đưa hối lộ cho Thụy để được vận chuyển và mua bán xăng lậu, Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ còn đưa hối lộ cho một số cá nhân là quân nhân trong lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng.
Công an Đồng Nai đã chứng minh, với hệ thống buôn lậu, pha trộn xăng giả được tổ chức chặt chẽ, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Đào Ngọc Viễn và Phan Thanh Hữu cùng đồng phạm đã vận chuyển số lượng xăng nhập lậu đến tỉnh Vĩnh Long bán cho Nguyễn Hữu Tứ và Trần Thanh Vân với số lượng gần 200 triệu lít. Trong số này, hơn 196 triệu lít đã được bán ra thị trường với tổng giá trị gần 2.800 tỷ đồng và Phan Thanh Hữu được hưởng lợi với số tiền lên tới 105 tỷ đồng. Qua giám định các mẫu xăng thu thập, lực lượng chức năng xác định các mẫu xăng đều chứa thành phần MTBE vượt ngưỡng tiêu chuẩn của Việt Nam và là xăng làm giả xăng RON 95.
Mặc dù các đối tượng hoạt động rất tinh vi, có tổ chức chuyên nghiệp nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Công an và với bản lĩnh, kinh nghiệm, sự nhạy bén với các chuyên án lớn, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an cùng Công an các tỉnh liên quan đấu tranh và phá chuyên án này thành công.
Theo Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, hành vi làm xăng giả gây tác hại rất lớn đối với người tiêu dùng. Vì khi sử dụng xăng giả, các phương tiện bị giảm tuổi thọ động cơ, dễ gây chập điện dẫn đến cháy nổ, tai nạn giao thông. Việc đấu tranh thành công chuyên án trên đã đập tan, bẻ gãy đường dây buôn lậu xăng, dầu xuyên quốc gia, chặn đứng hoạt động sản xuất xăng giả, góp phần chống thất thu ngân sách Nhà nước, ổn định thị trường xăng dầu và bảo vệ người tiêu dùng.
Chuyên án lớn nhất và đặc biệt nhất mà Công an tỉnh Đồng Nai khám phá là đường dây sản xuất, buôn lậu xăng giả; in phát hành mua bán trái phép hóa đơn chứng từ… do Phan Thanh Hữu, sinh năm 1957 cầm đầu với hơn 200 triệu lít xăng giả. Khi phá án, Công an phải sử dụng 4 máy đếm tiền trong nhiều giờ mới đếm xong số tiền tang vật thu giữ từ các đối tượng. Khép lại giai đoạn 1 của chuyên án này, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 74 bị can. Trong các bị can bị khởi tố có bị can là giám đốc doanh nghiệp xăng dầu, cán bộ hải quan và cả sỹ quan cấp tướng trong quân đội.
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1753 Trong tuần: 54294 Trong tháng 116424 Tất cả: 17209981