Vừa qua, Trung úy Phạm Mỹ Hạnh, cán bộ Đội CSGT Công an TP Ninh Bình đã vinh dự đại diện cho lực lượng CSGT Ninh Bình được tuyên dương tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện phong trào “Tự học, tự rèn, tự đào tạo”.
Đại tá Đinh Văn Ninh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, Công an TP Ninh Bình triển khai đưa cán bộ, chiến sỹ CSGT nữ làm công tác điều hành, hướng dẫn giao thông từ tháng 11-2014.
Lúc đó, tổ cán bộ Đội CSGT TP Ninh Bình có 15 đồng chí, được điều động từ các đơn vị, các lĩnh vực công tác khác nhau…
Nhớ lại thời điểm mới bắt đầu làm công việc, Trung úy Phạm Mỹ Hạnh tâm sự, tất cả chị em trong đội đều chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác điều hành, hướng dẫn giao thông.
Trung úy Phạm Mỹ Hạnh trong giờ điều tiết giao thông. |
Khi ấy, Hạnh cảm thấy lo lắng khi nhận nhiệm vụ mới này. Có những ngày thời tiết lạnh buốt, đứng liền một lúc mấy tiếng đồng hồ, chị cảm giác như kiệt sức, chân cứng đờ, không bước nổi xuống bục, phải nhờ đồng chí cùng chốt đỡ xuống…
Cùng thời điểm đó, Công an tỉnh phát động phong trào: “Tự học, tự rèn, tự đào tạo” trong lực lượng Công an Ninh Bình, xây dựng người CBCS Công an “Đức, Trí, Dũng, Nhân hậu” được phát động và đẩy mạnh trong toàn lực lượng Công an tỉnh. Chị đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch tự học, tự làm một cách sát thực, cụ thể, khoa học.
Chị tranh thủ học thêm Luật Giao thông, tìm hiểu những thông tư, nghị định, cách xử lý các tình huống khi tham gia điều hành giao thông. Không chỉ hướng dẫn điều hành giao thông mềm dẻo, linh hoạt tại ngã tư, chị và đồng đội còn trau dồi kinh nghiệm xử lý các tình huống đột xuất xảy ra, khả năng quan sát.
Chị nhớ lại, có hôm giữa trưa nắng gắt, chị đang đứng ở bục phát hiện thấy có người phụ nữ chở theo con trai 4 tuổi, đèo rất nhiều đồ cồng kềnh ngã ra đường. Lúc đó, cậu bé hoảng sợ khóc rất to...
Chị nhanh chóng chạy ra, đỡ xe cho người mẹ và bế dỗ dành cháu bé. Hay như việc xe tải gặp sự cố chết máy giữa đường. Chị kịp thời xuống phân làn phương tiện giao thông, trực tiếp gọi điện báo hỗ trợ để kéo xe tải ra khỏi ngã tư...
Mỗi ngày ra đường đối với các chị là niềm vui và là cả trách nhiệm đối với công việc. Những vất vả phải dậy từ 5h sáng hay về nhà khi đêm đã khuya hoặc phơi mình giữa trưa nắng hơn 40 độ C giờ đã là chuyện nhỏ…
Còn có những khó khăn khó nói thành lời. Chồng của chị Hạnh là bộ đội, thường xuyên vắng nhà, con còn nhỏ mới 5 tuổi. Buổi sáng chị đi làm thì con ngủ chưa dậy. Buổi tối về nhà thì con đã đi ngủ. Có thời gian cao điểm trực 100%, mấy ngày trời chỉ được nói chuyện với con qua điện thoại.
Có hôm gọi điện, con bảo: “Tối nay mẹ về sớm nhé, con thức chờ mẹ” mà chị ứa nước mắt. Hay như ngày lễ, Tết, nhìn mọi người trên phố đưa con đi chơi chị đành ngậm ngùi an ủi chồng con để hôm nào nghỉ bù thì đưa con đi chơi. Nhưng có khi ngày nghỉ bù thì chồng lại đi làm. Vì thế, kế hoạch cho con đi chơi cứ khất hết lần này đến lần khác.
Hằng ngày, mỗi khi lên đường làm nhiệm vụ, đón nhận những ánh mắt yêu thương, nụ cười khích lệ của người tham giao thông, chị lại càng thêm có động lực để phấn đấu, tiếp tục học tập và rèn luyện, xây dựng hình ảnh người chiến sỹ Công an Ninh Bình “Đức, Trí, Dũng, Nhân hậu”.
Theo: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 121 Trong tuần: 42 Trong tháng 128883 Tất cả: 17222437