Đại tá Nguyễn Văn Bé sinh năm 1967, quê gốc ở Thường Tín, Hà Nội. Cả nhà không có ai theo nghề Cảnh sát nhưng từ nhỏ, anh đã đam mê những màn trình diễn đẹp mắt của các chiến sĩ Công an đầy khí chất nên đã đăng ký thi vào Trường Trung học Cảnh sát bảo vệ (nay là Trung cấp Cảnh sát vũ trang). Lúc ấy, anh vẫn chưa mường tượng được hết những khó khăn, vất vả với nghề, mà chỉ nghĩ đơn giản là vì thích mà đam mê, theo đuổi.
Ðại tá Nguyễn Văn Bé. |
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành CSCĐ, anh Bé được về công tác tại tỉnh Hà Sơn Bình cũ. Năm 1991, tách tỉnh, anh được quyết định về tỉnh Hòa Bình. Lúc ấy, vì chưa lập gia đình, tuổi đời còn khá trẻ nên anh Bé hăm hở ra đi với bao hoài bão lớn.
“Ngày đó, bố mẹ khóc lóc, khuyên can nhiều lắm, bởi gia đình có cậu con trai duy nhất lại đi công tác miền núi xa nhà thường xuyên. Cái ông bà sợ nhất là con trai đi miền núi, bị chài, bị ếm, rồi lại về thành hâm hâm dở dở thôi. Bởi ngày xưa vùng đất Hòa Bình còn hoang sơ lắm, đi lại không dễ dàng thuận tiện như bây giờ”, Đại tá Nguyễn Văn Bé cười tươi chia sẻ.
Khi chưa lập gia đình, có khi cả tháng anh mới về thăm bố mẹ một lần. Cảnh sát cơ động luôn phải trực chiến 24/24, nhưng nhiều khi dù được nghỉ phép, anh vẫn ở lại trực thay anh em, tạo điều kiện cho đồng nghiệp về thăm vợ con gia đình bởi bản thân chưa có gì vướng bận.
Năm 1997, anh lập gia đình, vợ anh là một cô giáo hiền lành chịu thương chịu khó người Hà Đông. Trong suốt những tháng ngày anh đi làm biền biệt xa nhà, một mình chị tần tảo phụng dưỡng bố mẹ chồng và nuôi dưỡng các con khôn lớn. Cứ cuối tuần, anh vội phóng xe máy về nhà; hôm sau lại tất tả ngược về Hòa Bình để bắt đầu một ngày làm việc mới.
Ngày chị trở dạ sinh cháu lớn, anh vẫn phải trực chiến ở Hòa Bình, 2 ngày sau mới được về thăm vợ thăm con. Lần chị sinh cháu thứ hai thì may mắn hơn khi y học đã phát triển, biết chắc ngày vợ sinh, anh xin cơ quan nghỉ phép trước hai ngày để ở nhà chăm vợ, một tuần sau lại trở lại cơ quan làm việc.
Cứ thế, vợ chồng anh chẳng khác gì ông ngâu, bà ngâu khi cứ 1-2 tuần mới gặp nhau một lần. Nhất là từ khi anh lên lãnh đạo, thường xuyên phải trực thì những ngày nghỉ phép về thăm vợ con càng thưa dần. Công việc của anh đi sớm về khuya, thường xuyên đối mặt với tội phạm nguy hiểm, dù đã quá quen nhưng đôi khi vẫn khiến chị và các con thấp thỏm không yên. Nhiều lần gia đình vợ con khuyên anh nên xin chuyển về gần, nhưng anh chỉ biết động viên chị và các con cố gắng, bởi anh đã quá quen thuộc và gắn bó với mảnh đất Hòa Bình.
Đại tá Nguyễn Văn Bé chia sẻ, đấu tranh với tội phạm tại địa bàn cửa ngõ Tây Bắc có đặc thù riêng, không lẫn với các địa phương khác. Phần đông bà con dân tộc ở vùng sâu, vùng xa sống nhờ ruộng nương, đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhiều tập tục lạc hậu, nhận thức về pháp luật hạn chế, thanh thiếu niên thiếu việc làm "nhàn cư vi bất thiện" gây ra những phức tạp về an ninh, trật tự.
Đáng chú ý, các vụ án giết người do mâu thuẫn, say rượu, thù tức, đâm chém, trả thù lẫn nhau, hiếp dâm, cướp tài sản… có chiều hướng gia tăng. Do đó, nhiệm vụ của CSCĐ gian nan bội phần, không chỉ là lực lượng đứng mũi chịu sào, đi đầu trong mọi hoàn cảnh, mà còn phải luôn gần dân, giúp đỡ dân về mọi mặt.
Một buổi diễn tập chống bạo động của Phòng PK20. |
Trong cuộc chiến không khoan nhượng với tội phạm ma túy, nhiều đồng đội của anh đã bị thương nặng, có người đã anh dũng hy sinh. Và không ít lần anh phải đối mặt với hiểm nguy, nhưng nỗi đau chứng kiến đồng đội ngã xuống trước mắt mình mới thật sự đau đớn, ám ảnh. Anh tâm sự, không ai lường trước được hậu quả của chuyên án vây bắt tên trùm ma túy Vàng A Khua ở xã Hang Kia, huyện Mai Châu (Hòa Bình) xảy ra ngày 5-2-2010. 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh và nhiều đồng chí bị thương, bản thân anh trong quá trình truy bắt đã bị đối tượng chống trả gây thương tích.
Trong suốt khoảng thời gian công trình thủy điện Hòa Bình thi công, xây dựng, Đại tá Nguyễn Văn Bé cùng đồng đội thường xuyên duy trì tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng xâm phạm khu vực nhà máy, ngăn chặn kịp thời mọi phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, hòng phá hoại quá trình sản xuất kinh doanh của công trình trọng điểm quốc gia.
Anh kể, có lần truy bắt đối tượng trộm cắp, hắn cầm dao lao vào tổ công tác đe dọa, nhằm phá vòng vây để tẩu thoát. Dù bị thương nhưng anh vẫn lao vào kịp thời cùng đồng đội khống chế đối tượng. Luôn xác định vai trò là đầu tàu gương mẫu nên bất cứ chuyên án nguy hiểm nào, anh cũng luôn là người đi đầu để khích lệ tinh thần cán bộ chiến sĩ. Có những đêm được lệnh lên đường đi ngay, cũng chẳng biết rõ đó là chuyên án gì, mức độ nguy hiểm ra sao, nhưng một khi đã xác định làm CSCĐ các anh luôn chuẩn bị sẵn tâm lý trước lúc lên đường, luôn sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy ra.
Hơn 30 năm gắn bó với Phòng PK20, Đại tá Nguyễn Văn Bé không nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu chuyên án đấu tranh chống tội phạm, trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, nằm gai, nếm mật, băng rừng, lội suốt để truy bắt tội phạm. Gian khổ và nguy hiểm nhất vẫn là cuộc chiến đối đầu với tội phạm ma túy.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù ranh giới giữa sự sống và cái chết trong gang tấc, anh luôn thể hiện được bản lĩnh, tinh thần xả thân vì nhiệm vụ, vì anh em đồng đội. Nhờ đó, đã góp phần đập tan nhiều băng nhóm tội phạm khét tiếng, nhiều đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng cực lớn.
Trong chuyên án vây bắt đối tượng Tạ Văn Hùng, xác định đây là đối tượng vô cùng liều lĩnh, manh động, có khả năng trang bị cả vũ khí nóng, anh Bé chỉ đạo lực lượng làm nhiệm vụ phải thận trọng, bình tĩnh, tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh cấp trên, vừa chia làm nhiều mũi truy đuổi, vừa vận động bà con nhân dân tham gia hỗ trợ, vây bắt…
Bị quần chúng hạ cây chặn đường, đối tượng không chấp hành, mang theo 1 khẩu súng AK và 2 túi xách trốn chạy; đồng thời đốt xe nhằm phi tang, đánh lạc hướng, phân tán lực lượng vây bắt.
Khi phát hiện đối tượng cố thủ tại khu vực đồi mía, dù đã ra sức vận động thuyết phục, kêu gọi đầu hàng nhưng đối tượng vẫn điên cuồng xả súng quyết liệt, trước tình hình đó, các anh buộc phải nổ súng tiêu diệt để tránh gây thương vong cho lực lượng truy bắt và nhân dân.
Song song với công tác nghiệp vụ, chuyên môn, công tác xây dựng lực lượng, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ luôn được chú trọng. Phần lớn lực lượng CSCĐ là các chiến sĩ nghĩa vụ trẻ, cứ sau 2 năm lại ra quân, nên ngoài việc đào tạo, huấn luyện, lãnh đạo đơn vị phải nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng; đồng thời thường xuyên động viên kịp thời để các chiến sĩ trẻ có ý chí vững vàng hơn trong công tác. Qua đó nỗ lực rèn luyện bản thân, không ngừng nâng cao năng lực nghiệp vụ, pháp luật, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đại tá Nguyễn Văn Bé chia sẻ, điều anh không muốn rời xa Phòng PK20 bởi được ăn ở cùng các cậu lính trẻ, anh thấy mình như trẻ lại, vui vẻ, yêu đời hơn. Những ngày trực cơ quan, anh lại xuống nhà ăn ăn uống, thể thao cùng các anh em. Ngoài giờ làm việc, anh em, chú cháu coi nhau như người thân trong gia đình. Tình cảm thân thiết ấy chính là động lực để níu chân anh ở lại với mảnh đất Hòa Bình thân yêu này.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 4842 Trong tuần: 57395 Trong tháng 119524 Tất cả: 17213083