Nhà tôi ở thành phố Lào Cai, ngay gần cầu Cốc Lếu, mở cửa sổ phía sau nhà ra là nhìn thấy sông Hồng. Tốt nghiệp trường Công an, tôi được tổ chức phân công công tác xuống cơ sở. Bố tôi bảo phân công đâu ở đâu thì nhận nhiệm vụ ở đấy, ai cũng làm ở bộ, ở tỉnh thì lấy ai làm ở huyện, ở xã.
Tôi đã có thâm niên mười lăm năm công tác ở Bảo Yên - một huyện miền núi cửa ngõ của tỉnh Lào Cai. Và hơn nửa thời gian đó, tôi là cán bộ Công an cắm bản. Từ nhà tôi xuống đến trung tâm huyện khoảng bảy lăm cây số đường đèo dốc với những cua tay áo che khuất tầm nhìn là "điểm đen" luôn tiềm ẩn, rình rập nguy cơ tai nạn giao thông.
Thỉnh thoảng cuối tuần nhớ nhà, tôi phi "con ngựa sắt" để trở về thành phố bên sông qua những ngọn núi trắng muốt hoa ban múa xòe mỗi độ xuân sang, qua những thung lũng hồng rực hoa mí - xẹt khoe váy vào lúc hè về.
Thiếu tá - nhà văn Hoàng Anh Tuấn, hoanganhtuan.calc@gmail.com. |
Khi đó tôi còn trẻ lắm, mới hơn hai mươi tuổi, tinh nghịch và hài hước. Đi cắm bản ở nhờ nhà dân. Dân quý cán bộ Công an coi tôi như con cháu, anh em ruột thịt nhà họ vậy. Mỗi khi nhà họ có giỗ chạp, lễ tết đều mời "chú Công an" đến uống rượu cho vui. Có khi nhiều nhà mời cùng một lúc, tôi không biết nên đến nhà ai. Đến nhà người này có khi nhà người khác lại giận.
Tôi có một nỗi sợ. Đó là sợ rượu. Một nỗi sợ vừa ám ảnh mơ hồ, vừa hãi hùng khiếp đảm. Rượu ngô miền núi nấu bằng men lá đặc sánh như mật ong rót ra bát thấy tăm rượu nổi lên lăn tăn như nước sắp sôi trong ấm đồng và có một lớp khói xanh phủ trên bề mặt như sương sớm buông trên mặt hồ, mắt tinh nhìn nghiêng sẽ thấy.
Nhấp một ngụm rượu, rượu trôi qua làn môi xuống cổ họng, qua dạ dày xuống ruột non. Rượu chảy đến đâu thấy nóng đến đấy. Rượu ngấm vào tim, vào gan rồi bừng lên mặt. Mặt tôi đỏ hơn mặt trời giữa trưa, đỏ hơn tua còn ngày hội. Thành ra có uống ít cũng tưởng uống nhiều rồi. Những người mặt đỏ là những người tửu lượng kém, người uống được rượu sắc mặt xanh như tảng đá vôi, như nắp nồi gang.
Lúc này tôi là cán bộ Công an phụ trách xã Nghĩa Đô - một xã thuần đồng bào Tày, đây cũng là cái nôi văn hóa dân tộc Tày của huyện với những câu khắp, câu cọi, câu then, câu lượn mềm mại như dải thắt lưng xanh trên váy cô gái Tày làm ngơ say đắm lòng người.
Tối hôm đó rằm tháng bảy, trăng sáng vằng vặc soi tỏ mái nhà sàn chênh vênh trên đồi cọ, từng vòng cọn nước cọt kẹt bên suối Nậm Luông, chín bậc cầu thang long lanh dát bạc, và cả chiếc răng vàng của cô em gái Tày mới bọc ở chợ phiên tuần trước cũng sáng lên lấp lánh làm tôi ngơ ngẩn suýt đánh rơi bát rượu xuống sàn hoa.
Tôi uống rượu ở nhà ông Sạn, Trưởng bản Ràng, ngồi khoanh chân giữa nhà sàn, cầm bát rượu trên tay, tôi thấy trăng rơi trong đáy bát như cái lòng đỏ trứng gà. Ông Sạn giục "Kìa, cán bộ uống cạn đi chứ, mọi người uống hết rồi". Lúc đầu mọi người uống bằng chén "hoa hồng", sau ngà ngà quay ra uống bằng bát con. Mấy chén đầu tôi giả vờ uống rồi nhổ vào bát canh rau đắng đã múc sẵn nên không bị ai phát hiện, giờ uống bằng bát chắc tôi sắp ngất rồi.
Tranh thủ người trong mâm không để ý tôi mắt la mày lém vội vàng đổ bát rượu qua khe dát nhà sàn làm bằng cây diễn. May quá, bát rượu đã trơ đáy như bốc hơi nhanh hơn vó ngựa xuống dốc. Bỗng có tiếng một bà già dưới gầm sàn hét lên lanh lảnh "Ôi dồ, cháu nào đổ rượu ướt hết ngô của bà rồi". Mọi người trong mâm liền "điều tra" và phát hiện ra nơi rượu chảy xuống chính là chỗ tôi đang ngồi.
"Á à, cán bộ dám đổ rượu đi nhá". - Một người trong mâm chốt luôn. Tôi cũng chẳng biết nói sao đành cười cầu hòa. Thế là tôi bị bắt uống rượu phạt, gấp đôi số rượu vừa đổ. Thật là khổ quá mà. Trận ấy tôi say túy lúy, nếu đầu có chấy chắc sẽ say cả chấy. Tôi lăn ra ngủ luôn tại sàn nhà ông Sạn, Trưởng bản Ràng giữa đêm rằm tháng bảy, giữa đệm bông lau nẹp đen, gối bông gạo nẹp đỏ. Trăng thì hãy còn sáng lắm, nhưng mà tôi say khướt nên ngủ quên trời, quên đất chẳng biết rằng trăng có sáng hay không.
Sáng hôm sau, tôi tỉnh giấc đi xuống cầu thang đã thấy cô em gái có chiếc răng bọc vàng đang rửa bát dưới máng nước. Và bà nội cô, chính là bà già hôm qua hét lên lúc tôi đổ rượu qua sàn, đang cặm cụi vá một cái nơm úp cá bị thủng vài chỗ. Cô gái nhìn tôi tình tứ một lát rồi cúi xuống chậu rửa bát tủm tỉm cười, đóa môi hồng tươi như hoa mí - xẹt gọi hè.
Tôi buông lời trêu ghẹo "Để anh rửa bát cùng nhé, một đôi rửa cho nhanh nào". Cô gái che miệng cười thành tiếng. Rồi tôi quay sang bà cụ nói thật lễ phép "Bà ơi, bà gả cháu gái bà cho con nhé. Con thích lắm rồi đấy". Bà già cười bằng vòm lợi lai láng quết trầu "Cậu mang cho nhà tôi ít rượu ngô, ít thịt mỡ rồi rước nó về là được mà".
Ấy là bà nói khiêm tốn như thế. Tôi vâng vâng dạ dạ, trong lòng thấy phơi phới. Ngoài kia nắng thu nhảy nhót trên ngọn bương, ngọn vầu cong vút như cần câu ai thả. Lời nói như làn mây trắng bay đi. Nói rồi quên mất, trí óc như khoảng trời xanh quang đãng.
Sau này, khi tôi đã lấy vợ, có con và chuyển đi làm ở địa bàn khác, một lần tôi gặp lại bà già ấy ở đâu đấy mà tôi không nhớ, bà đặt bàn tay gầy guộc dính đầy nhựa chuối và màu chàm lên vai tôi rồi nói khẽ "Hồi đó, tôi chờ mãi mà không thấy nhà cậu mang rượu thịt đến hỏi con Huyền, tôi thách cưới có nhiều đâu cơ chứ. Sau này, biết cậu lấy vợ rồi, nên nhà tôi đồng ý gả nó cho thằng Sinh. Thằng Sinh không bằng cậu, nhưng biết làm sao được".
Tôi muốn nói một câu nhưng cổ họng bỗng tắc nghẹn, nói gì vào lúc này cũng là thừa. Tôi như cây sa mộc chết đứng. Dân bản thật thà vậy, làm sao mà họ biết là tôi đùa cợt.
Thiếu tá Hoàng Anh Tuấn (giữa) trong đợt công tác ba cùng với đồng bào. |
Một lần khác, tôi làm nhiệm vụ bảo vệ hiện trường một vụ tai nạn giao thông để cho các đồng chí Cảnh sát giao thông tiến hành khám nghiệm hiện trường. Vụ tai nạn giao thông giữa hai xe máy, một người điều khiển do uống rượu say nên chạy quá tốc độ quy định va chạm vào xe máy của một người khác đi ngược chiều. Cũng may là người chỉ bị thương nhẹ đã đưa đi bệnh viện, còn hai xe máy thì bị hỏng nặng.
Khám nghiệm hiện trường xong, tôi phải lấy lời khai của người làm chứng, người này đã chính mắt trông thấy khi vụ tai nạn xảy ra. Ông ấy tên là Cổ Văn Thước. Nhưng ngặt một nỗi, ông Thước đã về nhà, nhà ông ấy ở bản Lằng bên kia suối Nậm Luông. Mùa này suối chảy xiết. Tôi nói với các đồng chí Cảnh sát giao thông sẽ cho Công an viên báo ông ấy tới trụ sở để tiến hành lấy lời khai.
Một anh trạc tuổi tôi, mặt hiền lành bảo "Nhà tôi ở bản bên kia suối, cũng ở gần nhà bác Thước, nhưng mùa mưa nước sâu đấy, chỉ tôi quen đường thôi. Tôi sẽ cõng cán bộ sang cho nhanh kẻo trời mau tối lắm". Tất nhiên là tôi từ chối, chỉ nhờ anh dẫn đường thôi, không phải cõng. Rồi anh chờ tôi lấy lời khai của bác Thước xong còn nhiệt tình đưa tôi trở lại bờ bên này. Tôi hỏi tên, anh bảo tên là Siếu.
Vài năm sau, một lần tôi đi xe máy từ bản về đơn vị, gặp một Tổ công tác Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ. Thấy các đồng chí đang chuẩn bị lập biên bản vi phạm hành chính một người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm. Tôi nhận ra anh Siếu liền rẽ vào.
Tôi nói với các đồng chí Cảnh sát giao thông, anh Siếu là người quen của tôi, tôi sẽ nộp phạt giúp anh ấy. Biên bản chưa lập nên đồng chí Cảnh sát giao thông đồng ý và cho đi, nhắc nhở anh Siếu lần sau không được quên đội mũ bảo hiểm. Anh Siếu nhìn tôi vẻ mừng rỡ rồi lúi húi tra chìa khóa vào ổ.
Tôi quay sang hỏi anh Siếu "Anh có nhận ra tôi không?". Anh Siếu ngơ ngác lắc đầu rồi hỏi lại "Cậu là ai mà giúp tôi vậy?". Tôi nói "Tôi là người mà anh đã cõng qua suối để lấy lời khai đấy. Nhà anh vẫn ở bản Lằng chứ?". Anh Siếu gõ tay vào trán giọng hồ hởi "Tôi nhớ rồi, cậu tên là Tuấn. Giờ cậu to béo quá nên tôi không nhận ra, với lại cũng lâu rồi mà". Anh ấy nói xong ôm ngực ho một tràng sù sụ.
Rồi vừa đi xe trên đường anh Siếu vừa kể là hồi đó anh Siếu thấy tôi hẳn là ở thành phố nên chưa quen lội suối, nên anh muốn cõng tôi qua, với lại anh ấy thấy đôi giày của tôi bóng loáng, nhỡ khi lội qua nước bắn vào mà hỏng thì tiếc lắm. Anh Siếu nói xong khiến tôi cười vui vẻ, anh cũng cười theo, tôi lại thấy anh ho mấy cái.
Sau lần gặp anh Siếu, chờ đợt đơn vị phát quân trang tôi gửi một người trong xã đem vào tặng anh Siếu đôi giày da của ngành. Một hôm, tôi nghe đồng chí cán bộ Công an phụ trách xã Nghĩa Đô, khi ấy tôi đã làm nhiệm vụ khác, kể rằng chiều nay vừa đi đám ma anh Siếu ở bản Lằng, anh ấy bị ung thư phổi. Không hiểu sao, khi đốt đồ đạc của anh ấy ngoài mộ, lại thấy có một đôi giày da Công an mới tinh, sáng bóng, chẳng biết ở đâu ra. Người nhà bảo, đôi giày da ấy anh ấy thích lắm, cất kĩ trên gác mái và chưa hề xỏ bao giờ.
Tôi quay đi giấu một giọt nước mắt mặn chát. Anh Siếu ơi, cõi người vô thường quá. Tôi không ngờ lần gặp trên đường hôm ấy lại là lần gặp cuối. Anh hãy xỏ đôi giày em tặng mà thanh thản đi lên gặp tổ tiên nhé. Chớp mắt thôi cũng hết một kiếp người rồi, phải không anh Siếu?
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 5940 Trong tuần: 75491 Trong tháng 291154 Tất cả: 16847248