Tôi trở lại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47), Công an tỉnh Lâm Đồng vào một ngày giữa tháng 12-2016. Ngoài trời mưa to, gió lạnh thổi đến thấu xương nhưng bên trong căn phòng làm việc của Thượng tá Phạm Văn Tơn rộng chừng gần chục mét vuông nằm sâu dưới chân đồi vẫn nóng… bởi ở đó, một cậu nhóc tên K. mới 14 tuổi đang được anh trực tiếp giáo dục sau khi phát hiện bị đám bán lẻ ma túy lợi dụng để mang ma túy cho các con nghiện lấy tiền chơi game.
Nhìn dáng người tầm thước, chắc nịch, phong thái điềm đạm, từ tốn cùng giọng nói trầm ấm nhưng dứt khoát khiến tôi cứ liên tưởng Phạm Văn Tơn mang cốt cách của một thầy giáo đứng trên giảng đường hơn là một người lính đầy sức mạnh, quyết liệt và mưu trí trong nhiều cuộc đối mặt với tội phạm các loại, đặc biệt là tội phạm về ma túy.
Thượng tá Phạm Văn Tơn - Phó trưởng Phòng PC47, Công an tỉnh Lâm Đồng. |
Kéo tôi ngồi xuống bộ bàn ghế gỗ đã sờn tay vịn, anh Tơn vào đề ngay: "Mình bắt đầu câu chuyện nhé, nhưng bắt đầu từ chuyện cảm hóa những đối tượng lỡ sa chân vào con đường nghiện hút, mua bán ma túy, bởi sẽ là niềm vui nếu giúp được một người thoát ra khỏi vũng lầy nhơ nhớp, làm lại cuộc đời".
Chỉ tay sang một thiếu niên ở hàng ghế gần tôi, anh bảo: "Cháu nó mới 14 tuổi, đang lớp 8 nhưng đã nghiện game online gần 3 năm rồi. Vừa qua, khi làm công tác chuyển hóa địa bàn, xóa sổ một tụ điểm bán lẻ ma túy thì phát hiện cu cậu vì muốn có tiền chơi game nên đã bị đám ma cô dụ dỗ đưa vào đường dây để hàng ngày đi giao ma túy cho các con nghiện.
Biết quí tử mình có dính líu vào ma túy, cha mẹ cậu khóc hết cả nước mắt, rồi không biết có ai mách nước không mà họ mở lời nhờ mình có biện pháp giúp đỡ để mai sau cháu có thể trở thành người tốt. Nhìn cu cậu mặt mày sáng sủa, tác phong nhanh nhẹn, lại có chút lễ phép nên mình đồng ý giúp nhưng với điều kiện phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu mà mình đưa ra.
Sau một tuần cùng ăn, cùng lau dọn vệ sinh nhà cửa, cùng cuốc đất với cán bộ chiến sỹ ở tập thể và 4-5 lần trong ngày mình tiếp cận giảng giải cho nghe về tác hại của ma túy cùng sự nghiêm khắc của pháp luật cho loại hình tội phạm này, cu cậu đã chuyển biến rất tích cực.
Ngoài việc biết tự sắp xếp thời gian trong ngày để làm vệ sinh nhà cửa, giặt quần áo, cu cậu còn viết thư hối cải gửi cha mẹ… và cứ đà tiến bộ này thì chỉ vài tháng sau cháu sẽ thoát khỏi ám ảnh của ma túy. Nhưng với điều kiện là gia đình phải phối hợp chặt chẽ với chúng tôi trong việc kèm cặp cháu những ngày tháng sau đó".
Mải nói chuyện về cậu thiếu niên tên K., anh Tơn quên mất việc tự giới thiệu về cuộc đời mình. Mãi đến khi tôi đặt câu hỏi, anh mới thổ lộ: Anh xuất thân là một chiến sỹ Cảnh sát bảo vệ, năm 1991 được đơn vị cho đi thi và trúng tuyển vào ngành Điều tra, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân.
Tốt nghiệp đại học năm 1996, anh được điều động về công tác tại Đội Cảnh sát hình sự - ma túy, Công an thành phố Đà Lạt, sau đó được đề bạt giữ chức Phó đội trưởng phụ trách mảng điều tra tội phạm về ma túy.
Thời gian này ở Đà Lạt tuy không xuất hiện những vụ vận chuyển, mua bán ma túy với số lượng lớn nhưng các đối tượng bán lẻ thì lại thường xuyên tìm cách thâm nhập vào trong số khách du lịch và những thanh niên mới lớn để dụ dỗ họ sử dụng ma túy.
Bỏ ra nhiều ngày trực tiếp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành trinh sát địa bàn, anh phát hiện có nhiều đối tượng đang hoạt động, nhưng nổi cộm nhất là băng nhóm của Huỳnh Anh Quang, một đối tượng giang hồ khét tiếng từng có thời gian dài là Bưởng trưởng bưởng vàng. Hắn cai quản hàng trăm phu vàng, trong đó có gần một nửa là đối tượng hình sự trong khu rừng già ở huyện Bảo Lâm.
Sau khi bưởng vàng bị lực lượng Công an xóa sổ, Quang gom tiền về TP Đà Lạt mua nhà rồi quy tụ đám đàn em trước đó để tổ chức bán lẻ ma túy cho các con nghiện. Tuy nhiên, Quang không ra mặt mà sử dụng một đối tượng tên T đứng ra điều hành (T sau thời gian đi tù về đã được anh Tơn giúp đỡ, hiện là người chồng, cha tốt và thường xuyên tham gia tuyên truyền về tác hại của ma túy ở địa phương).
Để xóa sổ tận gốc ổ nhền nhện của Quang, anh Tơn đã chủ động gặp mặt từng đối tượng để khuyên can, giải thích về tác hại của ma túy, sự nghiêm minh của pháp luật dành cho những đối tượng mua bán nếu bị bắt. Lúc đầu, cả đám chối bay chối biến, nhưng với lòng kiên nhẫn của mình, cứ vài ngày anh Tơn lại bất ngờ ghé qua nơi ở của Quang.
Một trong những lần như thế, anh đã phát hiện đối tượng T mang 5 tép ma túy từ nhà Quang định đi giao cho con nghiện. Đến đây thì Quang và các đối tượng khác đã nhận tội, nhưng do chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự nên Quang chỉ bị xử lý hành chính và lao động công ích.
Anh Tơn giảng giải về tác hại của ma túy cho một thiếu niên. |
Với lòng nhiệt huyết của mình, anh Tơn đã đề nghị đưa Quang về dọn cỏ, cuốc đất xung quanh khu vực trụ sở để hàng ngày anh tranh thủ thời gian ngồi khuyên bảo Quang quay đầu về nẻo thiện, làm lại cuộc đời. Sau những ngày được anh Tơn chỉ bảo, hết thời hạn lao động, Quang trở về quê hương ở ngoại ô thành phố Huế xuống tóc đi tu, xa dời những ngày tháng tội lỗi với pháp danh là Thích Chân Hữu.
Đến đầu năm 2016, Quang còn quyết định bán căn nhà duy nhất cùng chiếc xe ôtô lấy tiền mở một xưởng sản xuất đá tinh khiết, mở trường học dành cho trẻ em cơ nhỡ được ăn học miễn phí.
Kể về chuyện đánh án, anh Tơn cho biết: Năm 2015, anh được điều động về Phòng PC47, Công an tỉnh Lâm Đồng và đến đầu năm 2016 được đề bạt giữ chức vụ Phó Trưởng phòng phụ trách trinh sát.
Thời gian này, anh cùng các anh em trinh sát thường xuyên thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình và phát hiện trên cao nguyên Lâm Đồng bắt đầu xuất hiện loại hình tội phạm theo mùa cà phê.
Biết thời điểm này, trong túi bà con nhân dân, nhất là đồng bào người dân tộc K'Ho ở vùng sâu, vùng xa rủng rỉnh tiền, nhưng họ ít có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài nên bọn tội phạm về ma túy đã tranh thủ trà trộn vào trong số các thương lái dụ dỗ bà con sử dụng miễn phí ma túy trong một vài tuần đầu, sau khi bà con đã trở thành con nghiện thì bán với giá cắt cổ.
Nhận thấy mối hiểm họa đang đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của đồng bào, anh Tơn cùng các trinh sát trong Phòng PC47 đã trực tiếp xuống từng thôn bản để nắm tình hình rồi lên kế hoạch vừa đấu tranh với các đối tượng tội phạm, vừa phối hợp với già làng, trưởng bản người dân tộc K'Ho giải thích cho bà con hiểu rõ về tác hại của mà túy, động viên họ đưa con em đến trung tâm cai nghiện và nói không với ma túy.
Với kế hoạch này, trong những năm qua, có nhiều thôn bản ở các huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Lạc Dương, Di Linh đã sạch bóng ma túy, đời sống của bà con đồng bào dân tộc K'Ho cũng đã được cải thiện rõ rệt.
Theo: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 13190 Trong tuần: 65757 Trong tháng 127889 Tất cả: 17221443